Thế giới giao thông

Hậu sự cố ở kênh đào Suez, số phận tàu Ever Given ra sao?

17/05/2021, 06:25

Cuối tuần qua, chính quyền Ai Cập đã thông báo giảm bớt số tiền yêu cầu bồi thường đối với công ty bảo hiểm về mức khoảng 600 triệu USD.

img

Siêu tàu Ever Given (được bên thuê tàu đặt lại là EverGreen) cùng số hàng cao ngất và 25 thành viên thủy thủ đoàn vẫn bị tạm giữ tại kênh đào Suez

Hơn 1,5 tháng kể từ khi thảm họa siêu tàu container Ever Given mắc cạn (ngày 23/3), chắn ngang kênh đào Suez, hạ tầng kênh đào chuẩn bị có sự thay đổi nhưng tình hình điều tra, giải quyết bồi thường và số phận của con tàu chưa thể phân định.

Nới rộng kênh đào, nâng cấp dịch vụ

Sự cố tàu container Ever Given mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez xảy ra cuối tháng 3 vừa qua, được nhận định là thảm họa tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua, trên tuyến vận tải bận rộn, quan trọng nhất của thế giới. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng các tàu chở hàng trên thế giới ngày càng lớn trong khi hạ tầng vận tải chưa theo kịp.

Do đó, rất nhanh chóng, chỉ sau hơn 50 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc, chính quyền Ai Cập đã quyết định mở rộng hạ tầng kênh đào. Kế hoạch do người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA), Thiếu tướng Osama Rabie công bố tại buổi lễ long trọng được tổ chức vào giữa tuần qua tại thành phố Ismaila. Sự kiện được truyền hình trực tiếp với sự tham gia của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi cùng quan chức hàng đầu của chính phủ.

Theo kế hoạch, SCA sẽ mở rộng đoạn phía Nam của kênh đào lên 40m so với hiện tại là 30m và đào sâu thêm 2,3m. Đồng thời, SCA cũng mở rộng làn đường thứ 2 của đoạn kênh 2 làn vừa đi vào hoạt động từ năm 2015 thêm 10km, nâng tổng chiều dài tại đoạn kênh 2 làn của Suez lên 82km, cho phép đón thêm nhiều tàu hơn.

Trước khi xảy ra vụ tàu Ever Given, Ai Cập cũng thông qua kế hoạch phân bổ 16,9 tỷ USD để đầu tư vào kênh đào trong năm tài khóa 2020 - 2021 thiết lập 4 đường hầm dưới kênh đào.

Sở dĩ chính quyền Ai Cập chú trọng vào phát triển và mở rộng kênh đào này vì đây là nguồn thu nhập quốc gia và ngoại tệ quan trọng. Hơn nữa, Suez còn là huyết mạch chính cho dòng chảy thương mại toàn cầu, chiếm tới 8,3% tổng lưu lượng vận chuyển thương mại toàn cầu, nhất là kết nối vận tải hàng hóa giữa châu Phi, châu Âu và châu Á qua Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Tranh cãi tiền bồi thường

Không nhanh như kế hoạch mở rộng kênh, vấn đề giải quyết bồi thường và tranh cãi pháp lý liên quan tới vụ tàu Ever Given mắc cạn lại rắc rối và phức tạp đúng như dự đoán của các chuyên gia quốc tế sau khi tàu được giải cứu.

Ai Cập đã công bố kết quả điều tra sự việc và khẳng định, SCA cùng hoa tiêu được cử để hướng dẫn tàu Ever Given qua kênh không có lỗi.

Trong khi đó, Công ty UK P&I Club, đơn vị bảo hiểm cho chủ tàu container Ever Given (Công ty Shoei Kisen, Nhật) đã nộp đơn kháng cáo về việc SCA giam giữ tàu, theo hãng tin Đức DW.

UK P&I cũng chủ động đưa ra một đề nghị mà họ khẳng định là “hào phóng” với cơ quan quản lý kênh đào Suez để sớm giải quyết nhanh vấn đề, đồng thời tích cực đàm phán với Ai Cập bên ngoài tòa án.

Đơn vị bảo hiểm này khẳng định, họ bảo vệ công ty Nhật sở hữu tàu Ever Given về cáo buộc gây thiệt hại hạ tầng hoặc làm tắc nghẽn kênh nhưng vấn đề hàng hóa trên tàu cùng hư hại của siêu tàu này do công ty khác phụ trách. Song, đơn kháng cáo của UK P&I Club đã bị tòa án của Ai Cập bác bỏ.

Cuối tuần qua, chính quyền Ai Cập đã thông báo giảm bớt số tiền yêu cầu bồi thường đối với công ty bảo hiểm về mức khoảng 600 triệu USD với mong muốn có thể sớm hòa giải ngoài tòa án. Con số này đã giảm 1/3 so với mức yêu cầu bồi thường ban đầu mà Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) đưa ra là 916 triệu USD cho hơn 6 ngày tàu mắc kẹt.

Nhưng phía bảo hiểm UK P&I Club cho rằng, số tiền bảo hiểm dù đã được điều chỉnh vẫn quá cao. Dự kiến trong ngày 22/5, một tòa án kinh tế tại Ai Cập sẽ tổ chức một phiên tiền thẩm để xem xét yêu cầu đòi bồi thường từ SCA về những thiệt hại sau sự cố tàu Ever Given cũng như chi phí giải cứu. Chỉ khi đơn vị bảo hiểm chấp nhận bồi thường, chính quyền Ai Cập mới thả tàu Ever Given.

Tàu và 25 thuyền viên vẫn bị giam giữ

Về hiện trạng của con tàu cùng thủy thủ đoàn, đại diện chủ tàu cho biết, số phận con tàu hoàn toàn phụ thuộc vào “đấu trường pháp lý” nhưng thừa nhận vấn đề này vô cùng phức tạp.

Người đứng đầu SCA Osama Rabie chỉ trích đơn vị chủ tàu tại Nhật Bản có lỗi nhưng lại không muốn trả đồng nào.

Từ sau khi được giải cứu đến nay, siêu tàu Ever Given vẫn đang bị tạm giữ tại hồ Great Bitter của kênh đào Suez cùng toàn bộ số hàng hóa lớn. Theo một nguồn tin, tòa án địa phương có thể cấp phép cho SCA bán đấu giá tàu nếu chủ tàu từ chối bồi thường.

Đơn vị UK P&I Club cho biết, SCA đã cho phép 2 thuyền viên về nước vì lý do nhân đạo. Hiện, trên tàu vẫn còn 25 thành viên thủy thủ đoàn, tất cả đều đến từ Ấn Độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.