Trong nước

Hành trình chinh phục thế giới của lực sỹ Lê Văn Công

31/01/2017, 16:17
image

Bằng ý chí và nghị lực phi thường, lực sĩ Lê Văn Công đã làm rạng danh nền thể thao nước nhà.

Lê Văn Công xuất sắc giành HCV và phá kỷ lục Paral

Lê Văn Công xuất sắc giành HCV và phá kỷ lục Paralympic ở hạng cân 49kg nam tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: Reuters.

Tập luyện ở một môi trường thiếu thốn, bằng ý chí và nghị lực phi thường, lực sĩ Lê Văn Công đã làm rạng danh nền thể thao nước nhà.

Góc tập nhỏ, nhân tài lớn

Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi gặp lại lực sĩ Lê Văn Công, người dành HCV Paralympic Rio 2016 ở Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận Tân Bình (TP HCM). Nơi anh Công tập luyện là một góc sân nhỏ ngoài trời của Trung tâm TDTT quận Tân Bình, chỉ có một chiếc ghế tạ và vài miếng tạ đã cũ dùng chung cho nhiều VĐV khác. Hôm chúng tôi đến, còn có VĐV khuyết tật Đặng Thị Phương Linh, người dành HCĐ hạng 50kg cũng ở kỳ thi đấu Paralympic Rio 2016 và một số VĐV khác cũng đến luyện tập. Cứ thế, họ luân phiên người này tập thì người khác nghỉ.

Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, anh Lê Quang Thái, HLV phó môn cử tạ người khuyết tật cười nói, chỗ tập này cứ nắng, mưa phải chạy là chuyện bình thường. Anh Thái cho biết, trung tâm không có phòng tập môn cử tạ mà chỉ có phòng tập thể lực như phòng gym thôi. Anh em kê chiếc ghế tạ tập ở đây hơn 10 năm nay rồi, chỉ có khi nào gần đến kỳ thi đấu thì mới tập trung luyện tập ở quận Thủ Đức, nơi đó có phòng tập đầy đủ hơn. Ấy vậy mà, các VĐV đều chăm chỉ đến tập luyện mà không ai phàn nàn gì. Anh Công nói riêng và nhiều VĐV khác nói chung đều tập luyện rất siêng năng và cố gắng, bất kể nắng, mưa hay ốm đau.

Xem thêm video:

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, anh Công hồ hởi: “Dù tập ngoài trời nhưng tôi thấy quen rồi. Nắng, mưa là chuyện thường, quan trọng nhất vẫn là số ký. Nơi tập khang trang mà đẩy không được bao nhiêu ký thì cũng vậy à. Anh em ở đây ai cũng tập chăm chỉ, càng khó khăn, càng không thuận lợi thì chúng tôi càng cố gắng”.

Từ đôi chân tật nguyền đến đỉnh vinh quang

Kết thúc bài tập khởi động với tạ 100kg, anh Công ra ngồi nghỉ nhường chỗ tập cho VĐV khác. Lúc này, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với anh. Sinh năm 1984 ở một làng quê nghèo tại Hà Tĩnh. Ngay từ lúc lọt lòng, đôi chân anh đã bị teo tóp bởi lúc mang thai mẹ anh bị sốt xuất huyết.

Khi đến tuổi đi học, anh đến trường bằng đôi tay trên con đường gập ghềnh. Có những lúc đôi tay rướm máu vì té ngã, nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Mãi đến khi học lớp 8, gia đình mới tích góp mua cho anh chiếc xe lăn để đi lại cho đỡ vất vả.

Học hết cấp ba bổ túc, không như người khác nghỉ học đi làm ruộng, anh nuôi ước mơ vào đại học. Dù ngày ấy, gia đình không có điều kiện chu cấp cho anh đi học, nhưng anh vẫn quyết tâm “đơn thương độc mã” vào Sài Gòn lập nghiệp. Ngay lần đầu thi đại học, anh đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm TP HCM. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, trường đã không nhận vì anh là người khuyết tật. Từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, anh chuyển sang học nghề điện tử.

Ngày nào mình còn sống, còn thở là ngày đó mình còn gặp phải những khó khăn trắc trở. Nếu mình không biết cố gắng, vững tin vượt qua thì không bao giờ thành công được.Lực sĩ Lê Văn Công

Học hết năm thứ nhất, anh được một CLB người khuyết tật trẻ giới thiệu vào tập luyện cử tạ ở Trung tâm TDTT quận Tân Bình nhằm rèn luyện sức khỏe. Chỉ sau hai tháng tập luyện, anh đã được tuyển vào CLB Thể thao người khuyết tật TP HCM. Đây cũng là lần đầu tiên anh được ra Hà Nội tham dự giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc và giành HCB ở hạng cân 48kg.

Trở về sau tấm HCB đầu tiên trong đời, anh Công vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Anh tiếp tục công việc thường nhật, sáng đi học, chiều đi đánh bóng gỗ thuê kiếm tiền, tối đi tập cử tạ. Cứ ngày này qua ngày khác, anh đi học, đi làm thêm, đi tập cử tạ trên chiếc xe lắc tay được một người đồng hương tặng và di chuyển hàng chục cây số mỗi ngày.

“Lúc đó, tôi chỉ đi tập vì đam mê thôi, nếu có giải thì coi như kiếm thêm thu nhập chứ không nghĩ sẽ trở thành lực sĩ chuyên nghiệp”, anh Công tâm sự.

Như một sự sắp đặt của số phận, đến năm 2007, khi ra vừa ra trường cũng là lúc anh tham dự giải quốc tế đầu tiên - ASEAN Paragames 2007 và dành HCV ở hạng cân 49kg với mức tạ 152,5kg. Từ đó, anh bắt đầu chọn con đường trở thành một VĐV cử tạ chuyên nghiệp. Anh tâm sự, thời gian đầu quyết định đi theo con đường trở thành VĐV cử tạ chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, vừa ra trường anh không có việc làm vì không ai nhận người khuyết tật. Bên cạnh đó, là chế độ dinh dưỡng không đủ và cũng không có lương.

Năm 2010, trong quá trình tập luyện anh đã bị chấn thương dây chằng ở vai. Bác sĩ đã khuyên anh dừng tập luyện, chuyển nghề.“Lúc đó, nghe tin tôi rất buồn và chán nản vì buộc phải từ bỏ đam mê của mình. Tôi nghĩ ngày nào mình còn sống, còn thở là ngày đó mình còn gặp phải những khó khăn trắc trở. Nếu mình không biết cố gắng, vững tin vượt qua thì không bao giờ thành công được”, anh Công tâm sự.

Nghĩ là làm, Lê Văn Công lao vào luyện tập. Năm 2013, anh trở lại thi đấu và gần như ngay lập tức giành được vinh quang với HCV châu Á ở hạng cân 49kg, phá kỷ lục châu Á tại giải Vô địch Cử tạ người khuyết tật châu Á diễn ra tại Malaysia. Sau đó, anh tiếp tục giành HCB giải châu Á mở rộng.

Đến năm 2014, VĐV khuyết tật người Hà Tĩnh này lại tiếp tục giành HCV tại giải ASEAN Paragames, đồng thời phá kỉ lục châu Á. Cũng cuối năm đó, tại giải ASIAN Paragames 2, lực sĩ Công đã phá kỉ lục thế giới cũ của VĐV người Nigeria - Yakubu Adesokan với mức tạ 181,5kg. Năm 2015, anh Công tiếp tục đoạt HCV châu Á, đồng thời phá kỷ lục thế giới hạng cân 49kg với thành tích 182kg.

Năm 2016, tại Paralympic Rio 2016, chàng lực sĩ này đã xuất sắc giành được tấm HCV hạng cân 49kg nam môn cử tạ và phá kỉ lục thế giới với thành tích 183kg.

Anh Công hiện đã lập gia đình và có hai con. Anh và gia đình hiện đang sinh sống tại Long An. Ngày nào anh cũng di chuyển hơn 30km lên TP HCM làm việc và tập luyện. Công việc hiện tại của anh là làm nghề sản xuất thiết bị điện tử với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. 

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.