Chất lượng sống

Hành trình đòi công lý của phụ lái tàu bị bắt giam oan

16/09/2017, 11:05

Sau vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh, lái tàu và phụ lái tàu bị kết tội, bắt giam.

13

Phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú cùng tập hồ sơ, đơn kêu oan gửi từ địa phương đến T.Ư - Ảnh: Vĩnh Phú

Những năm tháng trong nhà tạm giam là những tháng ngày đau khổ tột cùng của anh Nguyễn Xuân Phú (53 tuổi, phụ lái tàu SE2) và Nguyễn văn Túy (50 tuổi, lái tàu chính).

Cụ ông 80 tuổi viết đơn kêu oan cho con trai

Một ngày giữa tháng 9, PV Báo Giao thông đến ga Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) nơi phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú đang làm việc. Dù khá bận rộn với công việc trực ban tại Trạm Đầu máy toa xe Sóng Thần nhưng ông vẫn nhiệt tình tiếp PV.

Trong cuộc trao đổi, thỉnh thoảng câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn do ông Phú phải tiếp nhận thông tin từ các kho hàng về lịch, giờ tàu vào ga, lên - xuống hàng hóa… Vừa pha xong bình trà mời khách, ông Phú đã đem ra một chiếc túi dày cộm là giấy tờ, bản án, biên bản hiện trường tai nạn, lời khai, đơn kêu oan, kết luận...

"Tôi rất yêu thích và đam mê công việc lái tàu. Bản thân từng 2 lần được công nhận là kiện tướng an toàn do ngành Đường sắt trao tặng trong năm 2007, 2010. Sau khi được giải oan, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn đã hỗ trợ gia đình về vật chất và tinh thần. Sau đó, sắp xếp tôi và lái tàu Túy làm công tác trực ban, theo dõi an toàn kỹ thuật của tàu khi lên - xuống hàng hóa tại ga Sóng Thần. Do đã lớn tuổi và những yếu tố khách quan khác, nay đã quen với công việc mới cũng liên quan đến đường sắt nên tôi cảm thấy công việc hiện tại rất tốt."

Phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú

Chỉ tay vào bản kết luận mình được minh oan, ông Phú bồi hồi nhớ lại, tối 6/2/2011, khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh, ngay đêm hôm đó ông và lái chính tàu SE2 Nguyễn Văn Túy bị công an bắt tạm giam. Dù sự việc đã trôi qua nhiều năm, nhưng ông Phú vẫn nhớ rõ từng thời khắc trong ngày đen tối đó. Theo lời kể của ông Phú, sau khi bị bắt tạm giam, ông tin tưởng rằng, mình không có tội vì không trực tiếp lái tàu tại thời điểm xảy ra tai nạn thì sẽ sớm được tại ngoại. Nhưng nào ngờ, sau 9 ngày tạm giam, ông và lái tàu Túy bất ngờ nhận quyết định bị tạm giam cho tới giữa tháng 11/2011 mới được thả.

“Với các bằng chứng ngoại phạm, tôi không nghĩ rằng mình và anh Túy tiếp tục bị tạm giam. Riêng tôi, thời điểm xảy ra tai nạn là phụ lái, không trực tiếp điều khiển tàu nhưng vẫn bị tạm giam thì thật khó hiểu. Khi nhận quyết định gia hạn tạm giam, tôi hoang mang, trời đất như tối sầm lại, không biết chuyện gì đang xảy ra”, ông Phú mắt đỏ hoe nói.

Theo ông Phú, những tháng ngày bị giam oan là những tháng ngày đau khổ nhất trong cuộc đời và mỗi lần chuyển buồng giam, phải ở chung với nhiều đối tượng khác, đủ thành phần phạm tội nên ông rất lo sợ. “Thời gian bị tạm giam tổng cộng 9 tháng 5 ngày, việc tồn tại trong trại tạm giam là một kỳ tích”, ông Phú nhớ lại và cho biết, bản thân là lao động chính trong gia đình (vợ là giáo viên tiểu học), nên trong thời gian tạm giam, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Thu nhập chính trong nhà bị cắt đứt, hàng ngày vợ tôi vừa dạy học, vừa kiếm việc làm thêm để lo cho 2 đứa con. Mỗi lần vợ bồng bế con lên nơi giam giữ thăm chồng, khiến ông không cầm được nước mắt.

Ông Phú cho hay, trong thời giam bị giam riêng biệt, hàng ngày đối diện với 4 bức tường phòng giam, căng thẳng khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Suốt thời gian bị tạm giam, người thân trong gia đình đã gửi đơn kêu oan khắp nơi. “Bố tôi, một cựu chiến binh hơn 80 tuổi với hơn 50 năm tuổi Đảng, lúc ấy đã viết đơn xin được tại ngoại cho con trai gửi các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và T.Ư. Từng là một quân nhân, ngay khi được tại ngoại, tôi quyết định phải đấu tranh và cầu cứu khắp nơi đòi lại sự trong sạch, danh dự cho bản thân và gia đình”, ông Phú nói và cho biết, từ cuối năm 2011 đến nay, ông đã cầu cạnh nhiều cơ quan chức năng như: Công an, VKSND TP Biên Hòa, Công an tỉnh, VKSND, UBND tỉnh Đồng Nai… Ông cũng mang đơn đến gửi Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ để mong được minh oan. Đến tháng 4/2016, sau nhiều năm cầu cứu, ông được xác định không phạm tội.

14

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh tối 6/2/2011

Lời xin lỗi muộn màng

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, lái tàu Nguyễn Văn Túy cho biết, ngay sau  chuyến tàu “định mệnh” ấy là những chuỗi ngày đau khổ tột cùng. Ngay thời điểm xảy ra tai nạn, vợ anh chuẩn bị sinh nhưng anh không dám gọi điện hỏi thăm vợ do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. “Ngay hôm sau, biết tin vợ đã mẹ tròn con vuông, nhưng tôi cũng không thể đến chăm sóc vợ và gặp mặt con vì đã bị bắt tạm giam. Nhớ vợ và con, khoảng thời gian ấy là cực hình với tôi”, anh Túy trầm ngâm nói.

Trong phòng giam, anh ngày đêm mong muốn được nhìn thấy con. Gần 2 tháng sau, vợ anh đã ôm con trai đến thăm cha. Giây phút gặp vợ con càng thôi thúc anh quyết tâm giải oan để sớm quay về đoàn tụ cùng gia đình…

Ngày 7/9 mới đây, VKSND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tổ chức buổi xin lỗi công khai anh Nguyễn Xuân Phú tại UBND phường Hiệp Phú (quận 9, TP.HCM). Trước đó một tuần, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm và tuyên án chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của anh Phú, sửa án sơ thẩm, buộc VKSND TP Biên Hòa tăng mức bồi thường cho anh Phú từ 349 triệu đồng lên hơn 502 triệu đồng. Sáng 30/8, tại Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (quận Tân Bình, TP.HCM), VKSND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với anh Nguyễn Văn Túy và bồi thường số tiền hơn 322 triệu đồng. Cả phụ lái tàu Nguyễn Xuân Phú và lái chính Nguyễn Văn Túy được xác định bị giam oan hơn 9 tháng sau vụ tai nạn giữa tàu SE2 với 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) xảy ra năm 2011 khiến 2 người chết, 22 người bị thương.

Ông Danh Huệ, Phó viện trưởng VKSND TP Biên Hòa thừa nhận: Việc khởi tố, điều tra, truy tố oan đã gây thiệt hại về vật chất, tinh thần và danh dự của 2 anh Phú và Túy. “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan tố tụng đã gây ảnh hưởng về vật chất, tinh thần và uy tín, danh dự của anh Túy và Phú... Những thiệt hại mất mát khó có thể bù đắp. Sau buổi xin lỗi cải chính, VKSND TP Biên Hòa sẽ chủ động bồi thường vật chất và đăng báo cải chính xin lỗi hai anh”, ông Huệ thông tin.

Đêm mùng 4 Tết Tân Mão (6/2/2011), xe taxi BKS 56K-9697 của hãng VinaSun do tài xế Nguyễn Quốc Hùng (32 tuổi) điều khiển lưu thông qua cầu Ghềnh đã không nhường đường để 5 ô tô khác qua cầu theo hướng ngược lại, gây ùn tắc kéo dài. Đúng lúc này, đoàn tàu SE2 do lái tàu Nguyễn Văn Túy điều khiển hướng từ TP HCM về Hà Nội đi qua. Do các nhân viên gác chắn tại địa điểm hai đầu cầu không phát tín hiệu chưa thông cầu, nên khi phát hiện sự cố phía trước, lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song, do khoảng cách quá gần, đoàn tàu vẫn trượt tới với vận tốc lớn nên đã đâm vào 6 ô tô đang lưu thông trên cầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết và 22 người khác bị thương nặng.

Sau vụ tai nạn, ông Phú và 7 người liên quan bị bắt để điều tra. Trong đó, ông Phú và lái tàu chính (Nguyễn Văn Túy) bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Sau 278 ngày bị giam, cả hai được tại ngoại điều tra.

Sau nhiều năm nỗ lực kêu oan, tháng 4/2016, VKSND TP Biên Hòa có quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phú và ông Túy vì lý do 2 ông này không có hành vi phạm tội. Sau khi vụ án được đình chỉ, ông Phú và ông Túy đã khởi kiện yêu cầu VKSND TP Biên Hòa phải xin lỗi, bồi thường do truy tố sai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.