Xã hội

Hành trình đoàn xe siêu trường siêu trọng đưa điện gió lên Tây Nguyên

23/07/2021, 18:44

Hành trình gian nan của đoàn xe siêu trường siêu trọng chở thiết bị điện gió lên Tây Nguyên…

Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam do Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) làm chủ đầu tư đang được triển khai thực hiện. Dự án có công suất thiết kế lên đến 400MW, với 84 trụ gió, kết hợp hệ thống 1,2km đường dây 500 KV cùng hệ thống mạng điện và giao thông công cộng phục vụ dự án và dân cư địa phương.

Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2021.

img

Cánh quạt điện gió vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Hành trình của đoàn xe siêu trường, siêu trọng

Trong một thời gian ngắn tới, người dân ở 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) sẽ chiêm ngưỡng cánh đồng điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam, lên tới 84 trụ, trải dài trên diện tích 6.000 ha. Toàn bộ nằm trên địa hình đồi núi, xen lẫn khu vực chuyên canh nông nghiệp và khu dân cư.

Tuy nhiên, ít ai biết để hoàn thành cánh đồng điện gió trên, các nhà đầu tư đã phải trải qua một quá trình vô cùng khó khăn, tốn biết bao sức lực của hàng ngàn cán bộ, công nhân, người lao động để vận chuyển thiết bị, làm nên những trụ điện gió lớn nhất Việt Nam nằm ở Trung tâm khu vực Tây Nguyên.

Theo đại diện đơn vị chủ đầu tư, để làm nên một dự án điện gió cần rất nhiều trang thiết bị, máy móc. Quan trọng nhất là các trụ điện gió và cánh quạt. Tại dự án diện gió, mỗi trụ điện gió đều có công suất phát điện trên 4MW, đi kèm là các linh kiện.

img

Đoàn xe siêu trường siêu trọng chở thiết bị điện gió rời cảng để đến dự án.

Theo tính toán, trung bình mỗi tuabin nặng 100 tấn (84 tuabin của dự án nặng khoảng 8.400 tấn). Trong đó, mỗi cánh quạt nặng khoảng 20 tấn thì tổng khối lượng của các cánh quạt là 5.040 tấn và có chiều dài 18.900 m (trung bình mỗi cánh quạt dài 75m). Ngoài ra, tổng khối lượng đầu nối chiếm khoảng 3.360 tấn (trung bình mỗi đầu nối nặng 40 tấn). Như vậy, chỉ tính sơ các thiết bị chính thì khối lượng đã lên đến khoảng hơn 16.000 tấn, một con số quá lớn đặt ra nhiều thách thức cho quá trình vận chuyển.

Đối với Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam, các thiết bị được chuyển từ nước ngoài về và cập cảng Ba Son, TP Hồ Chí Minh và cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa) từ đó được đưa lên các xe siêu trường siêu trọng để vận chuyển đến Đắk Lắk.

Từ cảng Ba Son, đoàn xe siêu trường siêu trọng trải qua hành trình dài hơn 350km để đến dự án, trong khi đó, từ cảng Nam Vân Phong, đoàn xe thực hiện hành trình vận chuyển dài hơn 150km để đến khu vực dự án tại Đắk Lắk.

Gian nan cung đường vận chuyển

img

Từ cảng Ba Son, đoàn xe siêu trường siêu trọng trải qua hành trình dài hơn 350km để đến dự án, trong khi đó, từ cảng Nam Vân Phong, đoàn xe thực hiện hành trình vận chuyển dài hơn 150km để đến khu vực dự án tại Đắk Lắk.

Theo chia sẻ của kỹ sư Trungnam Group, để vận chuyển thiết bị có khối lượng lớn trên, theo kế hoạch, đơn vị vận chuyển sử dụng 16 cẩu bánh xích từ 800 tấn trở lên cùng với đó là dàn cẩu phụ từ 55T đến 600T, tổng số lượng khoảng gần 100 cẩu lớn nhỏ các loại. Đến tháng 9/2021, Trungnam Group dự kiến đưa về thêm 6 cẩu xích 800 tấn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng tiến độ dự án.

“Cần 30 dàn vận chuyển, mỗi dàn vận chuyển bao gồm đầu kéo MAN, Huyndai và Trailer 62m, Trailer Goldhofer để chở cánh. Mỗi đợt có thể vận chuyển từ 3-6 cánh quạt, mỗi lượt vận chuyển mất từ 4,5 ngày từ Ba Son đi đến dự án.

Do đặc thù của vận chuyển thiết bị điện gió là các loại hàng đều siêu trường siêu trọng nên để được vận chuyển, lưu thông trên đường, đơn vị vận tải phải xin phép Tổng cục đường Bộ hoặc Sở GTVT các tỉnh.

Vận chuyển các thiết bị điện gió cần các thiết bị chuyên dụng bao gồm 2 phần: Đầu kéo chuyên dùng có sức kéo và công suất lớn và sơ mi rơ moóc (hay gọi là Trailer) có nhiều trục, hoặc có khả năng rút dài để tải trọng hàng dàn đều lên mặt đường và cầu trong quá trình di chuyển.

Để lưu thông trên đường, đoàn xe cần thông báo với các lực lượng chức năng, trạm thu phí, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông về việc di chuyển. Trong quá trình di chuyển cần có Cảnh sát giao thông đi kèm để đảm bảo an toàn giao thông”, một kỹ sư Trungnam Group chia sẻ thêm về vận chuyển cánh quạt điện gió đến dự án.

img

Công nhân đang thi công lắp đặt các trụ điện gió.

Được biết, trước khi nhận việc vận chuyển, đơn vị vận chuyển phải khảo sát kỹ lưỡng cung đường, lên phương án khảo sát tuyến đường; Lập bảng tính và kiểm toán các cầu trên tuyến (nếu cầu nào yếu, không đảm bảo cần có biện pháp gia cố); Thuyết minh phương án vận chuyển với Tổng cục đường Bộ; Chạy thử kích thước của kiện hàng dài nhất, cao nhất, rộng nhất trên tuyến; Giải tỏa, điều chỉnh các chướng ngại vật trên đường để đoàn xe lưu thông không gặp vướng mắc; Báo cáo và các cơ quan chức năng thẩm định lại về việc điều chỉnh, giải tỏa các chướng ngại vật; Xin giấy phép vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng.

Bên cạnh đó, đơn vị vận chuyển sẽ tiến hành thử vận chuyển một mô hình có kích thước tương đương với kích thước thực của các thiết bị điện gió để xử lý các vật cản trên đường trước khi thực hiện vận chuyển thiết bị thật. Những chuyến hành trình của đoàn vận chuyển siêu trường siêu trọng ấy đã giúp các đơn vị của Trungnam Group tích lũy được nhiều kinh nghiệm để có thể thực hiện các chuyến vận chuyển đến nhiều địa phương khác nhau để thực hiện dự án điện gió.

Đại diện Trungnam Group chia sẻ: “Dự án điện gió thi công tại các tỉnh, luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công cũng như vận chuyển thiết bị. Trong đó, quan tâm nhất là công tác giải phóng mặt bằng, luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án một cách nhanh và hiệu quả nhất, khó đến đâu gỡ đến đó. Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng yêu cầu các sở, ban ngành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng của nhà đầu tư dự án”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.