Thị trường

Hậu "cơn sốt" đầu tư điện tái tạo - Bài 1: Nhiều bài học đắt giá

27/03/2023, 11:37

Sau cuộc đua điện gió, mặt trời, nhiều nhà đầu tư “bước hụt”, không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Giờ đây, họ đang xót ruột từng ngày.

LTS: Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050 theo hướng "xanh, sạch". Vấn đề đặt ra là, giải quyết thực trạng phát triển điện tái tạo (điện gió, mặt trời) hiện nay ra sao để thu hút đầu tư vào ngành điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?

Bài 1: Nhiều bài học đắt giá

Bài 2: Hậu "cơn sốt" điện tái tạo: Làm gì để tránh lãng phí hơn 2.000MW?

Bài 3: Hậu "cơn sốt" điện tái tạo: Bàn giải pháp khả thi, lâu dài

Sự phát triển “nóng” của điện tái tạo đã gây ra nhiều thách thức, trước hết là gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện lực quốc gia. Trong khi đó, vấn đề đặt ra là Bộ Công thương lại không tính ngay từ sớm đến việc sẽ có những dự án không kịp tiến độ, cơ chế cho dự án kiểu ấy sẽ thế nào, mà lại để các nhà đầu tư điện mặt trời đợi đến hơn 2 năm, điện gió đợi đến hơn 1 năm mới có chính sách cho dự án dở dang...

Gấp 20 lần quy hoạch

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một nhà đầu tư điện tái tạo (điện gió, mặt trời) bày tỏ tâm trạng xót xa khi điện sản xuất ra không được mua hết. “Thực tế vận hành hiện nay chúng tôi bị cắt giảm nhiều, có tháng bị cắt giảm 30% công suất. Bình quân 1 năm bị cắt giảm không dưới 10% do nhiều lý do”, ông buồn rầu nói.

Tại hội nghị của EVN ít ngày trước, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group không giấu nỗi lo lắng trước cảnh chục nghìn tỷ đồng nằm phơi mưa nắng. "Nếu trực tiếp chứng kiến cánh đồng điện gió mênh mông, mỗi tuabin gió đầu tư 150 tỷ đồng đứng yên hơn 1 năm qua thì thấy vô cùng xót xa", bà Bình thốt lời.

Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều nhà đầu tư điện tái tạo khác.

img

Mỗi dự án điện gió phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng

Thực tế, từ khi có chính sách khuyến khích (2.086 đồng/kWh cho điện mặt trời, 1.900 đồng với điện gió), giai đoạn 2017-2021 điện mặt trời và điện gió đã phát triển bùng nổ.

Tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ là 850MW. Nhưng tính đến 1/1/2021 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời - tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã lên tới 16.500MW, gấp gần 20 lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Riêng dự án điện mặt trời nối lưới vào vận hành đã cao gấp hơn 10 lần quy hoạch VII điều chỉnh và vượt cả công suất mà quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến cho năm 2030 (12.000MW).

Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13.

Song, điện mặt trời mái nhà lại có mức giá lên tới 8,38 cent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh, kéo theo làn sóng làm điện mặt trời mái nhà, trong đó không ít dự án “núp bóng” làm nông nghiệp. Báo Giao thông cũng đã có 2 loạt bài phản ánh thực trạng này, là "Điện mặt trời vỏ bọc trang trại" và "Ký khống mua điện giá cao, "rút ruột" Nhà nước" nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

img

Loạt bài điều tra của Báo Giao thông ghi nhận nhiều hình thức "lách" chính sách để ồ ạt đầu tư các dự án điện mặt trời ở các tỉnh dưới vỏ bọc xin đất làm trang trại

img

Còn loạt bài điều tra "Ký khống mua điện giá cao, "rút ruột" Nhà nước" chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác nghiệm thu dự án điện mặt trời mái nhà "núp bóng" trang trại

Số liệu của EVN cho thấy: Tổng sản lượng điện mặt trời mái nhà cũng tăng chóng mặt, từ chỗ năm 2019 chỉ có 129 triệu kWh, đến năm 2020 đã tăng lên 1,2 tỷ kWh, năm 2021 là hơn 11,3 tỷ kWh.

Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương 1.928 đồng/kWh theo tỷ giá thời điểm 2018.

Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió đã đạt 4.126 MW, gấp 5 lần quy hoạch VII điều chỉnh (800MW).

Sau cuộc đua điện mặt trời, điện gió, nhiều nhà đầu tư “bước hụt”, không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Giờ đây, họ đang từng ngày "ngồi trên lửa".

36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Vì nhiều lý do, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch.

Đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động (theo thông tin cập nhật đến tháng 3/2023).

img

"Cơn sốt" điện mặt trời rộ lên từ cuối năm 2020

Bài học cho sự lãng phí

“Chúng ta đã có bài học đắt giá về quy hoạch và phát triển điện mặt trời”, TS. Lê Hải Hưng (Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá thẳng thắn tại hội thảo của Đoàn giám sát Quốc hội về quy hoạch năng lượng, hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Sự phát triển “nóng” của điện mặt trời đã gây ra nhiều thách thức, trước hết là gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện lực quốc gia. Kết quả nhãn tiền là ngay trong năm 2020-2021, rất nhiều nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành song vẫn chưa được phát điện vào lưới, hoặc chỉ được phát một phần vì lưới điện quá tải. Sự lãng phí là thấy rõ!.

Một “gót chân asin” khác của điện mặt trời là hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ cần có cơn mưa, hoặc thậm chí một đám mây đi qua, là có thể dập tắt nhà máy. Con người đã chế ngự, đã điều khiển được phản ứng hạt nhân nhưng không bao giờ điều khiển được nhà máy điện mặt trời.

Chính vì vậy, điện mặt trời không thể được coi là nguồn năng lượng tin cậy, chủ động cho sản xuất. Chế độ phát không liên tục của điện mặt trời cũng gây ra kịch bản xấu cho hệ thống tải. Theo quan điểm của vị chuyên gia này, nhà nước không thể và cũng không nên bỏ ra nhiều kinh phí để xây lắp hệ thống truyền tải lớn hơn chỉ để tiếp nhận hết được công suất lớn đột biến của điện mặt trời.

Trách cả đôi bên

Từ khi giá FIT cho điện mặt trời hết hạn, đã loáng thoáng những tiếng kêu cứu của một số nhà đầu tư điện mặt trời chậm chân, không kịp vận hành thương mại.

Đến khi giá FIT cho điện gió hết hạn, nhiều nhà đầu tư lao vào cơn sốt cũng lại lâm cảnh tương tự vì không kịp COD.

Nhưng các nhà đầu tư cũng phải xem lại mình. Giá FIT đều có thời hạn được nêu rõ trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá FIT1 cho điện mặt trời hết hạn vào 30/6/2019. FIT2 hết hạn vào tháng 30/12/2020. FIT cho điện gió hết hạn vào 31/10/2021.

Các nhà đầu tư đáng ra phải cân đối nguồn lực, kinh nghiệm, khả năng dự báo tình hình… để có quyết định đầu tư tiếp hay dừng. Nhưng nhiều nhà đầu tư dù đến gần hạn chót, vẫn cố đầu tư để rồi ngậm trái đắng. Họ lao vào “ván bài may rủi” rằng sẽ kịp tiến độ, hoặc nếu chậm thì “Nhà nước sẽ phải có chính sách giải cứu”.

img

Nhiều nhà đầu tư điện gió phải vay vốn đến 70%. Việc chờ chính sách khiến kế hoạch tài chính đổ bể, doanh nghiệp cũng lao đao...

Đó là chưa kể nguồn vốn lại dựa phần lớn vào ngân hàng, trong khi giá thiết bị, xây lắp càng gần hạn chót càng tăng cao, khiến chi phí tăng lên đáng kể. Cho nên giờ đây, họ mới thấy rằng khung giá trần cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp được Bộ Công thương ban hành là rất thấp so với mức giá họ bỏ ra đầu tư thời điểm ấy.

Thực sự, Bộ Công thương hay EVN khó có thể đề xuất một mức giá cao hơn được, bởi họ sẽ phải giải trình ra sao nếu cơ quan thanh tra, giám sát vào cuộc. Ngay cả mức giá 2.086 đồng/kWh với điện mặt trời, hơn 1.900 đồng/kWh với điện gió được hưởng trong vòng 20 năm cũng đang bị đặt dấu hỏi về sự hợp lý. Vậy nên các nhà đầu tư mới lo sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.

Không ít nhà đầu tư cùng một lúc triển khai tới 5-6 dự án nghìn tỷ dù trước đó chưa hề có kinh nghiệm gì. Hệ quả là đến giờ nhiều nhà đầu tư có tới 3-4 dự án không kịp vận hành hưởng giá ưu đãi. Việc ôm đồm hàng loạt dự án nghìn tỷ khiến giờ đây, kế hoạch tài chính đổ bể, doanh nghiệp cũng lao đao, cắt giảm lương, nhân sự.

Nhìn số liệu được chính các nhà đầu tư đề cập trong đơn là thấy nhà đầu tư đã đánh cược vào năng lượng tái tạo. Tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng có tổng vốn đầu tư ước tính gần 85 ngàn tỷ đồng, thì số tiền vay ngân hàng lên đến khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 70% nguồn vốn.

Còn trách nhiệm của Bộ Công thương? Cơ quan tham mưu chính sách, bổ sung quy hoạch điện tái tạo cũng phải rút ra nhiều bài học.

Vì sao lại bổ sung quy hoạch dồn dập đến vậy, lại chỉ tập trung ở một số tỉnh thành? Những tính toán liên quan đến đường dây truyền tải, phân phối đã được tính kỹ lưỡng hay chưa?.

Bản thân EVN trước cơn sốt của điện mặt trời cũng từng nhiều lần kiến nghị không khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá mà phải đi liền với lưới truyền tải và phân phối cũng như khả năng chi trả của người dân. Ý kiến ấy đã được Bộ lắng nghe, tiếp thu đến đâu? Tại sao biết thời điểm giá FIT hết hạn, Bộ lại không tính ngay từ sớm đến việc sẽ có những dự án không kịp tiến độ, cơ chế cho dự án kiểu ấy sẽ thế nào, mà lại để các nhà đầu tư điện mặt trời đợi đến hơn 2 năm, điện gió đợi đến hơn 1 năm mới có chính sách cho dự án dở dang.

Những câu hỏi này Bộ Công thương chắc hẳn phải giải trình khi Đoàn giám sát của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đều đang vào cuộc.

Lúc này, cả Bộ Công thương và nhà đầu tư sẽ rút ra nhiều bài học khi rót tiền vào điện tái tạo thời gian tới. Rút ra các bài học sẽ là cách để không tiếp tục lâm cảnh “của đau con xót” như bây giờ.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.