Giáo dục

Hậu quả của việc cha mẹ hay so sánh con mình với con nhà người ta

02/07/2022, 01:00

Phương pháp dạy con phản khoa học này vẫn được nhiều cha mẹ hiện nay áp dụng khiến cho con cái ngày càng chán nản.

Trên thực tế có nhiều cha mẹ thường xuyên chỉ trích, coi thường, hiếm khi khẳng định và khen ngợi con mình. Họ thích so sánh con mình với con nhà người ta trong mọi vấn đề từ tính cách, điểm số cho tới mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Đây là cách giáo dục mà họ cho rằng, nếu khen ngợi sẽ chỉ khiến trẻ trở nên tự mãn, tốt nhất là phê bình mới khiến trẻ tiến bộ hơn.

Có lẽ phần lớn chúng ta đều ít nhiều trừng trải qua cảm giác bị cha mẹ so sánh mình với người khác khi còn nhỏ, đó thực sự là một cảm xúc rất tệ hại.

Tại sao nhiều bậc cha mẹ cứ thích so sánh con mình với con nhà người ta?

- Muốn tạo động lực cho con cái biết cố gắng

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình chăm ngoan, học giỏi, sau này thành công, được nhiều người ngưỡng mộ. Vì thế, họ không muốn chấp nhận con mình bình thường, luôn hi vọng con có thể chăm chỉ và tiến bộ mỗi ngày.

Tuy nhiên, thay vì động viên con cái cố gắng, họ lại dùng một cách khác là so sánh điểm số hoặc những thiếu sót của con mình với con nhà người ta.

Họ tưởng rằng, khi trẻ thấy được sự khác biệt này sẽ nhìn vào đó mà cố gắng, nhưng thực tế điều này chỉ khiến trẻ chán ghét cha mẹ mình hơn.

img

- Tự ti vì bản thân thua kém người khác

Việc so sánh con mình với con nhà người ta cũng cho thấy cha mẹ có tâm lý tự ti khi bản thân mình thua kém những bậc cha mẹ khác. Họ có lòng tự trọng thấp, không hài lòng cuộc sống hiện tại nên cố gắng áp đặt và kỳ vọng con mình hơn con nhà người khác.

Hậu quả của việc cha mẹ hay so sánh con mình với con nhà người ta

Việc thường xuyên so sánh kiểu này sẽ khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề dưới đây.

img

- Trở nên tự ti, nghĩ mình thực sự kém cỏi trong mọi việc

Bất kể trẻ muốn làm gì cha mẹ cũng đều nói rằng “con không thể”. Khi trẻ cố gắng chạy về phía trước, cha mẹ thản nhiên phủ nhận mọi cố gắng của trẻ “con có làm gì đi nữa cũng thua người khác”.

Theo thời gian, trẻ sẽ chẳng còn muốn cố gắng nữa, lười biếng, phó mặc mọi thứ và không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với cha mẹ, bởi chúng tự ngẫm rằng câu trả lời luôn là “con không thể”.

Việc cha mẹ phớt lờ sự cố gắng của trẻ và mù quáng so sánh với con nhà người ta sẽ khiến trẻ không phát huy được tiềm năng bản thân. Trẻ luôn nghĩ mình thua kém người khác, mất tự tin và dần trở thành một người tầm thường.

- Không có cảm giác an toàn

Đối với trẻ, việc điểm số cao hay món đồ chơi đẹp không khiến chúng háo hức bằng sự khẳng định và đồng hành của cha mẹ.

Một đứa trẻ rất cần cảm giác an toàn và tình yêu thương của cha mẹ. Vì thế, khi cha mẹ từ chối những nhu cầu này của con cái, chúng sẽ dần thu mình và sợ hãi mọi thứ.

Cha mẹ có thói quen coi thường con cái sẽ khiến trẻ nghi ngờ năng lực bản thân, dần dần thu mình, tự kỷ, trầm cảm, điều này ảnh hưởng tới các kỹ năng xã hội của trẻ.

Dù là người lớn hay trẻ con cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng. Cha mẹ tốt sẽ thấy mặt tốt của con mình, cha mẹ độc hại chỉ nhìn thấy mặt xấu của con mình. Vì thế, cha mẹ cần có cách dạy dỗ con cái đúng đắn thì tương lai của trẻ mới tươi sáng được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.