Chuyện dọc đường

Hậu quả từ quy hoạch kiểu nhồi nhét

11/04/2018, 10:06

“Hà Nội: Kỳ cục 1km đường rộng 6m mọc hơn 20 cao ốc” đã nhận sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

12

Chung cư mọc san sát trên đường Nguyễn Tuân gây áp lực lớn cho giao thông - Ảnh: Tạ Tôn

Có những khu vực đã có quy hoạch nhưng cơ quan chức năng sẵn sàng sửa, thay đổi quy hoạch mà không tính tới những hệ lụy có hại cho lợi ích chung. Lãnh đạo TP Hà Nội tại một cuộc họp từng thẳng thắn cho rằng, chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội.

Sau khi Báo Giao thông đăng bài: “Hà Nội: Kỳ cục 1km đường rộng 6m mọc hơn 20 cao ốc” đã nhận sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người dân và bạn đọc chia sẻ, trước đây chỉ vì nghe các chủ đầu tư quảng cáo trên tuyến đường Nguyễn Tuân được quy hoạch dự án mở rộng đường với quy mô hàng trăm tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2018 nên mới mua nhà tại đây với giá cao. Nay dự án mở rộng đường chưa thấy đâu, nhưng ngày nào cũng phải chịu cảnh ùn tắc và khói bụi rất khổ sở.

Theo các chuyên gia, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng được ví như “cây gậy” vạn năng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định, phát triển. Nhưng đáng buồn, đây lại là khâu bộc lộ rất nhiều yếu kém, nếu không muốn nói là tiêu cực. Tình trạng quy hoạch theo kiểu nhồi nhét, “điền vào chỗ trống” diễn ra rất phổ biến.

Không riêng gì khu vực đường Nguyễn Tuân, tình trạng quy hoạch bị “băm nát” diễn ra nhan nhản trên địa bàn Thủ đô. Bất kỳ một khu đất vàng nào còn trống, hay một tuyến đường nào sắp mở,... người ta đã xếp hàng dài nộp đơn xin xây các khu chung cư, cao ốc chọc trời, bất chấp hạ tầng giao thông có đáp ứng được hay không. Đáng lưu ý, có những khu vực đã có quy hoạch nhưng cơ quan chức năng sẵn sàng sửa, thay đổi quy hoạch mà không tính tới những hệ lụy có hại cho lợi ích chung.

Tuyến đường 70 khu vực Hà Đông, Thanh Trì trước đây được quy hoạch là hành lang cây xanh, thoát lũ, nhưng sau đó vẫn có hàng loạt tòa chung cư mọc lên là ví dụ điển hình. Khu đô thị Đại Thanh và hàng loạt tòa nhà khác không đầu tư thêm hạ tầng, đấu nối trực tiếp vào đường 70 rất hẹp, biến cả khu vực này thành điểm đen ùn tắc nghiêm trọng nhất của Thủ đô. Tương tự, khu đô thị ở bán đảo Linh Đàm ban đầu quy hoạch là đô thị kiểu mẫu, từng được giải thưởng quốc gia về thiết kế, nhưng gần đây trở nên lộn xộn, quá tải nghiêm trọng do được xây nhà giá rẻ vô tội vạ. Đường Lê Văn Lương kéo dài, khi mới xây dựng với mục đích san sẻ gánh nặng ùn tắc cho đường Nguyễn Trãi ở phía Tây Hà Nội. Nhưng chỉ sau vài năm, với việc mọc lên hàng chục khu đô thị, chung cư cao tầng khiến tuyến đường này còn ùn tắc hơn cả đường Nguyễn Trãi.

Lãnh đạo TP Hà Nội tại một cuộc họp từng thẳng thắn cho rằng, chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Một khu đất 5-7ha cũng băm ra cho 2-3 chủ đầu tư. “Không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng làm quy hoạch theo kiểu đấy không bao giờ tốt được”, lãnh đạo TP Hà Nội nói.

Thực tế cho thấy, khi những tòa nhà cao ốc được mọc lên nhan nhản thì Nhà nước có thể thu được chút tiền thuế trước mắt nhưng với kiểu quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị không gắn với việc tổ chức về giao thông đô thị thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng lan rộng và để khắc phục nó, Nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần số tiền đã thu được.

Bởi thế, cần sớm luật hóa quy định phải đánh giá tác động giao thông khi quyết định xây dựng một tòa nhà cao ốc hay khu đô thị tại các thành phố lớn giống như đánh giá về tác động môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.