Hạ tầng

Hành trình giải cứu “tàu đắm” Vinalines: Vươn khơi tìm lại mình

19/12/2018, 07:34

Vượt qua những con sóng dữ, “con tàu” Vinalines hiện tự đưa mình nổi lên mặt nước và bắt đầu có những kế hoạch...

12

Tàu Vinalines Pioneer cập Cảng Tân Thuận

Sau giai đoạn tái cơ cấu và đạt được nhiều đột phá trong hoạt động kinh doanh, Vinalines nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa, hiện đại hóa mô hình quản trị để sẵn sàng “vươn khơi” cạnh tranh với các “ông lớn” hàng hải trên thế giới.

Vượt qua thử thách để chuyển mình

Nhìn lại chặng đường đã qua trong một hành trình tái cơ cấu “dài hơi”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) không giấu được vui mừng khi Vinalines đã đi một chặng đường dài, dù nhiều thử thách nhưng kết quả thu được lại rất khả quan. “Từ “rơi tự do” lâm vào thua lỗ, khủng hoảng, đến năm 2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của tổng công ty sẽ ghi nhận mức lãi khoảng 130 tỷ đồng. Nhìn lại quá khứ khoảng 5 năm về trước, đây thực sự là bước ngoặt lớn”, ông Hải nói.

"Tổng công ty Hàng hải VN đã tiến hành CPH thành công với hơn 5 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư đăng ký mua. Cổ phiếu của đơn vị đã được đưa lên giao dịch trên sàn UpCoM với mã MVN. Dự kiến, đầu năm 2019, tổng công ty sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP”.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh
Q.Tổng giám đốc Vinalines

Tuy vậy, theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines, Vinalines dù đã và đang được “hồi sinh” trong bùn lầy, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn mà Vinalines phải đối mặt, vượt qua để sự “chuyển mình” thực sự có hiệu quả.

“Thị trường vận tải biển hiện đã ổn định, nhưng giá cước vận tải và cho thuê tàu vẫn ở mức thấp. Từ khi ngành vận tải biển suy thoái đến nay, các chủ tàu tư nhân trong nước tận dụng việc đầu tư được tàu giá thấp để đầu tư các nhóm tàu, gia tăng năng lực cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Mặt khác, xu hướng liên minh của các hãng tàu nước ngoài tạo ra sự cạnh tranh rất lớn đối với các DN vận tải biển nội địa”, ông Sơn nói.

Điều khiến vị “thuyền trưởng” Vinalines lo ngại nhất chính là xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với các DN cảng biển hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ đã tạo nên sức cạnh tranh rất lớn đối với các DN trong nước, làm ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải.

“Các tập đoàn logistics nước ngoài giờ được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các DN này hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần logistics trong nước nên DN logistics nội địa gặp nhiều khó khăn vì yếu thế hơn hẳn về vốn, mạng lưới hoạt động”, ông Sơn chia sẻ.

Những kế hoạch… vươn khơi

Vượt qua những con sóng dữ, “con tàu” Vinalines hiện đã tự đưa mình nổi lên mặt nước và bắt đầu có những kế hoạch để vươn khơi, lấy lại vị thế từng “vang bóng một thời”. Một trong những chiến lược lớn đó là việc chuyển đổi mô hình hoạt động DN.

“Để những chiến lược có tính khả thi, trước hết, mô hình quản trị DN phải đổi mới. Vinalines đã tiến hành cổ phần hóa (CPH), chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP. Trên thực tế, quá trình CPH của Vinalines đã diễn ra từ năm 2014. Tuy nhiên, khó khăn của Vinalines là vừa phải tái cơ cấu, vừa tiến hành đồng thời CPH công ty mẹ, CPH các đơn vị thành viên nên phải trải qua 3 năm, đến tháng 9/2018, Vinalines mới chính thức IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng)”, ông Trần Tuấn Hải nói.

Chia sẻ cụ thể hơn, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho rằng, tổng công ty đang ở trong giai đoạn “phục hồi sức khỏe” sau thời gian triển khai hàng loạt giải pháp để “thoát nợ, thoát lỗ”. Song, thế mạnh về nguồn lực cơ sở hạ tầng Vinalines đang sở hữu vẫn được kỳ vọng là “bàn đạp” tạo đà cho DN đi lên.

“Vinalines là một trong những DN “hiếm hoi” của Việt Nam sở hữu được cả 3 cơ sở hạ tầng của một chuỗi dịch vụ logistics, đó là: Cảng biển, tàu biển và các DN dịch vụ hàng hải. Tận dụng lợi thế đó, Tổng công ty Hàng hải VN đã và đang tích cực phát triển dịch vụ logistics trọn gói (door to door). Vinalines đã thành lập Trung tâm Vận tải container để thống nhất đội tàu thành một hệ thống đồng nhất, không chồng chéo, có sự điều phối chung, đảm bảo tối ưu trong khai thác các tuyến vận tải. Tổng công ty hối thúc, chỉ đạo DN logistics thành viên đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong kết nối, trao đổi thông tin và xây dựng hệ thống kho bãi xanh, hiện đại để nâng cao tính cạnh tranh”, ông Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo ông Tĩnh, thời gian tới, Vinalines sẽ đẩy mạnh thực hiện tham gia đấu thầu công tác vận chuyển. Vinalines sẽ đấu thầu các lô hàng lớn như: Than, quặng hoặc các nguyên vật liệu cho các KCN hoặc nhà máy lớn. Việc vận chuyển sẽ được thực hiện trọn gói, bao gồm: Dịch vụ cảng, dịch vụ tàu, dịch vụ logistics.

“Để những kế hoạch trên có kết quả như kỳ vọng, Vinalines đã cải thiện nguồn lực của mình bằng việc thanh lý đội tàu già, đầu tư những con tàu công nghệ hiện đại (thế hệ Ecoship), đáp ứng công ước quốc tế, đảm bảo yếu tố về môi trường, có suất tiêu hao nhiên liệu thấp, đảm bảo tính cạnh tranh. Trong đó, tàu container, tàu chở hàng dời cỡ lớn là các loại tàu được chú trọng đầu tư. Trên cơ sở đó, tổng công ty sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến vận tải Nội Á bằng container, phát triển các tuyến vận tải hàng dời để dần chiếm lĩnh thị trường”.

Tiết lộ thêm, Chủ tịch Vinalines Lê Anh Sơn cho rằng, trong xu thế vận tải biển vẫn chưa “thoát khó”, hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn tập trung vào thế “kiềng 3 chân”: Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải nhưng hai mảng cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn cả. Trong đó, lĩnh vực cảng biển thiên về hướng phát triển những cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế như: Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và việc đầu tư các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).

“Cảng nước sâu hay cảng trung chuyển quốc tế đòi hỏi suất đầu tư rất lớn nhưng có công nghệ khai thác lớn. Với nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng, xu hướng của vận tải biển quốc tế là chuyển sang những con tàu có kích cỡ lớn. Do đó, để đón được những con tàu “khủng” các tuyến liên lục địa, chạy thẳng sang Mỹ hoặc châu Âu, việc đầu tư các cảng lớn là rất cần thiết và phù hợp với sự phát triển của ngành hàng hải thế giới”, ông Sơn nói.

Khép lại đoạn “hồi ký” về hành trình “vượt sóng” của Vinalines, trong cái nhìn xa xăm, “thuyền trưởng” Lê Anh Sơn bộc bạch: “Khó khăn của Vinalines vẫn còn đó, những khủng hoảng có lẽ đã dần qua. Nhưng nhờ quá trình tái cơ cấu, lãnh đạo tổng công ty đã rút được những kinh nghiệm sâu sắc về sai lầm trong hoạt động đầu tư, quản trị DN ở giai đoạn trước đây để làm bài học cho đường lối phát triển sau này. Trong tương lai không xa, Vinalines sẽ dần chiếm lĩnh thị phần vận tải trong nước và thế giới. Vinalines với sự thay đổi thương hiệu mới VIMC (Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP) sẽ không chỉ là chuyển giao một biểu tượng mà nó sẽ là biểu tượng của sự thay đổi. 

Logo tai tro Dang baso DT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.