Vận tải

Hàng trăm nhà xe đăng ký vào bến rồi vắng mặt cả tháng, chuyên gia nói gì?

20/04/2019, 08:06

Đăng ký lấy lệ, bỏ "nốt" cả tháng, liệu các xe này có ngừng hoạt động thật hay chỉ bỏ bến bắt khách bên ngoài?

img
Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới hàng trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào. Trong ảnh là xe khách của Công ty CP vận tải Ninh Bình đón khách ngoài đường. Trong khi đó, Bến xe Giáp Bát thống kê đơn vị này có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới vài trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào là bất cập khó chấp nhận. Trong số các nhà xe bỏ bến, không ít ra ngoài chạy dù.

"Nhiều lần tận mắt tôi chứng kiến một số nhà xe tuyến cố định đi vòng quanh các ngõ ngách trên các tuyến đường gần bến xe để kiếm khách. Thậm chí, xe đi Hà Nội - Ninh Bình được quy hoạch ở Giáp Bát, Nước Ngầm còn vòng lên tận khu vực bến xe Mỹ Đình để bắt khách. Như vậy không gọi là chạy dù thì là gì?", ông Liên dẫn chứng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, xe Limousine hay còn gọi là xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định bùng phát với số lượng rất lớn. Loại xe này không vào bến chạy lòng vòng đón khách “đón tận nơi, trả tại chỗ” theo nhu cầu đang gây ra những hệ lụy lớn, vừa mất trật tự ATGT, thất thu cho bến xe. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến cố định phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác đang hoạt động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.

“Chính việc xuất hiện các xe Limousine đưa đón tận nơi làm cho hành khách bỏ thói quen đến bến xe, khiến không ít tuyến cố định cũng phải ra ngoài cạnh tranh”, ông Liên nói và cho rằng, Hà Nội cần cải tạo lại các bến xe mới mong thu hút, tạo cho hành khách quay lại thói quen vào bến trước đây. Cùng đó, cũng cần xử lý nghiêm xe Limousine bởi đây là loại hình kinh doanh đang gây thất thu thuế cho Nhà nước", ông Liên nói.

TS. Nguyễn Thu Thủy, Giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, hiện công nghệ thông tin đang được ứng dụng mạnh mẽ trong việc quản lý, giám sát hành trình, phần mềm quản lý bến xe và dữ liệu hành khách nên hoàn toàn có thể phát hiện xử lý ngay được xe bỏ bến chạy dù.

“Đơn vị quản lý có thể nắm được xe đi đúng tuyến và có được chấp thuận tuyến hay không và sẽ biết được nhà xe nào bỏ tài, bỏ chuyến chạy dù", TS. Thủy nói và cho rằng, để vận tải thực sự cạnh tranh lành mạnh, không có tình trạng xe dù, bến cóc hay bỏ bến cả tháng, đòi hỏi sự kết nối giữa các cơ quan quản lý và cơ quan xử lý vi phạm như: CSGT, TTGT đều cần phải quyết liệt.

Trước đó, Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết, hiện có hàng trăm nhà xe đăng ký hoạt động vận tải khách nhưng lại không hoạt động trong bến xe. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất (tháng 4/2019) của Công ty quản lý bến xe Hà Nội gửi Sở GTVT Hà Nội, trong vòng 2 tháng cao điểm (tháng 12/2018 và tháng 1/2019) tại Bến xe Giáp Bát, có 66 đơn vị đăng ký vận tải có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định.

Đáng chú ý, trong số này có 27 đơn vị vận tải “vắng mặt” hoàn toàn. Có thể kể đến như: Công ty cổ phần Khánh Tám đăng ký hoạt động hai đầu bến Giáp Bát - Mỹ Lộc, Giáp Bát - Nam Trực; Công ty TNHH Hải Thắng tuyến Giáp Bát - TP Ninh Bình; HTX vận tải ô tô TP Ninh Bình đăng ký 2 nốt xe đều chạy vào khung giờ “vàng” 13h05 và 15h35 tuyến Giáp Bát - Kim Sơn - Lai Thành...

Tình trạng nhà xe “bỏ bến” còn diễn ra căng thẳng hơn ở bến xe Nước Ngầm. Thống kê cho thấy, cũng với thời gian như trên, tại bến xe Nước Ngầm có tới 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động. Điển hình như HTX dịch vụ vận tải ô tô Nam Danh chạy tuyến Nước Ngầm - Bến xe Đồng Hới có giờ xuất bến là 19h hàng ngày. Tuy nhiên, đơn vị này đã không hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.