Xã hội

Hạnh phúc vẹn tròn của "thủ lĩnh" Tân "lì"

05/09/2020, 06:32

Những người biết Tân "lì" đều ngợi ca tấm gương vượt qua bệnh tật, nỗ lực làm thiện nguyện để sống có ý nghĩa của chàng trai ấy.

img
Tân và mẹ mang quà từ thiện đến cho trẻ em khuyết tật vào ngày 1/6/2020

Nhưng ít ai biết rằng, phía sau Tân “lì” có một người vợ “lì không kém chồng”.

Giấc mơ có thật

Những ngày đầu tháng 8, dư âm của áp thấp nhiệt đới khiến trời đổ mưa và thời tiết thay đổi cũng khiến Nguyễn Minh Tân (biệt danh Tân “lì”, SN 1988) trở bệnh nặng hơn, cơ thể đau nhức. Anh cắn chặt vào chiếc khăn tay để ngăn dãi dớt chảy ra bởi phần lưỡi đã bị cứng và liên tục vặn vẹo, gồng người để cố nén cơn đau.

Vừa xoay trở, xoa nắn cho chồng bớt đau nhức, chị Hà Thị Thùy Giang (SN 1988, vợ Tân) vừa trêu chọc, kể những mẩu chuyện hài để Tân thi thoảng lại ngoác miệng cười, phần nào quên đi cơn đau. Cạnh đó, một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh lăng xăng chạy chơi quanh chân bố mẹ, thi thoảng lại chạy ào vào húc đầu vào lòng bố. Bé trai ấy là trái ngọt của vợ chồng Tân - Giang, năm nay đã hơn 3 tuổi.

“Cô ấy đã biến giấc mơ đời em thành sự thực”, Tân bấm vào chiếc điện thoại rồi đưa cho PV Báo Giao thông đọc, giờ anh chỉ có thể giao tiếp qua tin nhắn, bởi giọng nói đã méo mó, chỉ có thể phát ra những tiếng u ơ không rõ nghĩa. Nhưng ánh mắt Tân nhìn vợ và con đầy âu yếm và tự hào và Giang cũng phát vội vào vai Tân một cái, như để hòa nhịp vào sự yêu thương ấy.

Họ sắp kỷ niệm 4 năm ngày cưới, 5 năm ngày yêu nhau. Giang, cô cử nhân trường Đại học Lao động và Xã hội vui vẻ cất các bằng cấp vào đáy tủ, bằng lòng với công việc bán hàng đầu ngõ để có thể “chạy ra chạy vào chăm sóc anh Tân”. Còn Tân, những ngày khoẻ mạnh, anh sẽ lại ngồi lên chiếc xe ba gác quen thuộc, chạy khắp các con phố ở Nam Định để bán tăm bông và xin tiền để đi làm từ thiện.

“Căn nhà này chúng em thuê, tuy là nhà cấp 4 nhưng có khoảng sân rộng để anh Tân tập đi, tập phục hồi chức năng”, Giang tâm sự.

Hai cuộc đời éo le gặp nhau

Suốt cả buổi nói chuyện, thay vì than vãn về cuộc sống còn nhiều khó khăn bên cạnh người chồng khuyết tật và có đứa con thơ, Giang chỉ kể những câu chuyện vui về chồng con. Chị bảo: “Cảm ơn cuộc đời đã cho mình gặp Tân, anh ấy đã truyền cho mình nghị lực để mình nhìn thấy đích đến cho cuộc sống của mình, từ đó mình sống có ý nghĩa hơn”.

Trước khi mắc bệnh, Tân là người vô cùng tự trọng, không bao giờ đi xin của ai cái gì. Nhưng sau khi tự trở mình dậy, tự sinh hoạt, mặc bạn bè chê cười, con trai tôi vẫn cứ rong ruổi trên chiếc xe lăn đi bán tăm bông để quyên góp tiền cho những hoàn cảnh khó khăn. Giờ nhìn con có gia đình hạnh phúc, dù cuộc sống có khó khăn, tôi vẫn mong và tin con sẽ tiếp tục vượt qua tất cả.

Bà Nguyễn Thị Đào, mẹ Tân chia sẻ


Khi đang là sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP HCM, Giang đã mang bầu và bị bỏ rơi, bị lừa dối. Quyết tâm giữ lại cái thai trong bụng, Giang về quê nhà, sinh và nuôi con. Khi con hơn một tuổi, Giang gửi con lại cho bố mẹ tiếp tục ôn thi, đỗ Đại học Lao động và Xã hội.

Suốt những ngày tháng sinh viên, người mẹ đơn thân ấy vừa học vừa làm thêm để gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ nuôi con. Học xong, Giang về Nam Định làm việc tại một cơ quan nhà nước, cô nghĩ sẽ đóng chặt cánh cửa lòng mình, ở vậy nuôi con đến hết cuộc đời.

Trong quãng thời gian Giang gặp những sóng gió cuộc đời đó, thì Tân phải đối mặt với một bước ngoặt cuộc đời nghiệt ngã hơn. Tân vốn cao to, khỏe mạnh, đẹp trai, từng đạt đai đen nhị đẳng Taekwondo - anh là niềm tự hào của gia đình bà Nguyễn Thị Đào ở khu phố Hàn Thuyên (TP Nam Định) ngày ấy.

Vậy mà, khi đang là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Tân bỗng đổ căn bệnh Wilson quái ác khiến toàn thân co rút, không nói năng, không đi lại được. Đang từ một chàng trai hoạt bát, tương lai tươi sáng, Tân nằm liệt giường, mọi việc đều do bố mẹ chăm lo.

Cuộc sống 2 năm đầu bị bệnh bế tắc, bao lần Tân muốn tìm đến cái chết để giải phóng bản thân, giải thoát cho gia đình. Nhưng rồi thương bố mẹ già yếu đã bán gần như cạn gia tài để cứu lại mạng sống cho mình, Tân lại tự gắng gượng, tự nhấc đầu, tự bò, lết đi như một đứa trẻ.

Bà Nguyễn Thị Đào, mẹ Tân kể, sự nỗ lực đã khiến Tân hồi phục đến ngỡ ngàng. Bác sỹ bảo để Tân có thể phục hồi phần nào phải mất 13 năm nhưng Tân chỉ cần 720 ngày. Để có được thành công ấy, hai chiếc nạng ở nhà đã bao lần nhuốm máu của anh. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Đào, mẹ anh mới trìu mến gọi anh là Tân “lì”.

Một ngày tháng 9/2012, Tân tìm đến Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định. Nhìn thấy những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình, cảm được tình yêu thương của những nhân viên ở đây, ngay ngày hôm sau, Tân bắt đầu đi xe lăn, đến khắp các con phố, ngõ ngách ở Nam Định để xin tiền giúp những trẻ em ở trung tâm.

Từ một chàng trai lãng tử con nhà khá giả, giờ Tân sẵn sàng lăn xe khắp nơi để thuyết phục, xin tiền cho các em nhỏ. Tân trở thành thủ lĩnh nhóm tình nguyện “Có 1 không 2” - nhóm chuyên thực hiện các dự án từ thiện, giúp đỡ các em nhỏ ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định.

Truyền cho nhau nghị lực sống

img
Từ hai mảnh ghép cuộc đời, giờ họ đã có một gia đình hạnh phúc

Tiếng lành đồn xa, tháng 8/2014, câu chuyện xúc động của chàng trai Tân “lì” miệt mài làm từ thiện đã được phát sóng trong chương trình “Điều ước thứ 7”. Giang có xem chương trình ấy nhưng đọng lại trong chị ngoài cảm xúc thán phục và xúc động như xem mọi nhân vật của chương trình khác, chỉ có chút thân thương hơn khi biết Tân cùng khoá học ở trường THPT Trần Hưng Đạo, cùng năm sinh và cùng sinh sống ở Nam Định.

Rồi Giang bất ngờ gặp Tân vào một buổi trưa tháng 3/2015 trên đường phố, khi chị và vài người đồng nghiệp tan ca đi ăn trưa. Và cũng như bao người khác, Giang lặng lẽ bỏ 50 nghìn đồng vào chiếc rổ của Tân để đóng góp làm từ thiện.

Lần thứ hai gặp lại Tân trên phố, Giang cũng chỉ bắt tay, đặt 50 nghìn đồng vào chiếc giỏ xanh, mỉm cười với Tân rồi đi. Nhưng lần thứ ba, vào mùng 3 Tết năm 2016, sau khi đặt 50 nghìn đồng vào chiếc giỏ xanh, Giang bắt tay Tân và... không rút được tay về nữa.

“Tân giữ tay tôi, tôi thấy Tân đột nhiên run lên và cứng người lại. Tôi hỏi: “Cậu sao thế, đau ở đâu à?”, Tân vẫn cứng người như vậy, chỉ có cái đầu là lắc lắc. Một lúc sau, Tân mới buông tay tôi ra, giải thích: “Miệng cậu cười mà mắt cậu buồn quá, tớ muốn truyền nghị lực sống cho cậu”. Rồi Tân xin số điện thoại của tôi”, Giang nhớ lại.

Sau đó, Tân nhắn tin tâm sự và chia sẻ cùng Giang. Những câu chuyện dần kéo hai con người đồng cảm bên nhau và họ yêu nhau tự lúc nào không hay. Yêu Tân, Giang cởi mở lòng mình, vui tươi trở lại. “Anh Tân là người đã giúp tôi thắp lên ngọn lửa niềm tin với đàn ông sau một lần bị phụ bạc. Tôi không nghĩ mình sẽ tìm được một ai đó tốt hơn anh ấy”, Giang nói về chồng.

Yêu nhau một thời gian, Giang chính là người chủ động đòi về chung sống với Tân. Tháng 8/2016, họ đã có một đám cưới nhỏ thật hạnh phúc, dù lúc đó và tới tận bây giờ, bố mẹ Giang vẫn chưa một lần đồng ý. “Cũng là vì bố mẹ thương em quá. Em vẫn mong đến một ngày, bố mẹ hiểu và tha thứ cho em”, Giang nói.

Lấy Tân, Giang từ bỏ công việc ở cơ quan nhà nước, về bán hàng gần nhà để lo cho chồng con. Cũng chính cô là người cùng mẹ Tân thường xuyên hỗ trợ Tân trong các chương trình từ thiện. Tháng 6 vừa qua, vợ chồng Tân cùng bà Đào vừa quyên góp tiền từ thiện đến trao quà cho 50 em nhỏ khuyết tật bại liệt đang học tập và điều trị tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật số 153 Nguyễn Trãi, TP Nam Định và hỗ trợ anh Nguyễn Trọng Bằng (số nhà 34 ngõ 149 đường Tây Thành, phố Văn Miếu, phường Nam Thành, TP Ninh Bình) cũng bị căn bệnh Wilson giống Tân.

“Em còn đi bán tăm bông rong để mưu sinh được. Em may mắn hơn nhiều người kém may mắn hơn em. Thế thì chả có lý gì em lại không thể làm được việc mà mọi người đều nghĩ rằng người như em không thể làm được”, Tân tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.