Xã hội

Hành trình biến “đồi Ma” thành đồi Hạnh Phúc

14/11/2021, 07:07

Ngọn đồi nằm giữa đầm lầy này ngày ấy mang danh “đồi Ma” với nhiều chuyện ly kỳ, ám ảnh khiến không ai dám đặt chân tới.

Vốn là vùng giáp biên giới đầm lầy đầy sú, vẹt hoang vắng với nhiều chuyện kể khá rùng rợn, một số người dân phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) gọi nơi này là “đồi Ma”.

Nhưng giờ đây, nó đã trở thành đồi Hạnh Phúc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều người.

img

Cán bộ Đồn Biên phòng Hải Hòa trao đổi với anh Đỗ Góp Chốp về tình hình liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn

Một thuở “đồi Ma”

Chiều muộn ngày đầu tháng 11, PV Báo Giao thông theo con đường bê tông phẳng lỳ từ trung tâm thành phố ra khu vực giáp biên giới tới khu 9, phường Hải Hòa, TP Móng Cái.

Khu 9, xã Hải Hoà địa bàn rộng, nằm giáp biên giới Trung Quốc. Nhưng nhờ có sự chung tay, góp sức của nhân dân, nên nhiệm vụ bảo vệ đường biên cột mốc và cũng là những “pháo đài” chống dịch Covid-19 của đơn vị trở nên thuận lợi hơn.
Trung tá Hoàng Ngọc Sơn, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Hải Hòa


Đi qua khu dân cư với những căn nhà khang trang, kiên cố nằm nép mình bên những rặng cây ăn quả, đầm nuôi thủy sản, chúng tôi tới căn nhà khá bề thế của Đại tá Nguyễn Đức Quý, nguyên Phó Đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, nguyên Giám đốc Lâm trường 27.

Ông Quý người gần như có cả cuộc đời quân ngũ gắn bó với mảnh đất nơi phên giậu của Tổ quốc này.

Trong cái lạnh đầu đông vùng biên viễn xa xôi, rót chén trà mời khách, Đại tá Quý kể, hơn chục năm trước, ông mặc quần áo bảo hộ lấm lem bùn đất, quần xắn móng lợn, chân đi dép lê bươn bả cùng lãnh đạo đơn vị đắp đầm, khơi thông kênh thủy lợi dẫn nước về vùng dự án canh tác.

“Những ngày đầu khai hoang, lập khu dân cư ấy khó khăn, gian khổ lắm! Cả đơn vị đều áo quần bảo hộ, ngày đêm quần quật với bùn đất, thậm chí có lúc “quên” mình là sỹ quan quân đội”, Đại tá Quý kể.

Theo Đại tá Quý, trước năm 1979, Lục Lầm là một xã của TX Móng Cái có tổng diện tích 838ha, có 72 hộ dân với 370 nhân khẩu. Nhưng, sau nhiều sự biến thiên của lịch sử, nhân dân tản cư đi nơi khác khiến nơi đây trở nên hoang vắng, không người sinh sống.

Vùng đầm lầy này một thời trở thành “địa đạo” của những ổ nhóm buôn lậu hay tội phạm khác ẩn nấp nhằm trốn tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng hai bên biên giới.

Ngọn đồi nằm giữa đầm lầy này ngày ấy mang danh “đồi Ma” với nhiều chuyện ly kỳ, ám ảnh khiến không ai dám đặt chân tới. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây còn sót lại nhiều bom mìn, thỉnh thoảng một vài con trâu, bò bị lạc lối vướng phải bom mìn phát nổ, xác nằm đó mà không ai dám vào lấy, diều quạ vào ăn xác, bay xao xác cả một vùng. Những đêm tối trời, mưa phùn, ánh lân tinh lập loè khiến nhiều người sợ hãi...

Dựng xây đồi Hạnh phúc

img

Cán bộ Lâm trường 27 kiểm tra chất lượng tôm sinh sản tại trang trại của gia đình anh Nguyễn Hồng Hải

“Đồi Ma” cứ vậy tồn tại một thời gian dài và chỉ thay đổi thực sự khi những người lính Lâm trường 27 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng, Bộ Quốc phòng hành quân ra thực hiện nhiệm vụ khai hoang, phục hoá, phát triển kinh tế với quyết tâm hình thành lên khu dân cư giáp biên giới của TP Móng Cái.

Đại tá Quý nhớ lại, năm 1998, buổi đầu ông và các đồng đội ra “đồi Ma” sinh sống, nơi đây không đường, không điện, không nước ngọt, không nhà dân... Khí hậu khắc nghiệt, muỗi dĩn nhiều vô kể, ăn cơm phải chui trong màn cho khỏi bị muỗi đốt.

Gian nan là vậy, nhưng những người lính Lâm trường 27 đã bám trụ, quyết tâm làm hồi sinh vùng “đất chết” này. Dần dà, nơi này có đường, có điện, có giếng lấy nước ngọt.

Qua khảo sát điều kiện khí hậu, đất đai, thấy ở đây rất phù hợp với nuôi tôm, cua, cá rô… đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quy hoạch thành các vùng phát triển kinh tế cụ thể.

Khi điều kiện cuộc sống tạm thời ổn định, thực hiện chương trình di dãn dân ra biên giới, Lâm trường 27 đã tiếp nhận hàng chục hộ dân từ các địa phương ra lập nghiệp.

Nhưng đưa dân ra đã khó, để đảm bảo cho cuộc sống của họ lại khó hơn gấp bội phần. Đã có không ít hộ vừa “chân ướt, chân ráo” đến nơi thấy khó khăn đã bỏ về.

Để người dân yên tâm, gắn bó với quê hương mới, đơn vị đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án sản xuất từ cấy lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi, dịch vụ, đến bốc vác ở khu vực bến sông biên giới Lục Lầm. Ban đầu nhằm tránh rủi ro, đơn vị đã khoanh nuôi thử nghiệm 12,2ha đầm nuôi tôm hoa và tôm sú. Từ thành công đó, đơn vị tiếp tục đầu tư trên 10 tỷ đồng để mở khoanh nuôi thêm trên 200ha nữa. Đến nay, toàn vùng dự án đã có hàng trăm ha nuôi tôm, cua cá các loại.

Chỉ chưa đầy 10 năm sau, vùng sình lầy đầy sú vẹt với ngọn đồi hoang đã có gần 200 hộ sinh sống, trong đó có trên 100 hộ ở ổn định. Các hộ sinh sống ở đây đều đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thu nhập ổn định, nhiều hộ đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

“Bây giờ cái tên “đồi Ma” đã được đổi thành đồi Hạnh Phúc rồi!”, Trung tá Hoàng Ngọc Sơn, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Hải Hòa khoe.

img

Hạ tầng giao thông trong vùng dự án được hoàn thiện

Trong khu trang trại nuôi tôm, có chiếc xe bán tải mới mua đỗ ngay ở lối vào, anh Đỗ Góc Chốp, ở khu 9, xã Hải Hoà vui vẻ kể, anh quê ở tỉnh Hưng Yên. Hơn chục năm trước, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh ra đồi hoang nằm giữa đầm lầy này.

“Ngày ấy bộ đội cũng đã khai hoang, tạo thành đường đi, vườn ruộng, nơi nuôi trồng thuỷ sản, nhưng vẫn heo hút vô cùng. Tôi đã từng nghĩ không trụ được”, anh Chốp nhớ lại.

Nhưng nhờ sự giúp đỡ của Lâm trường và địa phương, anh Chốp thuê được 2ha đầm để nuôi cá. Tích lũy dần, giờ anh đã mua được hơn 3ha và thuê thêm gần 10ha nữa để nuôi tôm công nghiệp, mỗi vụ cũng cho thu hoạch từ 200-300 triệu đồng trừ các khoản chi phí…

“Tôi mới xây ngôi nhà mới trị giá hơn 2 tỷ đồng, mua được xe ô tô. Giờ tôi biết mình sẽ gắn bó ở đây cả đời”, anh Chốp nói.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hồng Hải khi mới chuyển ra đây, nhìn cảnh đồng không hiu quạnh lại giáp biên vắng bóng người qua lại, mẹ con anh nhiều đêm tính chuyện hồi hương.

Nhưng rồi quyết bám trụ ở lại, hiện nay, anh Hải có khu nuôi tôm công nghiệp hơn 3ha, mỗi năm cũng thu nhập 400-500 triệu đồng…

“Nơi này có nhiều câu chuyện ly kỳ lắm, đa phần là chuyện ma quỷ chưa ai chứng thực. Tuy nhiên, đấy là những chuyện xa xưa, khi ngọn đồi còn hoang hoá. Giờ thì nơi này trở thành cụm dân cư trù phú, đầm ấm và hạnh phúc rồi”, anh Hải tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.