Thi viết về GTVT

Hành trình cứu ngư dân thoát “cửa tử” cùng tàu SAR

11/07/2019, 14:00

Lực lượng cứu nạn tàu SAR lại mang trên vai nhiệm vụ thiêng liêng là cứu người bị nạn trên biển kịp thời...

img
Xuồng máy đưa lực lượng cứu nạn tiếp cận tàu cá TTH 92062 TS cứu 2 ngư dân vào sáng ngày 18/6/2019

Chuyến cứu nạn không báo trước

Thời gian qua, sự cố hàng hải liên quan đến các phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó tai nạn trong quá trình lao động và sự cố về phương tiện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt có chiều hướng gia tăng. Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN (MRRC) là đơn vị được giao chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên toàn bộ vùng biển Việt Nam, nhưng hiện chỉ được trang bị một số lượng phương tiện hạn chế, tầm hoạt động trên biển không quá 72 giờ, giới hạn chịu sóng gió cấp 7-8 trở lại. Mặc dù rất quyết tâm song việc tổ chức cứu nạn tại các khu vực biển xa bờ, trong điều kiện thời tiết phức tạp còn rất khó khăn.
Vì vậy, MRRC mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn loại 62m và dự án xây dựng cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn tại quần đảo Trường Sa, đảo Bạch Long Vĩ. Đặc biệt là đề án thành lập Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn tại Phú Quốc; Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng những chiếc tàu tìm kiếm cứu nạn đang hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN (MRRC)

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi may mắn tham gia đoàn công tác đến huyện đảo Bạch Long Vỹ để tuyên truyền kiến thức an toàn hàng hải cho bà con ngư dân trên chuyến tàu SAR 411. Nói là may mắn, bởi không phải ai cũng có cơ hội đi tàu SAR 411 - một trong những con tàu tìm kiếm cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Chuyến đi của chúng tôi không đúng lịch trình dự kiến, vừa đến đảo Bạch Long Vĩ, chưa kịp triển khai tuyên truyền cho bà con ngư dân, sáng 18/6, tàu SAR 411 nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải VN về trường hợp tàu cá TTH 92062 TS trong lúc khai thác thủy sản tại vị trí cách đảo Bạch Long Vỹ 23 hải lý về hướng Nam, có 2 thuyền viên bị dây lưới vây đánh vào người. Một thuyền viên tên Phạm Văn Tuấn (SN 1987) bị gãy xương đùi. Người còn lại tên Lê Nguyên (SN 1955) bị thương nặng vùng sườn và hông.

Ngay lập tức, tàu SAR 411 lên đường làm nhiệm vụ, vươn khơi cứu người bị nạn. Nhổ neo rời đảo Bạch Long Vỹ, tàu SAR 411 gối sóng chạy hết tốc lực. Trên boong lái, thuyền viên Phạm Văn Việt nhanh chóng kết nối với tàu cá để cập nhật vị trí. Thuyền trưởng Phạm Mạnh Dũng liên tục hướng mắt về phía thiết bị GPS rồi đăm chiêu theo dõi tình hình sóng gió để có chỉ đạo lộ trình di chuyển kịp thời.

Tàu càng ra xa, sóng càng dữ dội, di chuyển quãng đường 10 hải lý, tàu SAR 411 bắt đầu lọt vào những đợt sóng mạnh cấp 4, cấp 5, sự rung lắc cứ thế mạnh dần. Trong khi tất cả những thuyền viên tàu cứu nạn đều tỉnh táo, những người lần đầu bước lên tàu cứu nạn như chúng tôi lại rơi vào trạng thái mất kiểm soát, đầu óc quay cuồng, mắt nhắm tịt không dám nhìn về phía trước mỗi khi mũi tàu bị nhấc bổng rồi rơi xuống hõm sóng trong tích tắc.

Sau 1 tiếng di chuyển, tàu cá có người bị nạn dần hiện ra trước mắt. Trước tình thế nguy cấp, thuyền trưởng Dũng chỉ đạo anh em hạ xuồng máy đưa bác sỹ Lê Văn Minh sang sơ cứu người bị thương. Sóng liên tục vỗ vào mạn tàu, chiếc tàu cá tròng trành như chiếc lá giữa đại dương, nhưng bác sỹ vẫn liên tục thực hiện các thao tác chuyên môn để cứu người bệnh. 20 phút trôi qua, bác sỹ Minh ra hiệu báo chuyển các nạn nhân lên tàu SAR.

Tàu SAR 411 nhanh chóng được điều khiển áp sát tàu cá, hơn 10 “chiến sỹ” cứu nạn túc trực ở dưới, người điều chỉnh cẩu, người quăng dây neo, người tập trung đón cáng bệnh nhân. Trước áp lực của sóng biển, chúng tôi như những con cá chuồn ngụp lặn, giơ máy lên chụp một kiểu ảnh lại khuỵu xuống thành tàu vật vã nôn, mặt tái xanh như không còn giọt máu thì đôi chân, đôi tay của những “người lính áo cam” vẫn vững vàng, thoăn thoắt và nhịp nhàng truyền tay nhau đưa bệnh nhân sang tàu theo sự chỉ huy của thuyền trưởng, đại phó.

“Chuyển nhanh, chuyển gấp vào bên trong”, bác sỹ Minh nói với đồng đội bằng giọng gấp gáp. Hỏi ra mới biết, trong hai người gặp nạn, một thuyền viên bị gãy xương sườn do quá đau nên rơi vào tình trạng bí tiểu, bàng quang sưng mọng, có nguy cơ vỡ. Ca cấp cứu một lần nữa được tiến hành trong khoang tàu SAR. Hàng loạt các biện pháp như chườm nóng bàng quang, thông niệu đạo được bác sỹ Minh áp dụng để đưa người bệnh qua cơn nguy hiểm.

Chuyến cứu nạn diễn ra thành công, tàu SAR 411 được yêu cầu chạy hết tốc lực về cầu cảng Hải Phòng để đưa các nạn nhân vào bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị.

Thắp sáng hi vọng trở về của người bị nạn

img
Bác sỹ Lê Văn Minh cấp cứu khẩn cấp thuyền viên bị gãy xương sườn ngay trên tàu SAR 411

Trên hành trình trở về, nhìn gương mặt tái nhợt của chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Tùng, người đã gắn bó với nghề cứu nạn gần một thập kỉ chia sẻ: “Những ngày đầu lên tàu SAR, ai cũng phải trải qua cảm giác say sóng đến kiệt người, anh em cứu nạn cũng không ngoại lệ”.

“Nhưng chúng tôi làm nghề khác các bạn đi trải nghiệm. Các bạn say có thể nghỉ còn chúng tôi say vẫn phải tiếp tục công việc. Nếu bỏ cuộc, đồng nghĩa cơ hội sống sót của người bị nạn sẽ hẹp dần. Có những chuyến cứu nạn trong vùng sóng cấp 6, cấp 7, tàu lắc dữ dội, anh em trên tàu ai nấy đều nôn thốc nôn tháo, song nhìn những ngư dân đang ngâm mình dưới nước, tính mạng lơ lửng trên miệng hà bá, tất cả lại tập trung vào chuyên môn, những cơn nôn vì thế dần bị quên lãng.

Thử thách với thuyền viên cứu nạn còn là sự ám ảnh khi thường xuyên phải tiếp xúc với tử thi. Có những nạn nhân khi được trục vớt, toàn thân trương phình, bốc mùi nồng nặc. Quá trình vận chuyển lên tàu, nước từ các thi thể vẫn ứa ra, rỉ vào người anh em cứu nạn. Khoảnh khắc đó, nếu nói chúng tôi không rợn người là nói dối, nhưng nghĩ đến gia đình họ đang trông mong từng phút, anh em lại nhìn nhau động viên cùng cố gắng để họ được trở lại quê nhà. Chúng tôi hiểu rằng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người còn sống hay đã chết đều hi vọng sẽ được trở về trong vòng tay người thân”, anh Tùng nói.

Đối với bác sỹ Lê Văn Minh, may mắn nhất của ca cấp cứu hai thuyền viên mới diễn ra là tàu SAR 411 đã có mặt kịp thời để cứu thuyền viên bị bí tiểu. “Nếu trong vụ việc này, điểm xuất phát của tàu SAR là ở cầu cảng Hải Phòng mà không phải Bạch Long Vĩ thì tính mạng của ngư dân ấy e rằng đã “ngàn cân treo sợi tóc”, anh Minh bộc bạch.

Cũng theo bác sĩ Minh, với người bị thương, khâu sơ cứu ban đầu rất quan trọng, chỉ cần chậm trễ hoặc sơ sảy là có thể để lại biến chứng nghiêm trọng. Thế nhưng, trở ngại lớn nhất với những ca cấp cứu trên biển là mọi thứ không trong không gian tĩnh mà luôn chao đảo bởi tác động của sóng, gió. Việc cấp cứu người bệnh buộc bác sỹ phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, tìm giải pháp tối ưu nhất.

“Đặc biệt, đối với nạn nhân bị gãy xương, nếu như rơi vào thời tiết xấu, sóng mạnh, tôi buộc phải yêu cầu thuyền trưởng cho tàu xuôi theo chiều sóng để mức độ rung lắc tàu ở mức thấp nhất, tạo thuận lợi cho việc cố định vết thương được chuẩn xác, an toàn”, anh Minh nói.

Theo tàu SAR 411 về đất liền cùng hai ngư dân bị nạn, anh Đặng Dưỡng (SN 1978), thuyền viên tàu cá TTH 92062 TS vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến biến cố của những người anh em “trên bến, dưới thuyền”.

“Tôi đã nghe nói nhiều vụ tai nạn trên biển nhưng chưa tưởng tượng được sự nguy hiểm cho đến khi mình là người trong cuộc. Nhìn bạn bè đau đớn đến chết đi sống lại giữa sóng nước mênh mông, tất cả đã hoảng loạn, mất phương hướng cho đến khi liên lạc được với Trung tâm Cứu nạn hàng hải VN. Họ không chỉ cứu sống đồng nghiệp của chúng tôi mà còn cho ngư dân một điểm tựa vững chắc, một sự yên tâm nhất định trong mỗi lần đưa tàu vươn khơi”.

Anh Dưỡng dứt lời cũng là lúc tàu SAR 411 cập cầu cảng Hải Phòng. Hai ngư dân bị thương nhanh chóng được chuyển lên xe cứu thương đã chờ sẵn trên bờ. Còn các chiến sỹ tàu SAR sau một hành trình cứu nạn, họ lại tiếp tục cùng nhau phân ca chốt trực, dõi về khơi xa và sẵn sàng đến với ngư dân mỗi khi biển cả “dậy sóng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.