Xã hội

Hàng triệu khẩu trang y tế mỗi ngày đi đâu?

13/03/2020, 06:46

Dù cơ quan chức năng khẳng định nguồn cung có thể đáp ứng 2,5 triệu chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày, song người dân rất khó mua tại hiệu thuốc.

img
Ồ ạt rao bán khẩu trang “trần” không kiểm soát chất lượng trên mạng xã hội

Khan hiếm khẩu trang y tế

“Săn lùng” khẩu trang y tế khắp các hiệu thuốc đều không có, rồi nhờ người quen trong ngành dược tìm mua cũng không ra, nên chị Thành (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉ còn cách “rình” mua trên Facebook.

Chị Thành chia sẻ: Không biết họ là ai nhưng thấy livestream bán khẩu trang y tế nên mọi người chia sẻ đường link cho nhau để mua. Khi nhìn thấy cả thùng hàng lên đến cả nghìn chiếc khẩu trang được bó theo từng chục, buộc dây chun, chứ chẳng được bao bọc gì, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại, nhưng rồi ai cũng quyết mua bởi tâm lý “thà nhầm còn hơn bỏ sót”!.

Theo chị Thành, giá của loại khẩu trang “trần” này được rao bán 70 nghìn đồng/chục. “Ai nhanh tay thì đặt được, còn không cứ để lại số điện thoại “đặt gạch” chờ tới lô hàng tiếp theo”, chị Thành cho hay.

Nhận định về hoạt động kinh doanh khẩu trang trong mùa dịch, anh Huy (Thường Tín, Hà Nội), một quản trị viên của trang bán hàng online chia sẻ: “Mỗi ngày có hàng trăm nhà thuốc giao dịch bán khẩu trang qua mạng, có những người mua với số lượng lớn, nhưng cũng có người mua sang tay kiếm lời. Chủ yếu là các nhà thuốc, họ mua hàng qua đây, xong lại rao trên một trang mạng khác, khi có người đặt cọc thì họ giao hẹn điểm nhận hàng và chuyển đi ngay để tránh lưu kho.

Đa số giá bán giao động 11-19 triệu đồng/thùng/50 hộp. Những người giao dịch chỉ cần được giá là mua, chứ không cần biết đó là khẩu trang tốt hay không tốt vì người tiêu dùng không kiểm chứng được tiêu chuẩn mà họ đã chấp nhận sẵn sàng mua giá cao”.

Cũng theo anh Huy, có rất nhiều thương hiệu mới, chưa thấy bao giờ kể cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế, tuy nhiên chủ shop đều khẳng định đạt “chuẩn kháng khuẩn”.

2,5 triệu chiếc/ngày vẫn không đủ nhu cầu?

Người dân không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mọi lúc, trừ khi phải tiếp xúc với bệnh nhân, nghi ngờ bệnh nhân dương tính hay phải chăm sóc bệnh nhân. Nếu bình thường, người dân có thể sử dụng khẩu trang vải giặt hàng ngày và rửa tay đúng cách đã là cách phòng bệnh tốt rồi, không nên quá lo lắng mua bằng được khẩu trang y tế rồi “tiền mất tật mang” khi những khẩu trang đó sản xuất không đúng quy chuẩn.

BS. Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội.


Trao đổi với Báo Giao thông về tình hình sản xuất khẩu trang trong nước, đại diện Bộ Công thương cho biết, mỗi ngày các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế trong nước có thể sản xuất được 2,5 triệu chiếc.

“Mặc dù các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế đã chạy hết công suất, nhưng nhu cầu về khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn rất cao. Ngoài ra, để chia sẻ sức ép nhu cầu, thời gian vừa qua Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp dệt may tăng cường nguồn cung khẩu trang vải”, vị đại diện cho biết.

Được biết, tính hết tháng 2/2020, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn mà các doanh nghiệp đã cung ứng ra thị trường là trên 8 triệu chiếc.

Theo kế hoạch, trong tháng 3/2020, các đơn vị tiếp tục sản xuất và dự kiến đưa ra thị trường khoảng gần 19 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hỗ trợ giao động từ 7.000 -15.000 đồng/chiếc.

“Hiện nay tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, Aeon, Big C và các cửa hàng chuyên doanh của các công ty như: Công ty cổ phần TM và DV Hoàng Dương (Thương hiệu Canifa), Công ty Dệt kim Đông Xuân, Hanvico, TNG… đều có bán các loại khẩu trang vải. Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông về nguồn cung các loại khẩu trang vải và địa điểm bán hàng để người dân biết, tránh tâm lý hoang mang lo lắng”, vị đại diện cho biết.

Anh N.V.M. (Hà Nội) một nhà phân phối khẩu trang cho hay: "Việc mua khẩu trang tại các hiệu thuốc thời điểm này rất khó, mà khẩu trang y tế chủ yếu được rao bán trên mạng".

Theo anh M., nguyên nhân nhà thuốc không bán khẩu trang và không giao dịch được với nhà máy bởi cầu vượt quá cung, nhiều thương lái gom hàng xuất lậu để kiếm lời. Tuy nhiên, sự vào cuộc “ngược lý” của cơ quan chức năng với tuyên bố phạt và tước giấy phép những hiệu thuốc kinh doanh tăng giá khẩu trang, mới là nguyên nhân chính.

“Câu chuyện đi khắp cả thành phố cũng không thể mua được khẩu trang y tế xuất phát từ nỗi sợ phạt của các nhà thuốc khi họ không biết đâu là giá cần niêm yết tại nhà thuốc để không bị phạt. Chính điều này đã sinh ra hoạt động chợ đen, khiến cho nhiều nhà đầu cơ nhanh chóng đưa cơ sở sản xuất khẩu trang “chui” vào hoạt động. Điều này lại gây nên sự lũng đoạn thị trường khẩu trang, khó kiểm soát được chất lượng”, anh M. nói.

Cũng theo anh M, hiện tại, thị trường đang bát nháo khẩu trang, người bán cũng khó biết mà người mua cũng chẳng thể lường về chất lượng. Cả khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang y tế đều tranh thủ nhập nhèm về chất lượng để tung ra bán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.