Pháp luật

Hành trình 16 năm ròng rã kêu oan của ông Huỳnh Văn Nén

04/11/2014, 18:23

Không chỉ cha con ông Huỳnh Văn Nén, gia đình nạn nhân, anh Nguyễn Phúc Thành mà cả chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng hết lòng kêu oan cho ông Nén trong suốt 16 năm.

Bị cáo Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa sơ thẩm 14 năm về trước
Bị cáo Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa sơ thẩm 14 năm về trước

Sau hơn 16 năm ngồi tù, mới đây, ông Huỳnh Văn Nén được VKSND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân ông hơn 14 năm về trước. Có được kết quả bước đầu này là nhờ quá trình kêu oan bền bỉ của không chỉ ông Nén và gia đình.

Rơi vào thinh không

Sự việc bắt đầu từ một vụ án mạng xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Nạn nhân là bà Lê Thị Bông bị kẻ thủ ác vào nhà dùng dây siết cổ đến chết rồi cướp một chỉ vàng. Trong khi cơ quan điều tra chưa tìm ra hung thủ, lúc rượu vào, Huỳnh Văn Nén nói tưng tửng rằng chính mình là thủ phạm. Ai ngờ sau đó Nén bị bắt. Nén khai quá trình điều tra ông bị điều tra viên Cao Văn H. ép cung, mớm cung và dùng nhục hình, buộc phải khai nhận tội.

Chưa hết, điều tra viên này còn “làm cho” ông Nén phải nhận mình cùng 9 người khác bên gia đình vợ đã giết chết bà Lê Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” xảy ra từ 5 năm trước đó. Từ đó ông Nén và 9 người này bị kết án oan, sau đó cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan cho 9 người đó (chỉ có ông Nén là chưa được xin lỗi, bồi thường).

Trở lại vụ án bà Bông, sau ngày ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án chung thân (31/8/2000), anh Nguyễn Phúc Thành, một bị án đang thụ án về tội gây rối trật tự công cộng, đã viết đơn tố giác hai người bạn của mình mới chính là hung thủ, còn ông Nén bị oan.

Gần 3 tháng sau, ngày 4/11/2000, điều tra viên Cao Văn H. đến Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận, nơi anh Thành đang thụ án) để làm việc. Gặp anh Thành, điều tra viên H. cho rằng anh tố cáo sai và yêu cầu anh rút đơn, nếu không sẽ phải ở tù lâu hơn. Anh Thành phản ứng và yêu cầu được gặp các nhân chứng có liên quan nhưng điều tra viên không đồng ý. Vẫn theo lời anh Thành, khi anh đề nghị viết ý kiến của mình dưới biên bản, ông Cao Văn H. quát: “Ai cho mày viết hả, mày muốn chết tao cho mày chết!”.

Toàn bộ thái độ hung hăng của điều tra viên sau đó đã được anh Thành báo cáo cho cán bộ trại giam. Tuy nhiên, theo anh Thành, từ đó đến nay không thấy có cán bộ nào đến hỏi anh về vụ việc trên.

“Trời cao có mắt”

Lá đơn tố giác khá xác đáng của anh Nguyễn Phúc Thành lẽ ra đã là tình tiết mới, căn cứ để cơ quan tố tụng kháng nghị, xem xét lại vụ án. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Vụ án tạm thời khép lại, ông Nén tiếp tục ngồi tù.

Điều lạ là mặc dù án mạng đã điều tra xong, tòa đã kết án, “hung thủ” đã ngồi tù nhưng gia đình nạn nhân không hề tin tưởng vào kết quả phá án ấy. Vì vậy ngày 25/3/2006, chị Phạm Thị Hồng, con ruột của nạn nhân Lê Thị Bông, đã gửi đơn đến các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương yêu cầu làm rõ hung thủ thật sự đã giết chết mẹ chị vì gia đình không tin Nén là thủ phạm. Tuy nhiên, cũng như đơn tố giác của anh Thành, đơn của chị Hồng đã không thể xoay chuyển vụ việc.

Lại nói về anh Nguyễn Phúc Thành, sau khi ra tù, biết ông Nén vẫn còn ngồi tù oan trong khi hung thủ thật sự của vụ án vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lương tâm anh Thành vô cùng cắn rứt. Ngày 20/11/2013, anh Thành tiếp tục viết đơn tố giác gửi đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Lá đơn này một lần nữa khẳng định Huỳnh Văn Nén không phải là hung thủ giết bà Bông. Lần này thì “trời cao có mắt”, nội dung đơn của anh bước đầu đã thuyết phục những người có trách nhiệm. Và rồi đại diện Tổng cục VIII Bộ Công an và VKSND Tối cao đã đến gặp anh làm việc. Và mới đây nhất, VKSND Tối cao đã kháng nghị yêu cầu lật lại vụ án.

“Thú thật, khi nghe tin này tôi đã bật khóc vì mừng. Vậy là anh Nén đã có cơ may được minh oan” - ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Hàm Tân, nói. Ông Thận chính là người tích cực kêu oan giùm cho ông Nén. Trước đó khi biết tin chín người trong vụ án “vườn điều” được trả tự do, ông Thận cũng đã bật khóc vì mừng.

Từng là chủ tịch UBND xã Tân Minh hơn chục năm, khi cơ quan điều tra bắt giam những người trong hai vụ án trên, ông đã trực tiếp thảo công văn, ký tên, đóng dấu gửi đi khắp nơi để kêu oan giúp họ. Chính ông Thận đã xin nghỉ phép để đưa cha ruột Huỳnh Văn Nén là ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi) từ Cà Mau đi Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai. Để có chi phí, ông già 90 tuổi này đã phải cầm cố sáu công đất ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau lấy tiền cùng ông Thận ra Hà Nội.

“Tôi biết khi tôi làm đơn kêu oan cho những người dân chẳng thân thuộc, họ hàng là tự mang rắc rối vào người. Suy cho cùng khi minh oan được cho người này là chứng minh sai phạm của những người từng cầm cân nảy mực nhưng lại kết án oan cho người vô tội. Đó là chưa nói, với kẻ thủ ác thật sự, tôi sẽ là cái gai trong mắt họ…” - ông Thận tâm sự.

Hai người được cho là hung thủ thật sự giờ ra sao?

Trong đơn tố giác, anh Nguyễn Phúc Thành nêu rõ đích danh hai người giết chết bà Lê Thị Bông. Đó là Nguyễn Th. và Hồ Văn V., người cùng địa phương với bà Bông và ông Nén. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Hồ Văn V., một trong hai người nói trên, đã chết.

Theo báo cáo của UBND xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) gửi chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Công an thì cả Nguyễn Th. và Hồ Văn V. đều nằm trong băng nhóm hút bồ đà (một chất gây nghiện). Băng nhóm này có gần chục thanh niên thường xuyên tụ tập ăn nhậu, trộm cắp, gây rối và dùng hung khí đánh nhau. Năm 1997, Công an xã Tân Minh đã lập hồ sơ để đưa đi trường giáo dưỡng. Sau khi vụ án bà Bông xảy ra và bị cáo Huỳnh Văn Nén bị đưa ra xét xử, ngày 8-9-2000, V. cùng hai thanh niên khác dùng vỏ chai bia đánh vào đầu một nhân viên Lâm trường Tánh Linh gây thương tích. Do sợ bị bắt, gia đình đã đưa V. đi trốn tại nhà chị ruột ở Quảng Nam một thời gian dài. Sau đó V. về lại Tân Minh và năm 2011 thì qua đời do bị bệnh.

Riêng Nguyễn Th., người được cho là hung thủ dùng dây siết cổ bà Bông đến chết và trực tiếp tháo chiếc nhẫn trên tay bà mang đi bán, đã bỏ trốn khỏi địa phương từ cuối tháng 4/1998 ngay sau khi gây án. Thời gian đầu, Th. phụ với người cậu ruột ở Cần Thơ làm nghề sản xuất kem. Sau đó Th. bỏ trốn lên Gia Lai và gần đây có thông tin Th. đang ở Quảng Trị tại một địa phương giáp biên giới với Lào.

 

Theo Phương Nam/Pháp luật TP. HCM

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.