Y tế

Hành trình “bắt sống” virus Covid-19

21/02/2020, 06:16

Sau SARS, H5N1 và mới đây là virus Covid-19 đã bị “tóm sống” bởi đội ngũ cán bộ nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

img
Hoạt động nghiên cứu, xét nghiệm tại Phòng thí nghiệm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Gian nan những ngày đầu “lần mò”

Từ dịp Tết Nguyên đán tới nay, một ngày làm việc của cán bộ Phòng Thí nghiệm của Khoa virus, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ (VSDTTƯ) thường bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến khi trả hết kết quả xét nghiệm trong ngày, lúc đó có thể là 7, 8 giờ tối, cũng có khi là nửa đêm.

PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus chia sẻ: “Đến thời điểm này việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm “nhàn” hơn rất nhiều và đi vào thường quy rồi. Không như những ngày đầu thông tin về bệnh rất hiếm hoi, qua Hệ thống giám sát Cúm toàn cầu, chỉ le lói xuất hiện thông tin một dạng bệnh viêm phổi lạ có khả năng do virus mới gây ra tại Trung Quốc. Tại Việt Nam chưa xuất hiện mẫu bệnh phẩm, nên việc nghiên cứu hay hiểu biết về loại virus này còn mờ nhạt. Đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định thuộc dòng virus Corona thì các nhà nghiên cứu của Viện xác định tinh thần “chiến đấu” với nó”.

Khoảng thời gian đầu, Việt Nam cũng như thế giới chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Vừa bắt tay mày mò làm, vừa tham khảo quốc tế, nhóm nghiên cứu của Viện được khuyến cáo có thể sử dụng con virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus Covid-19.

“Và điều vô cùng may mắn là cách đây đúng 17 năm, con virus SARS-CoV đã được Viện nuôi cấy và phân lập thành công vẫn còn lưu giữ tại phòng An toàn sinh học cấp 3 để phục vụ công tác nghiên cứu”, bà Hằng chia sẻ.

Nhắc lại khoảng thời gian vừa qua, bà Hằng cho biết, áp lực lớn nhất chính là giai đoạn từ ngày 28 Tết đến mùng 6 Tết, khoảng thời gian đó tất cả hệ thống chẩn đoán và thông tin đều phải cập nhật sàng lọc mà chúng ta chưa có một tiêu chuẩn nào cả. Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm buộc phải sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS). Mỗi một mẫu này có giá rất đắt, thực hành lại phức tạp trong khoảng thời gian rất lâu từ 2 - 3 ngày, thậm chí hơn thế.

“Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ để ra được kết quả cuối cùng, bởi nhiều lúc máy phải chạy qua đêm lại rất nhạy, chỉ cần một sự trục trặc nhỏ về điện, về nhiệt độ… là cả chu trình dừng lại, anh em sẽ phải làm lại từ đầu. Hoặc việc lấy mẫu không chuẩn, ra kết quả âm tính nhưng yếu tố lâm sàng không phản ánh điều đó thì buộc phải lấy lại mẫu để làm hay khi ra kết quả dương tính nhưng các kỹ thuật viên phải liên hệ cả với các yếu tố dịch tễ, tình trạng bệnh nhân để có đánh giá chính xác nhất”, PGS. Hằng chia sẻ và thông tin, cả quá trình xét nghiệm cần rất nhiều bước, đòi hỏi các nhân viên Phòng xét nghiệm phải có độ chính xác và tỉnh táo cao nhất. Nếu chỉ sơ sểnh một chút xíu, kết quả thiếu chuẩn xác sẽ gây nhiều hệ lụy hay việc bảo quản các mẫu bệnh phẩm thiếu chính xác, cẩn trọng phát tán virus ra ngoài, cán bộ xét nghiệm là người lây nhiễm đầu tiên.

Thời điểm đó lại rơi đúng vào những ngày Tết, thay vì xum họp quây quần bên gia đình, các cán bộ nơi đây vẫn phải quay cuồng cùng nhau ở Viện để canh hệ thống hoạt động. “Chỉ khi 3 trường hợp đầu tiên ở miền Bắc có kết quả dương tính, vào ngày mùng 6 Tết, dù có nỗi lo Việt Nam chính thức có ca bệnh xâm nhập nhưng chúng tôi lại nhẹ nhõm, đỡ áp lực hơn vì quy trình, điều kiện xét nghiệm mang lại hiệu quả và hoàn thiện”, bà Hằng cho hay.

Còn TS. BS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa Virus cho hay: “Nếu như những ngày đầu, Viện chỉ tiếp nhận xét nghiệm 20 - 30 mẫu/ngày, thì sau khi có 3 ca dương tính, cỡ mẫu tăng đột biến lên 70 - 80 mẫu/ngày. Và con số tăng xấp xỉ 100, sau khi xác định “ổ dịch” ở Vĩnh Phúc. Theo lý thuyết, mỗi ngày Viện chỉ thực hiện xét nghiệm từ 10 - 25 mẫu, nhưng thực tế khối lượng công việc tăng gấp 3 - 4 lần. Tần suất công việc tăng gấp nhiều lần, luôn đòi hỏi quy trình chuẩn, độ chính xác cao nhất chính là áp lực lớn đối với chúng tôi. Việc xét nghiệm chuẩn đoán đi vào thường quy với khoảng thời gian 4,5 - 9 giờ đồng hồ, cùng việc Bộ Y tế chấp thuận cho CDC Quảng Ninh và Hà Nội được phân tuyến sàng lọc, cũng giảm gánh nặng”.

Hạnh phúc vỡ hòa tận thấy virus Covid-19 sống

Hiện tại Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công virus Corona chủng mới. Thành công này tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus Corona; nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người, đặc điểm lây nhiễm, giúp công tác điều trị và chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên


Theo chia sẻ của PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, với những người nghiên cứu về virus trên thế giới thì đích cuối cùng vẫn là phải “bắt sống” được con virus. “Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ cấp thiết xét nghiệm chẩn đoán trả kết quả trong 24h, thì việc nghiên cứu phân lập virus Covid-19 chính là trọng trách lớn nhất chúng tôi được giao phó ngay khi có ca bệnh nhiễm đầu tiên được”, bà Mai tâm sự.

Nhóm nghiên cứu gồm 11 người là những cán bộ của Phòng thí nghiệm cúm và Phòng thí nghiệm Các tác nhân virus gây bệnh từ động vật sang người (Khoa Virus) dưới sự tổng chỉ huy của PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai đã bắt tay vào nuôi cấy.

Nói về hành trình “tóm sống” Covid-19, PGS. Khánh Hằng cho biết: “Trước đó Viện đã phân lập thành công virus SARS-CoV năm 2003 và virus cúm gia cầm động lực cao H5N1 năm 2014. Khi có 3 ca dương tính đầu tiên ở miền Bắc chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu. Điều quan trọng là lựa chọn dòng tế bào nào phù hợp để nhân lên con virus đó. Chúng tôi phải cập nhật các bài báo đã được đăng trên thế giới, đặc biệt là các bài báo ở Trung Quốc vì họ có nguồn mẫu khổng lồ. Nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng rất nhiều loại tế bào khác nhau, cuối cùng đã lựa chọn dòng tế bào thụ cảm phù hợp để phân lập. Điều may mắn trong các mẫu bệnh phẩm phân lập có mẫu dương tính, đồng nghĩa là con virus đã xâm nhập vào trong tế bào, nó sống, nó nhân lên trong tế bào, nó giải phóng ra và lại xâm nhập vào tế bào khác”. “Bóng dáng” của con virus Covid-19 dần được định dạng. Niềm vui thực sự vỡ òa sau 1 tuần nuôi cấy, phân lập, nhóm nghiên cứu biết chắc chắn “tóm sống” được virus Covid-19.

“Đây là thành công rất quan trọng, khi phân lập được virus, chúng ta mới xác định nguồn gốc của nó có độ tương đồng với virus đang lưu hành ở Vũ Hán như thế nào, sẽ giúp giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này”, bà Hằng phấn khởi cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.