Xã hội

Hát karaoke gây ồn khó xử phạt, vì sao?

29/12/2020, 06:35

Chế tài xử lý hành vi hát karaoke tại gia gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng đã có, rất chi tiết, nhưng chưa thấy hành vi này bị xử phạt.

img

Chế tài xử lý hành vi hát karaoke tại gia gây tiếng ồn đã có, nhưng quá trình xử lý không đơn giản. Ảnh minh họa: Tạ Hải

“Dở khóc, dở cười” vì karaoke tại gia

Ngày 21/11/2020 tại Hà Nội, khó chịu vì hàng xóm hát karaoke gây tiếng ồn, ông Nguyễn Huy Ngọc (61 tuổi, trú xóm Đình, xã Tân Triều, Thanh Trì) đã ném “bom xăng” vào nhà hàng xóm gây cháy lớn. Bản thân ông Ngọc cũng bị bỏng 15%.

Trước đó, ngày 1/5/2019, Công an tỉnh Khánh Hòa tạm giữ Lê Văn Quý (25 tuổi) điều tra về hành vi Giết người. Nguyên nhân của vụ án này được cho bắt nguồn từ việc ông Bùi Nguyễn Phúc Hùng (53 tuổi), hàng xóm của Quý hát karaoke ồn ào giữa đêm. Quý sang nhắc nhở thì bị ông Hùng phản ứng, nên đã về phòng trọ lấy con dao chạy sang đâm ông Hùng tử vong.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, đánh nhau, thậm chí là giết người chỉ vì tiếng ồn của karaoke gia đình. Thực tế, tình trạng người dân bị tra tấn bởi karaoke gia đình khá phổ biến.

Anh Đồng Văn Tú (Bắc Giang) cho biết, nhà anh có trẻ sơ sinh, nhưng cứ đến tối hàng xóm lại hát karaoke với âm lượng lớn, khiến cháu nhỏ không thể ngủ được. Có lần, hai nhà đã cãi nhau về chuyện này và anh Tú đang cố gắng kiềm chế vì sợ nóng tính sẽ xảy ra lớn chuyện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, hiện nay pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke.

Cụ thể, Nghị định 167/2013 quy định hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng.

Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt từ 1 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn.

Cụ thể, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.2 bị phạt cảnh cáo; từ 02 dBA đến dưới 05 dBA bị phạt 1-5 triệu đồng; từ 05 dBA đến dưới 10 dBA bị phạt 5-20 triệu đồng; tiếng ồn trên 40 dBA phạt từ 140 - 160 triệu đồng…

Tuy nhiên, một Phó chủ tịch phường ở Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, quy định là như vậy, nhưng việc xử phạt hành vi gây tiếng ồn tại gia rất khó khăn và hầu như chưa phạt được.

“Việc xác định được mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép để xử lý cũng là một điều không dễ. Cấp quản lý địa phương không có phương tiện kỹ thuật đo tiếng ồn, không thể xác định được chính xác mức độ tiếng ồn là bao nhiêu dBA để xử phạt. Chỉ ghi nhận được âm thanh ồn theo cảm tính thì rất khó có thể ban hành quyết định xử phạt”, vị này cho hay.

Không cần đo tiếng ồn vẫn có thể xử lý?

Trước thực trạng “bó tay” với hành vi gây tiếng ồn tại gia, luật sư Diệp Năng Bình cho cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành có nhưng có phần cứng nhắc, khó áp dụng vào thực tiễn.

Khi phát hiện những hành vi gây “ô nhiễm tiếng ồn”, ảnh hưởng đến bản thân mình, mọi người nên giữ bình tĩnh, trước hết là nhắc nhở, nếu không được thì báo chính quyền địa phương. Người bị “tra tấn” bởi tiếng ồn không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề này, vì chắc chắn không có hiệu quả, đôi khi lại mạng vạ vào chính bản thân mình.
TS. Nguyễn Thị Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và tuyên truyền)


“Nếu chưa xác định được mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng quy định bằng thiết bị chuyên dụng, hợp pháp, có thể căn cứ vào sự trình báo của người bị ảnh hưởng và việc kiểm tra trực quan của người có chức trách để xác định tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép để xử phạt”, luật sư Bình đề xuất.

Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chỉ cần thông qua sự trình báo của người bị ảnh hưởng, tác động và thực tế quan sát của cán bộ giải quyết cùng người làm chứng, nếu đối tượng vi phạm không thừa nhận vẫn đủ cơ sở để xử lý.

“Quy định pháp luật hiện diện nhưng thiếu sự quyết tâm của các cơ quan chức năng nên không xử lý được nạn ô nhiễm tiếng ồn”, luật sư Lực nói.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho biết, ở một số nước, chỉ cần qua trình báo của người dân lân cận về hành vi gây tiếng ồn lớn, cảnh sát khu vực sẽ có mặt và kiểm tra, nếu đúng sự thật sẽ xử phạt ngay.

Chúng ta có thể học hỏi cách làm này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý, giải quyết nạn “ô nhiễm tiếng ồn”.

“Việc bị tiếng ồn nhân tạo tra tấn là nỗi ám ảnh, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ức chế, bức bối, là nguồn cơn dẫn đến một số hành vi tội phạm không đáng có. Nhà chức trách phải vào cuộc để giải quyết tình trạng này một cách quyết liệt, triệt để thông qua việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành nhằm xử lý tối đa sự vi phạm”, bà Hồng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.