Hạ tầng

Người dân Kon Tum hiến hàng nghìn mét vuông đất xây cầu

21/02/2020, 10:33

Hàng trăm hộ dân xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy sẵn sàng hiến cả hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng cầu đường.

img
Để cây cầu được khởi công, 8 hộ dân ở xã Tân Lập đã hiến 8.200 mét vuông đất ở, đất sản xuất

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (45 tuổi ở thôn 6, xã Tân Lập) là hộ dân tiên phong hiến đất cho biết, trước đây, cuộc sống người dân rất khó khăn. Vì không có cầu, đường nên nông sản của người dân bị thương lái ép giá, vật liệu xây dựng lại phải mua với giá cao. Con em đi học cũng rất vất vả khó khăn.

“Khi chính quyền có chủ trương kêu gọi nhân dân hiến đất xây cầu, tôi đã bàn bạc, thống nhất với vợ con. Việc làm này mang lợi ích cho cộng đồng, khu dân cư để phát triển kinh tế, mình có thể hy sinh một chút vì cộng đồng. Vì vậy, để hỗ trợ xây cầu, gia đình tôi đã hiến hơn 2.600m2 đất” ông Hùng khẳng định.

Tương tự, ông Trần Văn Xuyên (thôn 6) cho biết, gia đình ông và hàng trăm hộ dân trong thôn đã mong chờ cây cầu này từ nhiều năm nay. Khi biết cây cầu đi qua đất rẫy trồng cà phê của gia đình, ông Xuyên đã không ngần ngại xung phong hiến cho dự án hơn 2.400m2 đất để phục vụ việc thi công cây cầu.

img
Ông Nguyễn Ngọc Hùng dọn lại khu vườn để nhường đất cho công trình xây cầu

Ông Đặng Tuấn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) cho biết: Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại thôn 6 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương bởi con sông Đăk Pne ngăn cách. Người dân tại đây muốn đi ra bên ngoài hay giao thương buôn bán đều phải lội qua sông.

Trước đây, người dân thôn 6 ra huyện bằng cây cầu gỗ. Trong một lần trời mưa, đã có người khi qua cầu rơi xuống sông nhưng may mắn không bị thương. Năm 2015, cây cầu bị đứt đã làm một con trâu rơi xuống sông.

Vài năm trước, chính quyền địa phương cũng làm một cầu treo giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Cầu có khung sắt, rộng 1,5m, tải trọng 300 kg. Tuy nhiên, vì bề mặt cầu nhỏ, tải trọng thấp nên chủ yếu chỉ có xe máy qua lại và lưu thông một chiều rất bất tiện.

Trong khi đó, bên này sông có hàng nghìn ha hoa màu của hàng trăm hộ dân đang canh tác gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Muốn vận chuyển nông sản phải chở bằng thuyền qua sông hoặc phải đi đường vòng xa hơn 15 km. Đến mùa thu hoạch mì, gặp khi trời mưa liên tục, xe không vào lấy được đành để thối trên rẫy.

Thế là bao công lao một nắng hai sương,“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại mất trắng chỉ vì đường khó khăn, không có cầu qua sông để các phương tiện có thể đến thu mua nông sản. Cũng vì thế, nông sản của bà con làm ra thường bị tư thương ép giá, cho nên cái nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây.

Trước những khó khăn của người dân, UBND huyện Kon Rẫy đã có chủ trương xây cầu để tiện cho việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản của bà con. Sau nghi nghe chủ trương xây cầu, nhiều hộ dân tại thôn 6 đã không ngần ngại tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất phục vụ xây cầu.

Khi có chủ trương xây cầu, chính quyền địa phương đã thông báo từng thôn và nhận được sự ủng hộ của bà con. Để cây cầu được khởi công, 8 hộ dân ở xã Tân Lập đã hiến 8.200 mét vuông đất ở, đất sản xuất. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, trách nhiệm với cộng đồng của người dân.

Hiện tại, cầu bê tông mới đang xây dựng có chiều dài 99m cùng đường dẫn 2 bên dài 460m, rộng 6m với tổng kinh phí 21 tỷ đồng. Cầu được khởi công từ tháng 12/2019 và dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.