Sở VH, TT&DL cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke buộc phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố để phòng chống dịch.
Từ ngày 8/4/2022, loại hình này được UBND thành phố cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở karaoke trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, kinh doanh không ổn định.
Hiện, phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố đang tạm dừng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Sở VH, TT&DL nhận định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trong thời gian ngắn có nhiều sự thay đổi, tuy nhiên không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tại địa phương, các cơ sở kinh doanh karaoke không đáp ứng kịp thời với các điều kiện kinh doanh theo quy định mới.
Sở VH, TT&DL Hà Nội cho biết, căn cứ kết quả rà soát của Công an thành phố Hà Nội, tính đến tháng 7/2023, thành phố có tổng số 1.438 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Sau khi tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên toàn quốc, 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn được các đơn vị chức năng kiểm tra, xác định không đáp ứng các yêu cầu về PCCC.
Cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu ngừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục theo quy định của pháp luật (184 cơ sở có quyết định tạm đình chỉ hoạt động; 1.170 cơ sở có quyết định đình chỉ hoạt động; 84 cơ sở yêu cầu ngừng hoạt động bằng văn bản).
Đến nay, trong tổng số 1.438 cơ sở kinh doanh karaoke có 202 cơ sở đã chính thức giải thể, không còn hoạt động kinh doanh karaoke; 93 cơ sở đang tháo dỡ hệ thống âm thanh, loa đài, chuyển đổi loại hình; 128 cơ sở đã chuyển đổi loại hình sang nhà hàng, cafe ca nhạc...
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke diễn biến phức tạp, có tình trạng hoạt động “chui” hoặc biến tướng với cách thức thay đổi đăng ký kinh doanh, biển hiệu nhưng vẫn còn hoạt động tương tự karaoke, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, mất an toàn về PCCC.
Ngay sau khi nắm bắt được vi phạm trên, công an thành phố đã chỉ đạo công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã chủ động, phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động karaoke trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ không để các cơ sở không đảm bảo các quy định của pháp luật ngang nhiên hoạt động.
Sở VH, TT&DL thông tin thêm, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng tiền phạt các vi phạm do các quận, huyện, thị xã xử phạt là hơn 2,8 tỷ đồng.
Đến nay, Hà Nội đã có 21 cơ sở đảm bảo các yêu cầu về PCCC để được đưa vào hoạt động trở lại và 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận thẩm quyền duyệt thiết kế về PCCC (đang thi công theo thiết kế được duyệt để tiếp tục được nghiệm thu PCCC và được đưa vào hoạt động, sử dụng trong thời gian ngắn sắp tới).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận