Xã hội

Hạnh phúc của thầy giáo viết chữ bằng... miệng

15/08/2020, 19:15

Anh Phùng Văn Trường chỉ có thể ngậm bút vào miệng viết nhưng anh là niềm cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến các em nhỏ nghèo khó trong thôn.

img
Thầy Trường cặm cụi viết mẫu cho các em học sinh

Bị khuyết tật chân tay co quắp, chỉ có thể ngậm bút vào miệng tập viết, nhưng bao năm qua, anh Phùng Văn Trường miệt mài truyền cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến với các em nhỏ nghèo khó trong thôn. Vì cảm phục tấm lòng và nghị lực của anh, cô hàng xóm hiền lành, chân chất đã đem lòng yêu thương, cùng anh tạo dựng một gia đình hạnh phúc.

Người thầy đặc biệt

Chiều 11/8, trong căn nhà nhỏ ở xóm Tam Hiệp, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội với các bức tường là những giá đầy chật sách, anh Phùng Văn Trường (SN 1979) ngồi trên xe lăn, mồm cặm cụi viết chữ. Xung quanh anh là gần chục em nhỏ đang chăm chú tập tô, viết, làm tính.

“Bố mẹ đi làm, con sang nhà thầy Trường để thầy dạy chữ cùng các bạn, năm nay con sẽ vào lớp 1”, một cô học trò nhí của thầy Trường ngưng viết, vui vẻ kể. Xung quanh cô bé, không chỉ có các bạn chuẩn bị vào lớp 1, mà cả những bạn lớn hơn đã đi học tiểu học cũng quây quần về đây để thầy Trường kèm cặp thêm, trông nom giúp dịp nghỉ hè khi bố mẹ vắng nhà.

Bà Nguyễn Thị Lãnh ở đội 2, thôn Nhân Lý có con gái bị chậm phát triển về trí tuệ và khả năng nói, nhiều năm nay đã cho con học thầy Trường. Nhờ đó, đến nay, con bà Lãnh không chỉ biết đọc mà còn tìm được niềm vui trong cuộc sống.

“Thầy Trường tàn tật nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ con tôi, cứ động viên đưa cháu xuống để giúp cho bé học, không mất tiền nong gì”, bà Lãnh cảm động cho hay.

Ngậm cây bút vào miệng, anh Trường cúi người, hai tay giữ chặt quyển vở khỏi xê dịch, rồi khéo léo uốn nét chữ trên trang vở rất thẳng hàng để làm mẫu cho học trò. Nhìn những nét chữ bay bổng của thầy Trường, không ai nghĩ, những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng. “Tay chân tôi bị teo hết từ hồi nhỏ, chỉ có miệng là ngậm được bút thôi”, anh Trường kể.

Trường phát bệnh thoái hóa cơ từ khi 1 tuổi, ban đầu là không biết đi, sau đó là hai tay cứ duỗi ra, rất khó cầm nắm. Đến tuổi đi học, bố mẹ cõng đến trường, Trường vẫn cố gắng tập viết, cố gắng theo kịp chương trình học. Nhưng hai tay co cứng, teo dần nên tới lớp 8, Trường không thể cầm được cây bút và phải nghỉ ở nhà.

“Lúc ấy, bố tôi cầm tay tôi để lấy lực tì bút, đưa từng nét, từng nét nhưng bút lại rơi xuống và từ đó, tôi phải nghỉ học”, Trường kể.

img
Anh Trường và cậu con trai nhỏ

Không thể đến trường, suốt ngày chỉ loanh quanh ở nhà khiến Trường thấy nản. Đầu năm 2010, Trường nói với bố làm cho gian nhà tạm ở ngoài đầu xóm để ra đó bán hàng lặt vặt, một phần tự nuôi sống bản thân, phần có người qua lại cho đỡ buồn.

Có quầy hàng, được tiếp xúc với mọi người đến mua đồng quà tấm bánh khiến tinh thần anh khá hơn. Nhưng anh cũng nhận ra việc không thể viết chữ cũng là trở ngại lớn trong kinh doanh vì anh không thể ghi chép lại các mặt hàng…

Thế là Trường quyết tâm học viết chữ lại bằng... miệng. “Lúc đầu, tôi dùng cây bút chì rồi ngậm vào miệng, dùng răng cắn chặt bút và tập viết từng nét một, thậm chí chảy cả máu miệng vì phải cắn chặt bút. Thế nhưng, cứ được vài chữ là tôi phải dừng lại nghỉ vì rất mỏi, mắt thì hoa lên vì phải nhìn sát vào trang giấy”, anh Trường cho biết.

Sau hơn 3 tháng luyện tập không biết mệt mỏi, cuối cùng răng anh đã giữ được bút, còn cổ thì nhịp nhàng đưa bút, không những nhanh mà chữ còn rất đẹp và bay bổng.

Cũng thời gian này, đứa cháu học lớp 1 ngày nào cũng ra cửa hàng của anh chơi, vì rảnh nên anh dạy cháu tập đọc, làm những phép tính đơn giản và dạy cháu viết, dần dần cháu học hành tiến bộ. Hàng xóm thấy thế cũng mang con sang nhờ anh kèm. Lúc đầu chỉ một vài cháu, nhưng dần dần, nhà của anh đã biến thành lớp học miễn phí với hơn 20 em.

Anh chủ yếu rèn chữ viết và kèm các em học từ lớp 1 đến lớp 5. Em nào đến với lớp học của thầy Trường cũng tiến bộ, ngoan ngoãn và chăm chỉ hẳn lên. Bọn trẻ trong xóm được gửi tới “lớp thầy Trường” không chỉ để học chữ, mà còn bớt ham chơi, bớt dãi nắng những buổi trưa hè.

Đến năm 2014, anh Trường được mời tham gia chương trình “Điều ước thứ 7” của Đài Truyền hình Việt Nam. Tại đây, anh đã nói về mơ ước được mở một tủ sách cho các cháu trong vùng có sách để đọc, mở mang kiến thức. Ước mơ này của anh nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Có tủ sách, ngôi nhà của anh trở thành “ngôi nhà tạp hóa” vừa ở, vừa dạy học, vừa là thư viện cho các cháu trong vùng đến đọc và mượn sách mang về, hoàn toàn miễn phí.

Đến đầu năm 2018, với sự giúp sức của một mạnh thường quân, thư viện nhỏ của Trường mở rộng hơn và có tên là “Chào thế giới” (Hello World) với hàng ngàn đầu sách. Có thư viện, có lớp học, có bọn trẻ làm niềm vui, anh Trường đã đinh ninh mình sẽ sống như vậy đến cuối đời.

Hạnh phúc vẹn tròn

img
Các cháu đến học và quây quần bên anh Trường tại Thư viện Hello World

“Tiếng lành đồn xa”, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1974, người cùng xã) thường đóng gạch thuê ở con sông gần nhà anh Trường rất tò mò về “người thầy khuyết tật” mà người dân và bọn trẻ trong vùng hay kể. Tìm hiểu kỹ hơn, chị quyết định gặp mặt, chuyện trò và dần dần đem lòng cảm phục người đàn ông đầy nghị lực sống ấy.

Khi biết chuyện chị Hương yêu anh Trường, gia đình chị kịch liệt phản đối. Anh Trường biết chuyện, anh viết 2 lá thư dài gửi bố chị Hương để trình bày, tâm sự và xin phép mời gia đình xuống chơi nhà.

“Lá thư đầu tôi mời gia đình cô ấy xuống chơi và lá thư thứ 2 tôi nói rõ nếu gia đình không đồng ý thì cháu cũng không dám theo đuổi Hương”, anh Trường kể.

Cùng với tình yêu của chị Hương, sự kiên trì và chân thành của anh Trường đã được đền đáp khi bố chị Hương đồng ý cho anh Trường lên chơi nhà.

“Ngày 2/6/2012, khi các chị tôi đưa tôi lên nhà cô ấy, bố cô ấy hỏi cô ấy có đồng ý lấy tôi không. Hương nói đồng ý lấy tôi vì thương yêu, muốn giúp đỡ tôi và bố cô ấy đã đồng ý”, anh Trường cho hay.

Chị Hương cho biết, dù biết làm vợ anh Trường sẽ rất vất vả, nhưng chị chưa bao giờ ân hận vì quyết định của mình. Bởi, anh Trường là người đàn ông tốt, yêu vợ thương con, sống đầy nghị lực. Và bé trai Phùng Thiên Trường Quảng ra đời là minh chứng, là sợi dây giúp gắn chặt hơn tình yêu của họ.

Anh Trường tâm sự: “Là người tàn tật, nhưng còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.