Thế giới

Hành khách lỡ chuyến vì “sân bay yên tĩnh”

21/07/2015, 18:55

Nhiều sân bay bắt đầu áp dụng biện pháp “sân bay yên tĩnh” nhưng đôi khi khiến hành khách dở khóc dở cười...

Tại khu vực InfoGate, hành khách có thể ch
Sân bay Munich có khu vực InfoGate giúp hành khách nói chuyện qua video với đại diện dịch vụ hành khách của sân bay bằng ngôn ngữ tùy chọn.

Với mục đích tạo điều kiện cho hành khách có những chuyến đi thực sự thoải mái, nhiều sân bay quốc tế đặc biệt là tại châu Âu bắt đầu áp dụng biện pháp “sân bay yên tĩnh”... Thế nhưng, nhiều chuyện bi hài đã xảy ra khi các sân bay áp dụng biện pháp này.

Giảm tiếng ồn sân bay bằng công nghệ tương tác

Việc thông báo giờ lên máy bay và thời gian mở cổng là rất quan trọng để tránh tình trạng hành khách bị xao nhãng, quên giờ dẫn tới lỡ chuyến bay. Tuy nhiên, đôi khi thông báo liên tiếp lại tạo bầu không khí rất căng thẳng. Hiện, thay vì thông báo trên loa, các sân bay áp dụng các công nghệ tiên tiến để truyền tải thông tin tới hành khách.

Ngày càng nhiều hãng hàng không và sân bay mong muốn mang đến cho hành khách không khí thư giãn và thư thái khách trong thời gian chờ đợi để lên máy bay, thay vì phải căng đầu căng tai nghe thông báo liên tiếp”.

Bà Angela Gittens, Tổng Giám đốc Hội đồng Sân bay quốc tế

Tháng 6 vừa rồi, Sân bay Helsinki (Phần Lan) áp dụng ý tưởng chỉ thông báo chi tiết chuyến bay tại khu vực gần cửa lên máy bay mà không thông báo ở khu vực phòng chờ, mua sắm, ăn uống và chỉ phát thông báo trên loa trong trường hợp khẩn cấp. Để có thông tin chuyến bay, hành khách tới các khu vực tương tác hoặc đơn giản là cài ứng dụng nhắc chuyến bay vào điện thoại.

Ở sân bay Munich, có các khu vực InfoGate. Ở đây, hành khách có thể chọn nói chuyện qua video với đại diện dịch vụ hành khách của sân bay bằng ngôn ngữ tùy chọn. Nếu muốn tìm cổng lên máy bay, hành khách có thể đơn giản tìm các màn hình tương tác trong đó cung cấp chỉ dẫn và dự tính thời gian di chuyển. Sân bay mới của Saudi Arabia đặt tại thành phố lớn Jeddah dự kiến cũng sẽ áp dụng công nghệ tương tác tương tự.

Ngoài ra, hầu hết các sân bay quốc tế hiện nay đều sở hữu những ứng dụng cho phép hành khách dễ dàng cập nhật tình trạng chuyến bay, bản đồ nhà ga và các đặc điểm đặc biệt. Chơi trội hơn, Sân bay Schiphol, Amsterdam (Hà Lan) mở một công viên, nhìn giống như mê cung hình kim cương do nhà thiết kế Paul de Kort thiết kế. Công viên rộng 323.760 m2 không chỉ để làm đẹp mà còn có tác dụng hấp thụ và giảm tiếng ồn từ sân bay. Công viên này được chứng minh đã giảm tiếng ồn sân bay xuống còn một nửa.

Mải shopping, quên lên máy bay

Tuy nhiên, biện pháp cắt giảm thông báo có vẻ giúp giảm được kha khá tiếng ồn nhưng lại tồn tại không ít vấn đề, khi nhiều hành khách bị lỡ chuyến vì mải mê mua sắm, đi dạo… quên giờ lên máy bay. Một ví dụ, hành khách Patrick Bury (người Anh) từng bị bỏ lại sân bay Bristol vì lỡ chuyến tới Dublin của Hãng Hàng không Ryanair vì chính sách sân bay yên tĩnh Bristol áp dụng từ năm 2013. Bury đã tới sân bay hoàn tất thủ tục và qua cửa an ninh từ rất sớm và anh phải chờ 1,5 tiếng trước khi máy bay cất cánh. Dù đã áp dụng chính sách mới nhưng hôm đó, vẫn có một số hãng hàng không thông báo cho hành khách các thông tin quan trọng như bình thường. Anh Bury nghĩ, Ryanair cũng sẽ thông báo nên yên vị ngồi chờ ở trên tầng hai. Rốt cuộc, Ryanair chỉ thông báo lần đầu và không có thông báo nhắc cuối cùng. Sốt ruột, ra cổng xem tình hình, anh mới ngỡ ngàng cổng đóng, toàn bộ hành khách cùng chuyến đã lên máy bay trừ anh.

Nếu như tại Sân bay Bristol, tình trạng này chỉ là trường hợp hy hữu thì tại Sân bay quốc tế Delhi của Ấn Độ, nó đã trở thành chuyện như cơm bữa.

Tháng trước, một trong các chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh đã phải quay đầu vì không có thông báo nên một hành khách mải mê trong khu mua sắm hàng miễn thuế không nhớ giờ lên máy bay. Cuối cùng, hành lý được chuyển lên máy bay sang Anh, còn người vẫn ở dưới đất. Một quan chức cấp cao trong ngành Hàng không Ấn Độ cho biết: “Sau khi điều tra sự việc trên, chúng tôi phát hiện, không chỉ một mà rất nhiều hãng hàng không vấp phải trường hợp tương tự. Khu vực miễn thuế nhà ga T3 sân bay Delhi nằm trong khu vực hạn chế thông báo; Không hãng nào nhắc hành khách lần cuối trước khi máy bay cất cánh”.

Các hãng hàng không giải thích: “Họ đều đặc biệt nhắc hành khách, đến 1 giờ cụ thể, họ phải đến cổng sân bay. Tuy nhiên, có nhiều người lần đầu tiên hoặc không thường xuyên đi máy bay không lưu tâm và mải mê shopping trong khu miễn thuế. Chúng tôi đã đề nghị Sân bay Delhi giải quyết nhưng chưa có tiến triển”.

Một quan chức hàng không cho biết, Ấn Độ là thị trường hàng không đang dần trưởng thành. Lượng hành khách lần đầu tiên đi máy bay cần được nghe thông báo tỉ mỉ rất nhiều. Vì vậy, tốt nhất nên áp dụng biện pháp "sân bay yên tĩnh" tại các thị trường đã phát triển như phương Tây, chưa nên áp dụng tại Ấn Độ”.

img

Vì sao sân bay Nội Bài cần thêm đường băng thứ 3?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.