Hạ tầng

Hàng trăm hộ dân nằm trong DA kè sông Cần Thơ bao giờ nhận nền tái định cư?

05/10/2021, 09:50

Hàng trăm hộ dân phải giải tỏa vì dự án Kè bờ sông Cần Thơ đang lo lắng vì chưa biết bao giờ nhận nền tái định cư, dù có hộ đã giao mặt bằng.

"Khi hỏi mấy anh ở dự án thì nhận được câu trả lời chưa có quỹ đất , khi nào có quỹ đất sẽ giao”, anh Ngô Tấn Đạt, ngụ khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nói về chuyện nền tái định cư mà gia đình anh đang mong mỏi.

Anh Đạt cho biết, hiện gia đình đã nhận đủ số tiền hỗ trợ đền bù từ Hội đồng Đền bù dự án. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai nói gì về việc giao nền tái định cư cho gia đình để di dời và trả mặt bằng lại cho công trình.

img

Khu vực triển khai dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhìn từ flycam.

"Mấy anh trên phường và phía dự án có xuống kêu di dời trả lại mặt bằng cho công trình thi công, nhưng gia đình không đồng ý vì dời nhà đi không có chỗ ở. Mấy anh ở phường và dự án mới cho biết là sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ khi gia đình dọn vào đâu đó ở tạm, khi nào có nền tái định cư thì thôi. Thật tình là bây giờ gia đình tôi cũng không biết làm sao.

Công trình hiện đã làm sát vách nhà tôi, họ đóng cọc lớn quá, giờ nhà bị nứt và sụt lún, ở cũng không an tâm, lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ sạt lở nhà xuống sông. Gia đình tôi chỉ mong nhờ chính quyền các cấp cần sớm hỗ trợ có nền tái định cư cho chúng tôi để gia đình có chỗ ở đàng hoàng để làm ăn sinh sống, chứ dọn đi nhà trọ tạm thì không làm ăn gì được", anh Đạt chia sẻ.

Còn của chú Đường Vĩnh Sùng cũng ở khu vực 5, phường An Bình cũng là hộ bị ảnh hưởng của dự án Kè bờ sông Cần Thơ. Chú Sùng và gia đình sống ở đây từ năm 1972 đến nay. Chú kể: "Vào năm 1992-1993, lúc đó chính quyền xã có kêu làm giấy nhà đất, nhưng vì lúc đó hoàn cảnh gia đình nghèo túng, nên chú đi làm thuê ở tận Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng nên không hay biết. Sau này khi về lại nhà thì không có đợt làm giấy nữa cho đến nay.

Bây giờ bị ảnh hưởng dự án này nhận chỉ được có 60% số tiền hỗ trợ, còn tái định cư thì chưa biết sao (còn ai có giấy đầy đủ thì nhận tiền hỗ trợ được 100%). Vì nhà ở của gia đình chú hiện nay chưa có sổ đỏ (QSDĐ), vì hoàn cảnh nghèo vợ bị bệnh nên chú làm đơn nhờ chính quyền các cấp cứu xét hoàn cảnh của chú, mong nhận được 100% tiền hỗ trợ như bà con khác và được nền tái định cư. Chứ nhận số tiền vừa được hỗ trợ của dự án thì không cất nổi căn nhà chứ làm gì mua được cái nền để cất nhà cho gia đình sinh sống", chú Sùng trần tình.

img

Anh Đạt chỉ cây cọc do đội thi công, công trình đóng làm cho nhà anh bị nứt vách tường.

Chủ doanh nghiệp Chế biến lương thực Toàn Thắng ở phường An Bình, quận Ninh Kiều - ông Trần Văn Tám, cho biết thấy những hộ lân cận nhận tiền đền bù đã hơn 1 năm rồi. "Nhưng đến nay cơ sở của tôi cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù, hay cấp nền tái định cư gì. Chỉ thấy mấy chú trên TP hay quận gì đó xuống đo đạc xong rồi về, nói khi nào báo cáo xong định mức bồi thường sẽ được nhận", ông Tám nói và cho biết thêm là đất ông hiện làm cơ sở kinh doanh “lau gạo”, có 150m2 thổ cư và đang hoạt động.

Còn anh Trần Hồ Quốc, nhà ở khu vực 5, phường An Bình cho biết, anh còn gần 200 triệu đồng bồi hoàn đã 2 năm nay chưa được nhận. Còn tiền hỗ trợ thuê nhà hàng tháng (vì nhà anh đã sạt toàn bộ xuống sông vào tháng 6/2020) đến nay anh vẫn chưa nhận được đồng nào...

img

Nền nhà sau của gia đình anh Đạt đang sinh sống.

img

Những vết nứt tường mà anh Ngô Tấn Đạt cho rằng do công trình thi công đóng cọc làm ảnh hưởng.

Đó là tâm sự của một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ dự án.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Đức, Phó Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, hiện nay số hộ dân bị ảnh hưởng trên tuyến kè bờ sông Cần Thơ đoạn thuộc quận Ninh Kiều đã nhận tiền đền bù gần 90%. Số còn lại hơn 10% chưa nhận là do vướng về kinh phí kiểm định và Ban cũng đã trình Sở Tài chính TP Cần Thơ có hướng giải quyết để chi trả bồi thường cho số hộ còn lại.

img

Ông Đường Vĩnh Sùng làm mộc tại ngôi nhà của mình khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

"Còn về phần cấp nền tái định cư cho bà con bị ảnh hưởng bởi dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ? Vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Ban cũng chưa làm được thông báo gửi cho bà con.

Hiện tại dịch bệnh Covid-19 cũng được kiểm soát gần như ổn định, nên Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều sẽ ra thông báo và trao cho từng hộ dân bị ảnh hưởng được cấp nền tái định cư trên tuyến quận Ninh Kiều theo quy định cho bà con yên tâm. Qua đó quận cũng sẽ thành lập đoàn xuống vận động bà con giao trả mặt bằng lại cho nhà thầu để thi công hoàn thành tiến độ sớm hơn", ông Đức thông tin.

img

Doanh nghiệp của chú Trần Văn Tám bị ảnh hưởng dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ chờ bồi thường, đền bù giải tỏa.

Về công tác bố trí tái định cư: khoảng 425 nền, đã bố trí 21/425 nền (thuộc địa bàn huyện Phong Điền). Còn lại 404/425 nền chưa bố trí (quận Ninh Kiều: 215 nền; quận Cái Răng: 189 nền). Trong đó đủ điều kiện bố trí là 237 nền và đủ điều kiện xét mua là 167 nền.

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (đơn vị có tham gia dự án), đến nay đã phê duyệt 517/544 trường hợp nhận tiền đền bù với khoảng 342,516 tỷ đồng. Còn lại 27/544 trường hợp chưa phê duyệt. Đã chi trả 404/517 trường hợp, tương đương với số tiền khoảng 230,480 tỷ đồng; còn lại 113 trường hợp chưa nhận với số tiền 112,036 tỷ đồng.

Vừa qua UBND TP cũng có Công văn số 3771/UBND-KT ngày 8/12/2020 và Công văn số 461/UBND-KT ngày 8/2/2021 chấp thuận bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng như sau:

Đối với người dân quận Ninh Kiều, sẽ bố trí tại khu tái định cư Ninh Kiều, phường An Bình, quận Ninh Kiều.(chủ đầu tư khu này là UBND quận Ninh Kiều). Trong quý I/2022, sẽ xin chủ trương tổ chức để tổ chức bốc thăm nền cho người dân.

Số còn lại sẽ bố trí vào khu tái định cư thuộc khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đường Cái Sơn Hàng Bàng - đường tỉnh 923) thuộc quận Ninh Kiều.(khu này do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư). Tháng 12/2021, khu tái định cư này sẽ được khởi công và quý I/2022 sẽ xin chủ trương tổ chức tổ chức bốc thăm nền cho người dân.

img

Bãi cọc của công trình dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ.

Đối với quận Cái Răng, sẽ bố trí dân vào khu tái định cư Cái Răng, phường Tân Phú, quận Cái Răng (khu này do UBND quận Cái Răng làm chủ đầu tư). Khu này đến quý I/2022 cơ bản hoàn thành và sẽ xin chủ trương tổ chức bốc thăm, cho người dân.

Một số hộ sẽ được bố trí vào khu tái định cư Yên Bình, phường Lê Bình, hiện khu này đang làm thủ tục dự án. Ngoài ra còn có khu tái định cư phường Thường Thạnh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Khu này do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư, dự kiến tháng 12/2021 khởi công công trình và đến quý I/2022 sẽ xin chủ trương tổ chức bốc thăm cho người dân.

Tổng kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 190,327 tỷ đồng, giá trị giải ngân từ đầu năm 2021 đến nay là 24,197, chỉ đạt 12,7% kế hoạch (trong đó, giải ngân vốn ODA là 20 tỷ đồng và giải ngân vốn đối ứng là 4,197 tỷ đồng).

Lũy kế vốn thanh toán (gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) từ khởi động dự án đến nay là 540,819 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA: 249,469 tỷ đồng; vốn đối ứng: 291,350 tỷ đồng (gồm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 233,822 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án, khác: 32,585 tỷ đồng và chi phí VAT cho xây lắp: 24,943 tỷ đồng).

img

Đoạn công trình kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ dọc theo tuyến ĐT923 thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Nguyên nhân năm 2021 triển khai dự án này chậm là do TP Cần Thơ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, dự án gặp một số khó khăn khi triển khai thi công như địa phương nơi công trường thi công (quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền) tiến hành giãn cách khu vực dân cư, rào chắn đường đi lại thuộc khu vực công trường xây dựng.

Phần lớn cán bộ kỹ thuật cư trú ngoài khu vực công trường (ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền) không được phép di chuyển qua lại giữa các quận, huyện và hiện có 97/104 (93%) công nhân ở các tỉnh có dịch giáp ranh TP Cần Thơ (Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp) nên không thể vào TP Cần Thơ được do phải tuân thủ các thủ tục phòng chống dịch, giãn cách xã hội.

Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra như nêu trên, các nhà thầu thi công xây lắp đã có văn bản thông báo tạm dừng thi công tất cả 4 gói thầu từ giữa tháng 7/2021 đến nay. Và Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cũng đã gửi báo cáo kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư của dự án.

Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2016 đến ngày 5/9/2021.

Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 2092/QĐ-TTg ngày 26/11/2015 và UBND TP Cần Thơ phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 26/2/2020.

Tổng giá trị mức đầu tư số tiền là 810,743 tỷ đồng. Nguồn vốn hợp tác phát triển chỉnh thức (ODA) do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương. Trong đó vốn vay ODA từ AFD là 462,5 tỷ đồng (chiếm 57% tổng mức đầu tư); TP Cần Thơ vay lại từ Chính phủ 50% và được cấp phát 50%...

Quy mô công trình có tổng chiều dài toàn tuyến công trình là 5.160m, có khoảng 544 hộ bị ảnh hưởng, diện tích khoảng 5,107 ha. Đoạn kè bảo vệ bờ phải từ cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến tiếp giáp dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền dài 2.710m. Đoạn kè bảo vệ bờ trái từ gầm cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) kéo dài về huyện Phong Điền, tổng chiều dài là 2.450m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.