Chất lượng sống

Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam của cặp vợ chồng người Mỹ

04/09/2017, 14:05

Vợ chồng bác sĩ người Mỹ Esther Bucher cùng nhau đến Quảng Ngãi

76

Vợ chồng bác sĩ Esther Bucher áp dụng những biện pháp trị liệu hoạt động điều trị cho trẻ em nhiễm chất độc da cam

Từng tham gia tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C năm 1969, nay vợ chồng bác sĩ người Mỹ Esther Bucher cùng nhau đến Quảng Ngãi hòa nhập vào cuộc sống của trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin, giúp các nạn nhân phục hồi chức năng.

Xông pha đến vùng khói lửa

Tháng 8, nắng miền Trung gay gắt. Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng da cam huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm trong con đường Nguyễn Du, trung tâm thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ). Trong căn phòng rộng, gần 20 trẻ em nhiễm chất độc da cam xếp thành vòng tròn hát theo bác sĩ Esther Bucher cùng chồng là kỹ sư nông nghiệp Vohn Paul Bucher. “Nhìn những đứa trẻ thơ ngây hồn nhiên nô đùa bên “bố Bo, mẹ Yến” ai cũng xúc động”, ông Huỳnh Chí Thắng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ bộc bạch.

Lần giở kí ức, ông Vohn Paul Bucher kể: Năm 1969 tại Thủ đô Washington D.C, vợ chồng ông cùng rất nhiều người Mỹ yêu hòa bình đã xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam. Từng đoàn người nối nhau với những biểu ngữ phản đối chiến tranh, hô vang khẩu hiệu đề nghị Chính phủ Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. “Sau khi kết hôn, chúng tôi quyết định đến Việt Nam, một đất nước đang chìm trong chiến tranh, đất nước chúng tôi chưa từng biết đến. Tôi tin rằng, chiến tranh không phải do người dân mà do Chính phủ. Tôi đã chọn Việt Nam để đến và hiểu con người nơi đây hơn”, ông Paul nhớ lại.

Một ngày đầy nắng năm 1970, vợ chồng bác sĩ Esther Bucher đáp chuyến bay từ bên kia địa cầu xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chứng kiến cảnh khói lửa, căng thẳng của một chiến trường rực lửa, binh lính luôn sẵn sàng súng ống chiến đấu khiến đôi vợ chồng trẻ choáng ngợp.

Ở Sài Gòn một thời gian, vợ chồng bác sĩ Esther Bucher chuyển xuống Cần Thơ dạy tiếng Anh cho giáo viên ở đây suốt 4 năm. Những năm cuộc chiến quyết liệt hơn, điều kiện học tập thiếu thốn, họ quyết định trở về nước.

Sau ba năm, vợ chồng ông bà Bucher lại tiếp tục đến những vùng đất khó khăn khác để làm việc. 6 năm ở Indonesia, cả hai quyết định đưa hai con trở về Mỹ nhưng vẫn ấp ủ dự định trở lại Việt Nam để mang những kiến thức trị liệu hoạt động đến với những người khuyết tật.

77
Vườn rau sạch do chính tay ông Paul trồng tại Trung tâm Nuôi dưỡngvà phục hồi chức năng da cam huyện Đức Phổ

Hành trình yêu thương

Lần thứ 2 trở lại Việt Nam đối với ông bà Bucher như định mệnh. Ông Paul kể: Trong một lần tình cờ đọc được cuốn sách Last night I dreamed of peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình), nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch, xuất bản ở Mỹ), cả hai quyết định trở lại Việt Nam. Lúc ấy họ đã 68 tuổi. “Sau khi các con đã trưởng thành, chúng tôi quyết định trở lại Việt Nam. Ngoài ra, vợ tôi rất thích làm việc ở nước ngoài”, ông Paul nói. Tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) đã làm cầu nối đưa hai tình nguyện viên này đến với huyện Đức Phổ, nơi nữ y sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết cuốn nhật ký về những ngày hòa bình.

Ngày đặt chân đến Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng da cam huyện Đức Phổ, chứng kiến những đứa trẻ vô tội dặt dẹo vì phải gánh chịu những nỗi đau tột cùng của cuộc chiến tranh phi nghĩa, nước mắt rơi lã chã trên mặt bác sĩ Esther.

Theo ông Nguyễn Chí Thắng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ, địa phương này là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học trong chiến tranh với hơn 2.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhưng mới chỉ có khoảng 700 người được giải quyết chế độ. Từ khi vợ chồng bác sĩ Bucher đến đây, hiệu quả điều trị cho các cháu nhiễm chất độc da cam/dioxin đã có những chuyển biến rõ rệt, các cháu phục hồi tốt hơn. Ngoài ra, bác sĩ Esther cũng đã cố gắng truyền đạt những kiến thức trị liệu cho nhân viên ở đây nhằm đáp ứng tốt nhất việc chăm sóc cho các cháu.

Là nhà trị liệu hoạt động (occupational therapist) với kinh nghiệm 20 năm ở Mỹ, bác sĩ Esther lập tức bắt tay vào công việc giúp các trẻ em nơi đây phục hồi chức năng. Ông Vohn Paul Bucher là kỹ sư nông nghiệp, phụ trách việc thiết kế vườn rau sạch cho trung tâm. Họ thuê một căn nhà cạnh trung tâm để tiện việc đi lại. Họ ít khi ở nhà mà chủ yếu ăn ở, sinh hoạt cùng trẻ em và nhân viên trung tâm, mặc dù tuổi của họ lẽ ra được nghỉ ngơi và chăm những đứa cháu ở Mỹ.

Sau 18 tháng, những đứa trẻ bắt đầu chập chững đi lại, nói cười nhiều hơn, có thể tự cầm thìa lấy thức ăn. Hai ông bà giống như cha mẹ của những đứa trẻ nơi đây, những đứa trẻ gọi vợ chồng ông bà bằng cái tên Việt Nam một cách trìu mến: “Bố Bo, mẹ Yến” theo cách phát âm tên tiếng Mỹ của vợ chồng bác sĩ Esther Bucher. Đáp lại tình yêu ấy, ông bà cũng rành rọt nói nhiều câu chữ tiếng Việt sau thời gian dài cố gắng học hiểu. “Chúng tôi đã nghe các câu chuyện về chất độc da cam/dioxin và những trẻ em chịu ảnh hưởng bởi chất độc này ở Đức Phổ. May mắn là vợ tôi có những kỹ năng trong trị liệu hoạt động để giúp chút ít cho các nạn nhân cải thiện cuộc sống”, ông Paul nói.

Bà Nguyễn Thị Xuân (trú Đức Phổ), mẹ cháu Phước Hân (14 tuổi) đang được điều trị tại trung tâm không giấu được sự vui mừng khi con bà được vợ chồng bác sĩ Bucher chăm sóc, điều trị. Bà Xuân cho biết: Hân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khiến thân thể dặt dẹo, không thể tự ngồi ghế 1 mình, từ khi được điều trị tại trung tâm đã có thể tự ngồi, tự ăn uống được.

“Để điều trị, chúng tôi xem xét tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của những đứa trẻ, cách ăn uống, sắp xếp, mặc quần áo, tắm rửa... và chúng tôi tìm cách biến những điều đó trở nên dễ dàng hơn với bọn trẻ và gia đình. Tôi cũng hướng dẫn cho các nhân viên trung tâm về phương pháp trị liệu. Người Việt Nam rất tốt với tôi, mỗi lần đi đâu xa trở về đây tôi thấy như được trở về nhà”, bà Esther bộc bạch.

Bên cạnh việc giúp đỡ phục hồi chức năng cho hàng chục trẻ da cam, khuyết tật, con em cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh, vợ chồng bác sĩ Bucher còn kêu gọi bạn bè quốc tế hỗ trợ kinh phí làm mô hình rau rạch, tặng bò, dê giúp nhiều gia đình cựu binh nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.