Hồ sơ tài liệu

Hạt nhân Iran (kỳ 1): Gậy ông đập lưng ông

05/04/2015, 14:43

Tuy nhiên, có những điều mọi người ít biết về chương trình hạt nhân của Iran.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran
Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran

Ít người biết rằng chính Mỹ là quốc gia đầu tiên cung cấp khả năng hạt nhân ban đầu cho Iran.

Con đường thông thường để chế tạo vũ khí hạt nhân là làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium từ nhiên liệu đã dùng rồi. Theo các nước phương Tây, theo các cách này và nếu không bị ngăn cản, trong vòng một vài năm tới Iran sẽ có thể sản xuất ra vật liệu cho hàng chục quả bom hạt nhân mỗi năm. Tuy nhiên, đơn thuần chỉ có trong tay khả năng không có nghĩa là có chương trình vũ khí hạt nhân. Khả năng như thế là cần thiết, song không đủ để sản xuất loại vũ khí ghê gớm này.

Iran có kinh nghiệm đầu tiên liên quan đến công nghệ tái chế vào cuối thập kỷ 1960. Thời gian đó, các nhà khoa học Iran đã lắp ráp một cơ sở có quy mô phòng thí nghiệm tại Amirahad, bây giờ là Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Tehran (TNRC), và xúc tiến các cuộc thử nghiệm mang tính khởi động có sử dụng nước thường. Trung tâm Nghiên cứu được thiết lập tại Đại học Tổng hợp Tehran năm 1968 để tiến hành các cuộc thử nghiệm và để vận hành lò phản ứng Tajoura 5MW, lò này do chính Mỹ cung cấp năm 1967 (Mỹ đồng thời cung cấp cho Iran các xà lim nóng và huấn luyện cách sử dụng).

Sang thập kỷ 1970, các nhà khoa học làm việc tại TNRC đã theo đuổi quá trình Purex thử nghiệm với hoá chất, với hệ thống và thiết bị gắn liền với nó. Đó là việc nghiên cứu sử dụng chất phosphate trinbutyl (TBP) như một dung dịch để chiết xuất cerium III. Đó là việc nghiên cứu hàm lượng uranium và độ acid tự do trong việc chuyển hoá uranium từ dạng mới sang hữu cơ và ngược lại, có sử dụng máy trộn/máy lắng kiểu bơm-trộn với khả năng tinh lọc 2kg uranium mỗi ngày cho hệ thống TBP/dodecane-uranyl nitrate-nitric acid 30%. Kiến thức và kinh nghiệm về các hệ thống máy trộn/máy lắng có thể giúp sản xuất các bộ phận cấu thành chủ chốt của nhà máy tái chế tương lai.

Cuối những năm 1990, các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Anirkabin và Phòng Thí nghiệm nghiên cứu Jaber Ibn Hayan (JHL) đã tách thành công Iodine 131 (I-131) từ hỗn hợp sản phẩm phân hạch uranium tự nhiên, bằng cách hấp thụ I-131 trong chất hấp thụ than hoạt tính platinum đặc biệt và xoá hấp thụ bằng dung dịch đệm. Nhờ phương pháp này mà thu được sự tinh khiết cao về hoá chất và hoá chất phóng xạ. Các chỉ số quan trọng như nhiệt độ, tỷ lệ chưng cất, tỷ lệ hấp thụ và xoá hấp thụ và hiệu suất tách I-131 đã được khảo sát.

Năm 2002, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Amin Kabir đã sản xuất được Molybdenum 99 (Mo-99), là một chất đồng vị “chủ lực” được dùng trong y học hạt nhân. Kết quả này cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển và điều hành một cơ sở thiết bị tái chế.

Tháng 10/2003, Tehran thông báo các nhà khoa học của họ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm về kỹ thuật tách plutonium. Các nhà khoa học đã chiếu xạ tổng cộng 7kg thanh uranium thiên nhiên (UO2). Trong số 7kg UO2 đó, 3kg được xử lý để tách ra một lượng nhỏ plutonium. Lượng plutonium được tách ra này được cất giấu trong 3 hòm gắn kín. Theo các quan chức Iran, cuộc thử nghiệm được tiến hành để "học hỏi" về chu kỳ năng lượng hạt nhân và để "rút kinh nghiệm" trong quy trình tái xử lí hoá học.

Quyền của mọi quốc gia?

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có khả năng tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã dùng rồi để thu hồi plutonium, tuy nhiên, để đạt tới một chương trình vũ khí hạt nhân, Iran cần ít ra là một hoặc nhiều lò phản ứng nghiên cứu để tạo ra plutonium. Thêm nữa, họ cần một cơ sở tái xử lý để có thể giải quyết nhiên liệu đã tiêu thụ do một lò phản ứng sinh ra. Các kỹ thuật viên của Iran đã có các kỹ năng liên quan đến việc tái xử lý, song cơ sở tái xử lý thì chưa.

Iran hiện sở hữu hai lò phản ứng hạt nhân có khả năng sản ra plutonium. Trong đó, lò nghiên cứu nước nhẹ TRR có công suất vận hành nhiệt là 5MW, có thể sản sinh 600 gam plutonium hàng năm. Lò thứ hai, nhỏ hơn, do Trung Quốc cung cấp là lò phản ứng nguồn neutron siêu nhỏ 30 KW, loại này chỉ có thể sản xuất những lượng plutonium tí xíu. Cả 2 lò phản ứng đều nằm dưới sự bảo hộ của IAEA.

Trong nhiều năm, Iran đã có ý định mua sắm hoặc thậm chí lắp ráp nhiều lò phản ứng phát điện và nghiên cứu từ một vài nguồn cung cấp khác nhau. Tuy nhiên, sức ép của Mỹ đã ngăn cản phần lớn các nước xúc tiến các thoả ước với Iran. Do vậy, Iran đã quyết định lắp ráp một lò phản ứng không phụ thuộc vào sự giúp đỡ bên ngoài.

Tháng 7/2003, Iran thừa nhận đang xúc tiến một thiết kế bản địa cho một lò phản ứng nghiên cứu nước nặng 40 KW, đặt tại Arak. Cũng ở Arak, Iran đã bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất nước nặng, dùng làm nguội và làm chậm phản ứng hạt nhân cần thiết cho lò phản ứng nghiên cứu IR-40 mới. Khi lò phản ứng này hoạt động hết công suất, nó sẽ có khả năng sản xuất 8 đến 10 kg plutonium hằng năm, đủ cho 1 hoặc 2 quả bom.

Vì IR-40 có công suất gần gấp rưỡi công suất của lò phản ứng 5 Mwe (hoặc 25 MW), là loại đã sản sinh plutonium cho Triều Tiên, lò phản ứng của Iran có thể sản ra gấp rưỡi lần số nhiên liệu đã tiêu dùng. Iran cần một nhà máy tái xử lý có cùng kích thước hoặc lớn hơn một chút so với cơ sở tái xử lý của Triều Tiên, nếu họ muốn đạt khả năng tái xử lý nhiên liệu đã sử dụng nhanh chóng như Triều Tiên đang làm.

Lò phản ứng Bushehr đã hoàn thành vào với sự giúp đỡ của Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ chỉ chuyển giao nhiên liệu mới cho Iran nếu Iran chuyển trả tất cả nhiên liệu đã dùng rồi cho Nga. Lò phản ứng nước nhẹ này có công suất điện là 1000 MW và dung lượng nhiệt điện khoảng 3000 MW. Nếu hoạt động 9 tháng trong một năm, nó có thể sản ra ít nhất 200 kg hàng năm.

Như vậy, trong 4 thập kỷ qua, Iran đã đào tạo, huấn luyện được một đội ngũ các nhà khoa học và kỹ thuật hạt nhân, họ đã đạt được các kỹ năng cần thiết để tái xử lý. Iran khẳng định rằng, tất cả chỉ nhằm phục vụ phát triển nền kinh tế của họ - một việc mà bất kì quốc gia có chủ quyền nào đều có thể làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.