Quản lý

Hành lang pháp lý mới quản tàu bay không người lái

03/03/2020, 13:30

Bộ Quốc phòng xây dựng nghị định thay thế NĐ 36 theo quy trình thủ tục rút gọn quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

img
Flycam đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng (Ảnh minh họa)

10 năm sau khi Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ có hiệu lực, Bộ Quốc phòng đang xây dựng Nghị định thay thế theo quy trình thủ tục rút gọn, trình Chính phủ ngay trong quý I/2020.

Mối lo lớn của các phi công

Chuyến bay VN246 từ TP HCM về Hà Nội đang vào khu vực tiếp cận hạ cánh, tại vị trí cách sân bay khoảng 3 dặm, cơ trưởng chuyến bay bất ngờ phát hiện có vật thể đang bay và cấp báo đến cơ quan kiểm soát không lưu.

“Nhiều khả năng, vật thể bay này là những chiếc flycam (máy bay không người lái có tích hợp camera). Do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, giá thành rẻ, lại được quản lý chưa chặt chẽ nên máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cũng đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng”, một chuyên gia về an toàn hàng không cho hay.

Theo thông tin từ TCT Cảng hàng không VN (ACV), chỉ trong tháng 2, tại hai sân bay đông đúc nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tổ bay các chuyến bay đã 3 lần phát hiện có vật thể bay không người lái.

Đến thời điểm hiện tại, vụ việc được cho là nghiêm trọng nhất nghi liên quan đến vật thể bay không người là trường hợp máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air từ Seoul đến TP HCM hạ cánh khẩn nguy tại Tân Sơn Nhất hồi cuối năm ngoái. Thời điểm đó, tổ bay thông báo trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh sau khi thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao hơn 600m.

Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Mạnh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội), một người chơi flycam kinh nghiệm nhiều năm cho biết, nhiều năm trở lại đây, flycam đã trở nên rất phổ biến do mức giá không quá đắt mà hình ảnh mang lại thì rất đẹp, rất độc đáo, được nhiều người yêu thích.

“Theo quy định hiện hành, muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay”, anh Hà nói và cho biết thêm: Vẫn biết muốn bay thì phải xin phép nhưng thực tế là thủ tục quá phức tạp.

Mỗi lần bay phải đến Bộ tổng tham mưu xin phép, thời gian chờ đợi lại lâu nên nhiều người thường bay… trộm. Bạn bè của tôi cũng thế. Bay một vài lần không bị phạt thì lại bay tiếp.

Tâm lý người chơi flycam là thế, việc quản lý lại chưa chặt chẽ nên flycam đã và đang trở thành nguy cơ có thật của ngành hàng không.

Vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Quốc phòng xây dựng, các quy định về thủ tục cấp phép được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan quản lý, giảm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân xin phép; đồng thời phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị quân sự ở địa phương cấp phép và quản lý hoạt động bay.

Các hành vi vi phạm, chế tài xử phạt cũng sẽ được làm rõ, đảm bảo khắc phục được bất cập, lúng túng trong công tác xử phạt hiện nay do chưa quy định cụ thể cơ quan nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm xử lý vi phạm, chế tài còn chung chung, chưa cụ thể hoặc còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.

Được biết, các hành vi vi phạm tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi phương tiện, cấm bay vĩnh viễn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vấn đề cấp phép, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết: Theo khuyến cáo của ICAO, căn cứ vào mục đích, kiểu loại và khu vực hoạt động dự kiến của tàu bay không người lái, các quốc gia cần quy định cụ thể một hoặc nhiều cơ quan cấp phép bay trên cơ sở có sự phối hợp, hiệp đồng của cơ quan quân sự và hàng không dân dụng.

Từ đây, Cục Hàng không VN đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan quân sự với Cục Hàng không VN, TCT Quản lý bay VN, Cảng hàng không liên quan (nếu cần thiết) trước khi cấp phép. Để đơn giản hóa thủ tục xin cấp phép, cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hồ sơ, đề nghị xem xét, bổ sung hình thức xin cấp phép, cấp phép điện tử.

Cũng theo khuyến cáo của ICAO và nhiều tổ chức hàng không khác, trong trường hợp tích hợp hoạt động của tàu bay không người lái trong vùng trời hoạt động chung thì cần thực hiện việc đánh giá ảnh hưởng của hoạt động của tàu bay không người lái tới các hoạt động bay có người lái. Nhiều quốc gia đã thiết lập vùng trời dành riêng cho hoạt động tàu bay không người lái.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay hàng không dân dụng và quân sự, Cục Hàng không kiến nghị chỉ cho phép tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ở các vùng trời không có kiểm soát, vùng trời thiết lập dành riêng cho hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Cấm các hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ở độ cao trên 2.000m. Khi hoạt động trong vùng trời có kiểm soát, các khu vực cấm bay/hạn chế bay, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải được cấp phép đặc biệt…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.