Khám phá

Hàng rào điện 85 tỷ bảo vệ người dân, voi rừng

02/01/2018, 16:05

Nhờ hàng rào điện, tình trạng voi rừng phá nương rẫy nhà dân ở Đồng Nai đã giảm đáng kể.

51

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hiện còn đàn voi với trên 10 cá thể

Giây phút đối mặt “ông Bồ”

Buổi sáng trung tuần tháng 11, PV Báo Giao thông men theo tuyến ĐT 761 vào vùng lãnh địa của voi rừng (người dân gọi là ông Bồ) trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Quan sát dọc bên đường đoạn qua 2 xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) là những hàng rào kéo dài hàng chục km ven đường.

Đang chăn đàn bò thả rông trên đường, ông Trần Văn Tha (ấp 7, xã Mã Đà) cho biết, trước đây ông Bồ thường xuyên về thăm người dân địa phương xã Mã Đà. Ông Bồ di chuyển không có tiếng động và chạy rất nhanh ra đường nhựa, xe máy chưa chắc đã đuổi kịp. Người dân chỉ phát hiện khi ông đến gần. Sợ nhất ông Bồ ngà lệch đi một mình nhưng thường xuyên vào rẫy bẻ bắp, xoài; vào tận nhà dân kiếm gạo, muối ăn, thậm chí còn bẻ gãy cả song sắt để vào nhà dân. “Cách đây 3 năm đám cưới con tôi. Trưa hôm đó gia đình, bà con họ hàng đang ăn uống, hát hò vui vẻ, bất thình lình xuất hiện 5-6 ông Bồ chạy rầm rập ngay trước cổng chào. Nhiều khách từ thành phố xuống đang ăn tiệc, nhìn thấy đàn voi diễu qua, khiếp vía bỏ chạy tán loạn…”, ông Tha nhớ lại.

Việc giáp mặt với ông Bồ đối với anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1970) thành viên Đội phản ứng nhanh bảo tồn động vật rừng là chuyện thường xuyên. Anh Hạnh kể lại:“Đêm 13/4/2016, khi các thành viên đang say giấc, bất ngờ nghe tiếng chó sủa phía sau trạm. Ngay lập tức tôi băng rừng tiến về hướng chó sủa. Trời tối đen như mực, không thấy gì nên đành quay về. Sáng sớm vừa tỉnh dậy, trong lúc băng rừng tuần tra gần bờ suối tôi phát hiện ông Bồ ngà lệch (đây là con voi đã đập nát xe máy của người dân sáng 13/4 - PV) đang ở suối dùng vòi tắm mát. “Khi chúng tôi đến gần, ông Bồ ngà lệch phát hiện bóng người nên di chuyển sâu vào rừng không vào nhà dân quậy phá. Bình thường ông Bồ ngà lệch rất hiền lành, người dân có hành vi đe dọa dễ bị rượt đuổi gây chấn thương và có thể mất mạng”, anh Hạnh nói.

Anh Trương Xuân Trung, cán bộ nông nghiệp xã Phú Lý cho biết, khi chưa có hàng rào điện, đàn voi thường xuyên xuất hiện, lúc thì ông Bồ ngà lệch đi một mình, lúc đi theo đàn từ 10-12 cá thể. Cứ vào mùa bà con thu hoạch mía, trái cây chín là voi xuất hiện. Từ đầu năm 2017, voi cũng về vài lần bẻ cây trái của người dân trong xã. Có một điều lạ là đàn voi cực kì ghét màu đỏ, cứ thấy vật gì màu đỏ là chúng lao đến dùng vòi, chân giẫm đạp. Điển hình tháng 4/2016, ông Bồ ngà lệch thấy một người đi xe máy màu đỏ nên tấn công và quật nát chiếc xe. Thậm chí, trên đường nhiều tấm biển báo giao thông có màu đỏ cũng bị đàn voi phá nát.

52

Hàng rào xung điện giúp ngăn voi rừng vào khu dân cư quậy phá nương rẫy của người dân - Ảnh: Vĩnh Phú

Tín hiệu vui

Ông Doãn Văn Đài, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho biết, ngày xưa voi thường xuyên ra vào bếp dân kiếm gạo, muối ăn. Bếp chật mà thân hình voi to lớn nên làm hư hỏng đồ đạc, chứ ít có chuyện voi phá nhà dân. Sau nhiều lần voi rừng vào khu vực dân cư, chính quyền địa phương đã thành lập Đội phản ứng nhanh để bảo vệ người dân, đồng thời tuyên truyền, tập huấn cho bà con về bảo vệ rừng và động vật hoang dã. “Đến nay, do có hàng rào điện nên không thấy đàn voi xuất hiện tại khu dân cư”, ông Đài nói.

Ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết: Hàng rào điện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có chiều dài 50 km, đi qua địa bàn 3 xã: Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đang trong quá trình nghiệm thu. Hàng rào điện được xây dựng bằng các cột bêtông, gắn dây cáp dẫn điện nhằm ngăn khả năng xung đột giữa người và voi. Khi voi và các loài động vật khác chạm vào hàng rào sẽ bị giật. Tuy nhiên, đó là biện pháp gây sốc an toàn, không có hại cho động vật. Qua vài tháng thử nghiệm bước đầu hàng rào điện đã phát huy hiệu quả. Đàn voi không thể vượt qua hàng rào điện vào nhà dân. Có hàng rào điện, bà con cảm thấy yên tâm, đầu tư vào vườn, rẫy và thu lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn xã Phú Lý xuất hiện một số cá thể voi đi vào nương rẫy của người dân. Qua tìm hiểu, nguyên nhân do người dân sau khi vào rừng đã quên đóng cổng nên đàn voi qua cổng vào khu dân cư.

Ông Dũng cho biết thêm, giữa tháng 9 vừa qua, lực lượng kiểm lâm và người dân đã chứng kiến việc xuất hiện đàn voi với cả voi con khoảng 14-15 cá thể ở xã Thanh Sơn. Đây là tín hiệu vui cho thấy, voi ở đây sinh trưởng tốt và có dấu hiệu voi cái đã đẻ thêm voi con. Vì trước đây người dân trong xã đã phát hiện nhau thai của voi. “Hiện, chúng tôi đang theo dõi sát sao đàn voi mới. Các cán bộ cũng tuyên truyền cho người dân bảo vệ hàng rào xung điện và các biện pháp phòng tránh khi gặp voi rừng để bảo đảm an toàn”, ông Dũng cho hay.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 cá thể voi thuộc một đàn sinh sống trên diện tích rừng hơn 52.000ha, phân bố ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và Tân Phú. Thực hiện dự án khẩn cấp bảo tồn voi giai đoạn năm 2014 - 2020, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xây dựng hệ thống hàng rào điện dài 50km (30km cố định và 20km di động) cùng với 20km đường tuần tra cặp theo hàng rào cố định để bảo vệ voi và hạn chế xung đột giữa người và voi. Tổng vốn đầu tư là 85 tỷ đồng.

Hàng rào điện lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc-quy 24V. Các bình ắc-quy này đặt tại 10 trạm thu - phát (thu năng lượng và phát xung điện) dọc theo hàng rào, mỗi trạm cách nhau khoảng 5km. Sau đó, thông qua bộ phát xung điện để nâng điện thế lên trung bình từ 6.000 - 11.000 V rồi phát vào hàng rào điện.Tùy vào địa hình, vùng đất khô hay ẩm ướt và có kim loại nằm lẫn trong đất hay không để đặt mức điện cho phù hợp. Trong quá trình thử nghiệm, nơi thấp nhất được đặt khoảng 4.500V, nơi cao nhất khoảng 14.000V. Thiết bị phát cấp xung điện cho suốt dây thép hàng rào, chu kỳ phát xung điện là 1 giây. Xung điện gây giật, choáng cho động vật nhưng là gây sốc an toàn, không làm nguy hiểm đến động vật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.