Xem - ăn - chơi

Hát Xoan trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cấp đại diện

08/12/2017, 12:01

Sau nhiều nỗ lực bảo tồn, Hát Xoan từ cấp Di sản cần bảo vệ khẩn cấp đã chuyển sang cấp đại diện.

hat-xoan

Hát Xoan trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cấp đại diện

Sáng 8/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã tiếp tục kỳ họp Uỷ ban liên chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 12 tại đảo Jeju, Hàn Quốc. Vào lúc 8h52 phút giờ Việt Nam, Hát Xoan Phú Thọ được nhất trí đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đây, Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Sau 6 năm, quá trình bảo tồn, phát huy di sản của Phú Thọ đã được Uỷ ban liên chính phủ công ước UNESCO 2003 đánh giá cao. Hát Xoan trở thành trường hợp đầu tiên được chuyển từ danh sách di sản văn hoá cần bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh tại danh sách di sản văn hoá đại diện của nhân loại. 

Nguyên nhân của việc này được lý giải theo Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003. Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại. Ví dụ, năm 2009 bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi. Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan. Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh.

Như vậy, chưa đầy 1 ngày sau Bài Chòi Trung Bộ, Việt Nam đón nhận thêm một loại hình nghệ thuật được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cấp đại diện. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, cho thấy những kế hoạch hành động của các cá nhân, tổ chức và chính phủ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ di sản văn hoá thực sự có hiệu quả. Qua đó góp phần bảo tồn, duy trì, phát triển và quảng bá những giá trị văn hoá đặc sắc của Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.