Tài chính

Hành trình khởi nghiệp của “cha đẻ” xe máy điện Selex Camel

01/01/2023, 08:26

Dịch Covid-19 khiến dự án khởi nghiệp xe máy điện tưởng đóng băng lại trở thành cú hích giúp Selex Motors “tấn công” thị trường giao vận.

Tối ưu cho khâu giao vận

Trong suốt thời điểm xăng, dầu khan hiếm vừa qua, trong lúc nhiều shipper đồng nghiệp khốn khổ lo vụ đổ xăng thì anh Nguyễn Mạnh Hùng, tài xế của Lazada Logistics sử dụng xe điện chỉ mất 2 phút cho mỗi lần “nạp nhiên liệu” từ trạm đổi pin tự động.

img

Xe máy điện Selex Camel đang được sản xuất độc quyền cho Lazada

Không chỉ vậy, mỗi tháng, shipper này chỉ phải bỏ ra 2 triệu đồng chi phí thuê pin, trong khi trước đó tiền mua xăng dao động 3 - 3,5 triệu đồng. Tiền bảo dưỡng, bảo trì định kỳ phương tiện cũng giảm gần 50%.

CEO Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh xác nhận, anh Hùng là một trong số những tài xế của công ty đang sử dụng xe máy điện gắn với hệ sinh thái của Công ty CP Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors).

Hệ sinh thái này bao gồm: Pin có độ tương thích cao, app quản lý (có thể kiểm tra dung lượng pin trên xe; đổi pin tự động bằng cách quét mã, khóa xe từ xa; định vị, định tuyến xe...); trạm đổi pin tự động và hạ tầng quản lý dựa trên công nghệ kết nối vạn vật IoT.

“Hệ sinh thái của Selex Motors không chỉ mang đến cho các tài xế sự tiện lợi, tăng hiệu suất giao vận mà còn giúp Lazada Logistics tăng hiệu quả quản lý.

Do vậy, chúng tôi đã quyết định đặt hàng công ty 100 chiếc xe máy điện Selex Camel và những chiếc xe đầu tiên đã được giao hồi cuối tháng 11 vừa qua”, ông Thịnh nói và chia sẻ thêm: Selex Camel như được “đo ni đóng giày” cho các công ty giao vận với thiết kế như một mẫu xe máy điện “bán tải” đầu tiên ở Đông Nam Á.

Yên sau của xe có thể đặt một thùng hàng lớn có thể tích tới 1m3, tải trọng tối đa tới 225kg; pin sạc đầy có thể giúp xe di chuyển 150km… “Khởi đầu với ít nhất 100 chiếc xe máy điện đầu tiên, chúng tôi sẽ cùng Selex Motors tiếp tục nhân rộng quy mô toàn quốc cũng như ở trong khu vực”, CEO Vũ Đức Thịnh hé lộ.

Không chỉ Lazada Logistics, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, một doanh nghiệp giao vận lớn khác cũng đang đàm phán với Selex Motors cung cấp hàng nghìn xe trong năm nay...

Ngã rẽ sản phẩm riêng biệt

img

CEO Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên

Để có được sự lựa chọn từ các đối tác giao vận hôm nay, CEO Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên luôn ghi nhớ cuộc gặp gỡ với CEO Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh tại một hội thảo quốc tế về giao thông điện cách đây hơn 3 năm về trước.

Tiên phong ứng dụng xe điện để giao hàng, từ cuối năm 2019, Lazada Logistics đã đặt hàng một đối tác sản xuất song chiếc xe này chưa đáp ứng yêu cầu cả về công năng chở hàng lẫn tốc độ, nhiều lỗi, đặc biệt là thời gian sạc mất đến 8 giờ. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Hữu Phước Nguyên bắt tay nghiên cứu, sản xuất xe máy điện.

Sau khi trao đổi, lắng nghe và được sự khích lệ của CEO Lazada Logistics, CEO Selex Motors đã tập trung hợp tác với Lazada. Đầu tiên là cung cấp giải pháp đổi pin, app quản lý, rồi tới xe là “trọn bộ”.

Lấy bằng tiến sỹ trong ngành cơ khí của một trường có tiếng tại Mỹ, Nguyễn Hữu Phước Nguyên đầu quân cho một công ty ô tô của Malaysia.

Sau một năm làm việc, anh được một số công ty, trong đó có Apple phỏng vấn và mời vào làm cho dự án xe điện họ vừa khởi động.

Tuy nhiên, anh đã quyết định về Việt Nam, làm việc cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu. Sau 3 năm, chàng trai 34 tuổi quyết định xin nghỉ việc, thành lập Selex Motors.

Dành một tuần suy nghĩ, tìm hiểu, anh nhận thấy thị trường xe máy điện có sức hấp dẫn lớn, song đang có sự bất tiện trong nạp năng lượng; chi phí, giá cả. Rất nhanh chóng, giải pháp đổi pin đã được anh đặt ra.

Nhanh chóng không kém, nhà sáng lập đã tìm được đội ngũ cộng sự. “Trụ sở” đầu tiên là một căn phòng hơn 10m2 mượn được. Khoản vốn hơn 2 tỷ đồng đầu tiên từ tiền cá nhân cộng vay mượn, chủ yếu để trả lương và mua vật tư linh kiện.

“Đầu tiên, nhóm mua một chiếc xe xăng cũ về, tháo động cơ xăng, thay động cơ điện do nhóm nghiên cứu vào, sau một tháng chạy thử, rất vui”, anh nhớ lại.

9 tháng sau ra chiếc xe đầu tiên do họ tự thiết kế, chế tạo “từ A tới Z” chạy thành công. Song chạy tới đây thì vốn cũng “càn cạn”.

Thế là phải gọi vốn, bằng cách demo giải pháp đổi pin bằng video. Ấy vậy mà cũng được “các nhà đầu tư thiên thần” ủng hộ.

Nhưng rồi dịch Covid-19 ập đến. Đội ngũ nhân sự vừa quy tụ rơi rụng mất 50%. Rất may là nhóm sáng chế ra chiếc máy rửa tay tự động phục vụ chống dịch, bán rất chạy và sống nhờ vào đó.

Nhưng mọi thứ khác thì gần như đóng băng. Tất cả ngồi nhà, chỉ riêng lực lượng shipper là còn hoạt động.

Thị trường Việt Nam và hơn thế nữa

img

Dây chuyền sản xuất xe máy điện Selex Camel

“Trước đó thì chúng tôi vẫn còn “đắm đuối” với sản phẩm xe máy điện dành cho cá nhân, phân khúc cao cấp như dòng xe SH.

Rồi dịch bệnh, sau đó là cuộc gặp với CEO Lazada Logistics đã khiến chúng tôi thay đổi, quyết định nghiên cứu, phát triển mẫu xe dành cho thị trường giao vận.

Năm 2021, Selex Motors đã gọi vốn được 2 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và hai quỹ ngoại khác”, Nguyễn Hữu Phước Nguyên kể.

Nói là vậy, nhưng quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chiếc Selex Camel là một chặng đường khá dài và gian nan.

Từ kết cấu xe phải được thiết kế, tính toán chi tiết, đặt hàng riêng, thử đi thử lại từng loại khung sắt, từng khuôn nhựa để đảm bảo tải trọng hơn 200kg.

Thậm chí nhóm kỹ sư đã thử “chất” lên tới 700kg nhưng không bị nứt gãy. Càng khó hơn khi Selex Motors kiên định mục tiêu “make in Việt Nam” với tỷ lệ sản xuất trong nước hơn 70%.

Theo vị CEO, trong hơn 100 linh kiện, phụ tùng, bộ phận khó nhất là điều khiển động cơ điện thì Selex Motors tự làm. Nhựa, săm lốp cũng do đối tác Việt sản xuất. Pin chỉ nhập tế bào pin của LG và Samsung, còn lại là họ chủ động.

“Chúng tôi phải tìm kiếm, lọc đối tác, cùng nhau tạo hệ sinh thái, cùng nhau góp ý, hoàn chỉnh. Để một chiếc xe có thể chạy 200km mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần và 30 ngày mỗi tháng không lỗi, chúng tôi phải chỉnh sửa rất nhiều”, Nguyễn Hữu Phước Nguyên bộc bạch.

“Selex Motors là một trong rất ít những doanh nghiệp xe máy điện làm chủ hoàn toàn từ con số 0. Họ đi đặt hàng chúng tôi từng cái ốc vít. Anh Nguyên và cộng sự rất cầu toàn nhưng cũng rất cầu thị”, Giám đốc Công ty TNHH Khuôn mẫu chính xác M&H Nguyễn Văn Mạnh – đối tác đang sản xuất hơn chục chi tiết cho Selex Camel thông tin.

Theo CEO M&H, để tải hơn 200kg, đi hơn 100km, ngoài khung giá xe phải chắc, khỏe, ngay cả pin cũng khác xe điện thông thường. Chẳng hạn, M&H được đặt hàng vỏ pin, mỗi xe có tới 3 quả, được kết hợp với nhau bằng bộ điều khiển thông minh giúp kết nối, cần bằng dòng điện.

“Tôi được biết, sau 9 tháng, họ đã ra xe thử nghiệm đầu tiên, nhưng để sản xuất hàng loạt phải mất 4 năm để hoàn thiện”, anh Mạnh nhận xét.

Chính sự tối ưu ấy đã giúp Selex Motors được nhiều đối tác ngoại “để mắt”. Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết, nhiều công ty ở Thái Lan, Indonesia đã liên hệ với anh để phát triển thị trường tại đó.

“Hiện nhà máy đặt tại Gia Lâm, Hà Nội của Selex Motors có thể đạt năng suất tối đa 20.000 xe mỗi năm, song công ty cần bài toán hài hòa giữa sản lượng với chất lượng và dịch vụ hậu mãi.

Theo đó, công ty có kế hoạch phát triển 200 điểm đổi pin, so với 30 điểm đổi hiện nay. Trước mắt, công ty định hướng tập trung thị trường trong nước”, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên tâm sự.

Tính đến hết năm 2022, Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp, 4 nhãn hiệu được cấp... trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Đông Nam Á làm chủ toàn bộ quá trình phát triển và sản xuất xe máy điện thế hệ mới và pack pin lithium-ion.

Selex Camel có giá 21,89 triệu đồng, chưa bao gồm giá pin. Dịch vụ đổi pin có 4 gói gồm: Economy, Saving, Super Saving và Max Saving. Theo đó, gói Economy giá 1,4 triệu đồng cho quãng đường 3.000km; gói Saving giá 1,9 triệu đồng, quãng đường 4.500km. Gói Super Saving giá 2,4 triệu đồng, quãng đường 6.000km. Gói Max Saving không giới hạn số km giá 3,8 triệu đồng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.