Làm báo cùng Giao thông

Hậu Formosa, dân biển miền Trung đau đáu nỗi lo sinh kế...

16/07/2016, 06:13

Một lãnh đạo huyện nhìn tôi đăm chiêu rồi nói, dân ven biển xã nào cũng khổ cả chú ạ.

13

Trang trại lợn của anh Giáp chỉ cách bãi biển có 300m

1. Gần 3 tháng sau những ngày cá chết trên biển miền Trung, tôi khoác ba lô về lại Vĩnh Linh (Quảng Trị), một lãnh đạo huyện nhìn tôi đăm chiêu rồi nói, dân ven biển xã nào cũng khổ cả chú ạ. Nhưng Vĩnh Thái giờ khổ nhất huyện mình.

Ở Vĩnh Thái, xã bãi ngang, có đánh bắt thì xa nhất chỉ ra tới 7 hải lý. Chính ở vùng biển đang bị hạn chế đánh bắt này, người dân đã lục tục đi biển trở lại. Cá, mực không bán được thì ăn. Nhưng chỉ người lớn, người già mới ăn, còn trẻ con thì… cấm! Có lẽ chưa bao giờ người dân xứ biển lại thèm con cá nước mặn đến thế.

Ngồi đối diện tôi, bà Niệm 62 tuổi kể, mình già rồi, ăn vào chết mình chịu, nhưng mấy đứa trẻ thấy người lớn ăn đĩa cá biển chúng cũng thèm, tội lắm.

2. Chiều qua, chạy xe máy trên đường ven biển qua thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái), tôi bất ngờ thấy một trang trại cách bãi biển có 300m lại nuôi… lợn rừng. Chủ trại tên Giáp, 30 tuổi giải thích: “Giờ không trông được vào con cá ngoài khơi thì phải tự thân vận động thôi”.

Giáp cho biết, khu đất này mượn của nhà người quen. Bên trong nuôi nào là lợn rừng, dê, gà lôi, ngan, ngỗng... “Tôi mới dọn ra chỗ này hôm tháng 5. Bây giờ thấy cái gì nuôi thứ đó”. Tôi hỏi Giáp có kinh nghiệm gì không? Giáp nói, lợn rừng mua 24 con giống ở ngoài huyện, cho ăn chuối và bèo. Dê nuôi hơn một năm rồi mới chuyển ra đây. Ban đầu 40 con nhưng bán dần giờ còn 27 con. Nói chung cũng gỡ được nửa vốn rồi. Còn gà lôi, mua về hơn một tháng đã lên được 6 lạng. Chắc ổn! Vẫn cái giọng gằn lên chém gió, nói từng câu ngắn, cụt lủn như những ngày đi biển, người “nông dân mới” thật thà: “Cứ nuôi mới rút kinh nghiệm được chứ”.

Tôi đang nói chuyện với Giáp thì vợ anh chen vào: “Anh nhà em mới cấn (đặt) chiếc xe máy của em để mua thức ăn đó anh…”. Giáp cười khì bảo: “Nhiều lần rồi anh à! Lắm thứ lo lắm, nào là vốn, thức ăn, đầu ra của đám lợn dê ngoài kia…”.

Cách nhà “chủ trại” chăn nuôi Giáp hơn trăm mét là chòi vịt mới dựng của  anh Ngô Thế Thành, 35 tuổi. Anh Thành cũng như bao phận ngư dân “thất nghiệp” khác đang xoay xở lo nguồn sinh kế mới.

Anh kể, khu đất có hồ nước này trước đây của nhà máy khai thác titan, từ đầu tháng 5, tôi dựng tạm 2 cái “chòi dã chiến”, cột bằng ống nhựa và bạt để che nắng, che mưa.

“Ban đầu nuôi 500 con vịt, sau hai tháng lãi gần 10 triệu đồng. Ngoài kia là 700 con vịt lứa sau”, Thành khoe. Tôi hỏi sao anh không làm kiên cố để ổn định lâu dài? Ông chủ trại bất đắc dĩ nói: “Nuôi thử chứ không dám làm lớn. Lỡ nó dịch bệnh hay bị gì đó thì mình cụt vốn…”.

3. Lang thang trọn ngày dọc biển, tôi gặp ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch xã Vĩnh Thái. Ông Thanh buồn buồn kể ngư dân của xã nhiều người đã ra Bắc, vào Nam, rời biển đi làm ăn xa.

Ông chủ tịch xã nghèo cho biết: “Thực hiện chủ trương từ trên, xã đang tìm cách vực dậy kinh tế cho bà con sau vụ cá chết, biển nhiễm độc. Nhưng các chính sách như đăng ký vay vốn để đóng tàu trung bờ, xa bờ cũng khó vì xã bãi ngang lại không có nơi neo đậu. Nếu có đóng thì cũng phải neo đậu ở bến Cửa Tùng (Vĩnh Linh), Cửa Việt (Gio Linh).

Vĩnh Thái nằm ngay bờ biển, có nhiều đồi cát trắng bao bọc nên quỹ đất nông nghiệp rất ít. Ông Thanh nói, xã khuyến khích người dân trồng cây ngắn ngày như: Hạt ném, khoai môn, lạc để bà con có thu nhập thêm. Rồi động viên bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn gà, ngan, ngỗng, bò. Ở một số vùng có thể nuôi cá nước ngọt.

Bà con chưa có nhiều kinh nghiệm nên vừa làm vừa lo, tôi mong cán bộ nông nghiệp của địa phương sẽ giúp cho ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Thanh mong mỏi.

Dõi theo ánh nhìn của ông chủ tịch xã, tôi chỉ thấy biển. Biển xanh ngắt nhưng quạnh quẽ, vắng người, vắng thuyền. Nhưng người dân không chịu chôn chân, họ đang tiếp tục bỏ những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại để xoay xở chăn nuôi, trồng trọt. Cần lắm những tư vấn, định hướng cho ngư dân đang tập tành làm nông dân lúc này. Bởi ngay cả việc đối phó thế nào với chất thải từ những trang trại chăn nuôi mới được lập lên ngay sát biển kia họ cũng không hề biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.