Thế giới

Hanjin phá sản - lời cảnh báo đế chế chaebol Hàn Quốc

23/09/2016, 10:01
image

Những cái tên như Hanjin, Lotte… một thời lừng lẫy nay đang trở thành nỗi đau đầu của Chính phủ Hàn Quốc.

Chu tich
Chủ tịch Tập đoàn Korean Air Cho Yang-ho cúi đầu xin lỗi vì hành xử kiêu ngạo của con gái trong vụ bê bối hạt mắc-ca

Những cái tên như Hanjin, Lotte… một thời lừng lẫy nay đang trở thành nỗi đau đầu của Chính phủ Hàn Quốc và là câu chuyện đầu môi về sự thống trị của các tập đoàn gia đình trị tại xứ sở Kim chi (còn gọi là chaebol) đang râm ran trong dư luận.

Sóng gió

Đầu tháng 9, Tập đoàn vận tải hàng đầu Hàn Quốc Hanjin Shipping Co., làm “dậy sóng đại dương” khi nộp đơn xin phá sản, gây gián đoạn và cản trở lượng lớn hàng hoá toàn cầu trong bối cảnh ngành Vận tải đang vào mùa bận rộn nhất. Đối với nhiều người Hàn Quốc, thất bại của Hanjin là điển hình cho những khó khăn mà các chaebol đang phải đối mặt khi các thế hệ kế cận của gia đình doanh nghiệp lóng ngóng, không đủ sức gánh vác sự nghiệp mà cha ông để lại.

Lật lại quá khứ, năm 2014, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Korean Air Cho Yang-ho nhận lại Hanjin trong hoàn cảnh khó khăn từ tay CEO tiền nhiệm là bà Choi Eun-young, vợ ông Cho Soo-ho - em trai ông Cho Yang-ho. Kể từ đó đến nay, ông Cho Yang-ho đã phải chi 1,07 tỉ USD để cứu các công ty vận tải đang chật vật. Bà Choi điều hành công ty thay chồng sau khi ông qua đời năm 2006. Chỉ trong vài năm, tới năm 2011, công ty trượt sâu xuống mức cảnh báo đỏ. “Bà Choi được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành (CEO) chỉ vì là người có họ hàng mà không phải là chuyên gia hay am hiểu gì về ngành Vận tải”, ông Lee - luật sư đến từ Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Luật tại Seoul nhận định và nói thêm rằng: “Đây là câu chuyện thường thấy của các chaebol Hàn Quốc”.

Trong bối cảnh Hanjin Shipping đang nợ hơn 6 nghìn tỉ won (tương đương 5,37 tỉ USD), nhiều chuyên gia hối thúc gia đình Cho bán tài sản cá nhân để cứu công ty. Để giải quyết tình hình gián đoạn, tiếp tục vận chuyển nốt những đơn hàng đang thực hiện, Tập đoàn Hanjin tuyên bố sẽ chi 90 triệu USD, đáng chú ý 36 triệu USD trong số đó được trích từ tài sản cá nhân của Chủ tịch Tập đoàn Cho Yang-ho.

Dư luận vốn có cái nhìn không thiện cảm từ cách đây 2 năm khi Hanjin bị một cú giáng mạnh vào danh tiếng. Năm 2014, Phó chủ tịch Tập đoàn Korean Air (công ty mẹ của Hanjin) bà Cho Huyn-ah, con gái ông Cho Yang-ho dính “bê bối hạt mắc-ca”. Bà Cho hành xử thô bạo, thiếu tôn trọng tiếp viên hàng không phục vụ hạt mắc-ca, ép máy bay chở hàng trăm hành khách phải quay về cửa sân bay Kennedy tại New York làm chậm chuyến và ảnh hưởng tới các hành khách khác. Bà Cho đã bị phạt tù và buộc phải từ chức. Thời điểm đó, câu chuyện về sự hống hách của “cậu ấm, cô chiêu” các gia đình chaebol bị dư luận Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ.

Không riêng Hanjin, Lotte - Tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc cũng đang ngả nghiêng. Mới nhất, ngày 20/9, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, 61 tuổi bị triệu tập tới Văn phòng Công tố Trung ương Seoul, vì là nghi phạm trong hàng loạt cáo buộc tham nhũng và thất tín. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử hàng chục năm của Lotte, một chủ tịch trở thành nghi phạm hình sự và bị thẩm vấn. Trước đó, Lotte từng bị tẩy chay vì bê bối huynh đệ tương tàn, con lật đổ cha để tranh giành quyền lực năm 2015. Thêm nữa, Tập đoàn Hyundai đang chật vật cứu Công ty Thương mại Hàng hải Hyundai (HMM) - công ty vận tải đang nợ đầm đìa 7 nghìn tỉ won (tương đương 5,8 tỉ USD) trong bối cảnh ngành Vận tải thế giới suy sụp.

Công lao

Mặc dù gặp khủng hoảng nhưng không thể phủ nhận công lao của các chaebol một thời góp phần làm biến đổi bộ mặt Hàn Quốc. Những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Hàn Quốc nghèo như bao nước ở khu vực hạ Sahara châu Phi hiện nay. Nhưng sau cuộc đảo chính của quân đội năm 1961, Hàn Quốc chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ mà nhiều người dùng từ “kỳ diệu”.

Các công ty Hàn Quốc, do gia đình làm chủ như: Samsung, Hyundai... có mối quan hệ mật thiết với Chính phủ. Họ được bảo vệ khỏi cạnh tranh, nhận khoản vay rẻ và được khuyến khích để dấn thân vào các ngành công nghiệp mới, chiến lược mà không lo ngại bị thất bại. Từ đó, các công ty này lớn mạnh dần, phát triển ra khắp thế giới và xây dựng Hàn Quốc từ nước nông nghiệp lạc hậu với mức thu nhập 254 USD/người (tương đương 5,6 triệu VND) trong năm 1970 thành cường quốc giàu có, theo hướng xuất khẩu.

-Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, ngưo
Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin bị người biểu tìnhném giấy vào mặt khi xuất hiện tại cơ quan công tố để điều tra

Theo tạp chí Forbes, các chaebol trụ vững đến nay đều là những tập đoàn có khả năng khai thác đáng kể năng lượng, sự khéo léo và tiềm lực của người dân và có ảnh hưởng trên thế giới. Nhờ các chaebol hợp lực thành một nền tảng vững chắc, Hàn Quốc đủ sức vượt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tính đến năm 2014, bốn tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc (Samsung, Hyundai Motor, SK và LG) tạo ra lợi nhuận chiếm 42,842 nghìn tỉ won (tương đương 90%) trong tổng lợi nhuận ròng 47,527 nghìn tỉ của 30 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, trừ các doanh nghiệp tài chính.

Chính phủ rụt rè cải cách

Tuy nhiên đến nay, các tập đoàn này đối mặt hàng loạt chỉ trích từ trong và ngoài nước như hoạt động kinh doanh thiếu công bằng, tham nhũng, thiếu quản lý, lối suy nghĩ bảo thủ đàn áp doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nếu như ở thời kỳ trước, những người dân bình thường như ông Eom Ha-young, 66 tuổi rất tôn trọng các chaebol thì “nay mọi thứ đã khác”. Ông Eom làm việc cho một công ty sản xuất nhỏ bạn hàng cho một chaebol chia sẻ, các công ty lớn thường xuyên chậm trả tiền, từ chối vận chuyển hàng một cách độc đoán và sử dụng ưu thế chiếm hữu thị trường để vùi dập các công ty nhỏ. Theo ông Eom, bộ phận lớn dân thường bức xúc trước sự lộng hành và ảnh hưởng của các chaebol đối với xã hội Hàn Quốc. Không chỉ vậy, họ còn bức xúc vì sự kiêu ngạo của các “cậu ấm, cô chiêu” được nghiễm nhiên nắm quyền kiểm soát công ty từ thế hệ ông cha truyền lại.

Nhiều người e ngại, dù kết quả điều tra Lotte có ra sao, dư luận có bức xúc thế nào, các chaebol vẫn nắm được quyền lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Bởi, thực tế, Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần muốn thay đổi mô hình này trong hàng chục năm nhưng đều thất bại. Chẳng hạn, cựu Tổng thống Kim Young-sam đã nhiều lần đưa ra các rào cản về quy định tài chính hay áp dụng luật chống cạnh tranh đối với chaebol nhưng không tác dụng.

Ngay khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức đầu năm 2013, bà nhanh chóng từ bỏ lời ước hẹn sẽ “dân chủ hóa kinh tế” - tức giải quyết vấn đề tập trung quyền lực vào một số nhóm công ty. Tiếp đó, Chính phủ bà Park thả Chủ tịch Tập đoàn SK - ông Chey Tae-won vào tháng 8/2015 cùng Chủ tịch Tập đoàn CJ Lee Jay-hyun vào tháng 6 vừa rồi dù bị kết tội biển thủ và trốn thuế với lý do đây là việc cần thiết để duy trì ban lãnh đạo của những doanh nghiệp mạnh, là xương sống của nền kinh tế.

Chuyên gia châu Á, Phó chủ tịch điều hành Viện kinh tế quốc tế Peterson tại Washington - Marcus Noland đánh giá: “Các chaebol nhận được lợi ích đặc biệt từ Chính phủ Hàn Quốc; nhưng họ không giống như các thực thể được Chính phủ hỗ trợ ở các nước khác. Họ phải tạo ra kết quả đáng kể để đổi lấy sự nhượng bộ của Chính phủ. Nếu không đạt mục tiêu xuất khẩu, họ cũng bị cắt bỏ”.

Biện pháp được cho là có hiệu quả nhất nhằm kiềm chế quyền lực của nhóm chaebol đó là để họ chịu tác động toàn bộ từ sức mạnh thị trường. Động thái này diễn ra trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã giúp cắt bớt ít nhất 1/3 số lượng chaebol và tạo ra một sân chơi ở mức cao hơn trong vấn đề cạnh tranh. Các chuyên gia đang chờ đợi cách xử lý đối với Hanjin, coi đây là thử nghiệm quan trọng xem Chính phủ đã thực sự sẵn sàng tái cơ cấu mô hình chaebol hay chưa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.