Điện ảnh

Hậu trường đưa sao ngoại về Việt Nam quảng bá phim

01/02/2018, 07:51

Hậu trường việc đưa sao ngoại về Việt Nam quảng bá phim chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”.

26

Diễn viên Jo Han Sun, đạo diễn Park Hee Joon và nhà sản xuất Hạnh Nhân

Nhiều năm gần đây, những bộ phim bom tấn thế giới được trình chiếu tại Việt Nam mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà phát hành. Việc mời những ngôi sao điện ảnh tên tuổi về Việt Nam, giao lưu với khán giả và truyền thông không còn là chuyện hiếm hoi với nhà phát hành. Tuy nhiên, hậu trường của nó thì chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”.

Muôn kiểu mời sao ngoại

Giữa tháng 1 vừa qua, diễn viên Jo Han Sun, đạo diễn Park Hee Joon đã có mặt tại Việt Nam tham gia giao lưu, quảng bá cho bộ phim điện ảnh Em trai tôi là găng tơ. Sự xuất hiện của nam tài tử “Mash” nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả và giới truyền thông. Để đưa được ngôi sao này về Việt Nam tham gia quảng bá phim, đơn vị phát hành phải mất 3 tháng làm việc với phía ngôi sao này.

Nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân cho biết, việc mời Jo Han Sun và đạo diễn Park Hee Joon phải thông qua một công ty trung gian và phải chấp nhận những điều khoản nghiêm ngặt lên tới hàng chục trang A4. Phía Hàn Quốc không bao giờ làm việc trực tiếp mà thường phải qua đơn vị trung gian. Toàn bộ quá trình thỏa thuận, thương thảo, đơn vị ở Việt Nam đều làm qua công ty trung gian này. Chỉ khi hai nghệ sĩ đến Việt Nam, nhà sản xuất Hạnh Nhân mới có cơ hội nói chuyện và trao đổi trực tiếp. “Thậm chí, những ngày cuối trước khi phim ra mắt, tôi cũng tưởng đã bể kế hoạch. Tôi không dám làm truyền thông trước vì muốn chắc chắn. Mình có thể thương thảo được nhưng không biết đến phút cuối sẽ như thế nào. Máy bay tôi đặt rồi nhưng cũng vẫn lo sẽ bị hủy”, nhà sản xuất Hạnh Nhân nhớ lại.

"Muốn nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, mình phải tạo được niềm tin từ lần đầu tiên. Cần phải cố gắng hết sức để họ thấy rằng, mình cũng rất chuyên nghiệp”.

Nhà sản xuất Hạnh Nhân

Xuôi chèo mát mái hơn nhà sản xuất Hạnh Nhân, anh Trần Xuân Phúc, người lên kế hoạch và lịch trình cho nam diễn viên Thái Lan Golf Pichaya Nitipaisalku ở Việt Nam bật mí, đơn vị của anh nhận được sự ngỏ ý của phía nhà sản xuất Thái Lan khi nhập bộ phim Lãnh địa ma. Golf Pichaya từng sang Việt Nam, Thái Lan lại có văn hóa gần với Việt Nam nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn. Phía Golf Pichaya chỉ yêu cầu duyệt trước nội dung chương trình giao lưu, việc sắp xếp ăn ở cho diễn viên ra sao. Đơn vị nhập phim tại Việt Nam phải lên kế hoạch chi tiết để gửi sang.

Đó là đối với những đơn vị nhập phim, còn với những đơn vị hợp tác sản xuất có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Khi bộ phim Em là bà nội của anh ra mắt, nữ diễn viên Shim Eun Kyung, nữ chính trong bản gốc Ngoại già tuổi 20 của Hàn Quốc cũng sang Việt Nam tham gia giao lưu, quảng bá cho phiên bản Việt. Tới đây, với phim điện ảnh Lala: Em yêu anh, dàn diễn viên của phim như: San E, Chae Yeon, Jin Ju Hyung cũng sẽ có mặt tại Việt Nam trong buổi lễ ra mắt phim. Đại diện truyền thông của bộ phim tiết lộ, nhà sản xuất bên Hàn Quốc sẽ phụ trách làm việc và đưa các ngôi sao này về Việt Nam. Phía đơn vị ở Việt Nam chỉ cần tiếp đón, tổ chức mọi việc chu đáo.

Quan trọng là giữ được uy tín

Thực tế, việc các ngôi sao ngoại sang Việt Nam quảng bá cũng là điều dễ hiểu, bởi đó đều là những bộ phim do họ tham gia. Trước đó, đã có nhiều sao ngoại từng đến Việt Nam quảng bá phim như: Cha Tae Hyun, Kim Bum, Marian Rivera, Siddharth Shukla... Theo đại diện CJ Entertainment, vấn đề kinh phí và việc đón tiếp chu đáo để các sao nước ngoài cảm thấy thoải mái và muốn quay trở lại Việt Nam mới là điều khiến các nhà sản xuất, phát hành “đau đầu”.

Khi đưa nam diễn viên Golf Pichaya tới Việt Nam, những quyền lợi của nam diễn viên này đã được nhà sản xuất bên Thái Lan hỗ trợ. Việt Nam chỉ tham gia chi trả vé máy bay, ăn ở, các hoạt động. Ê-kíp của phía Việt Nam đã phải lên kế hoạch liên hệ với các fan club, đón ngôi sao ở sân bay, tổ chức các buổi giao lưu với báo chí và lễ quảng bá chính thức. “Họ chỉ qua Việt Nam một ngày nên yêu cầu cũng đơn giản. Chỗ ở tốt một chút cho diễn viên thoải mái. Ăn uống thì mình sẽ dẫn họ đi ăn. Dĩ nhiên, phía họ sẽ cho mình biết trước diễn viên ăn được những gì, dị ứng cái gì…”, anh Xuân Phúc tiết lộ.

Anh Phúc cũng cho rằng, đa số các đơn vị trong nước khi muốn đưa một ngôi sao nào đó đến Việt Nam đều phải tìm hiểu xem ngôi sao đó có tên tuổi ở Việt Nam hay không, phim đưa ra rạp liệu có ăn khách không, chi phí như thế nào, các yêu cầu của họ ra sao. Phải cân nhắc mọi thứ kỹ càng, nếu thấy có hiệu quả và có lợi thì mới mời. Anh Phúc đánh giá, việc mời sao đến Việt Nam phải đảm bảo 2 yếu tố: Tốt cho phim của mình và phải làm cho nghệ sĩ có cảm giác Việt Nam chào đón họ. Bởi nếu không sau đó, hiếm ngôi sao nào quyết định sẽ đến lần nữa. Bộ phim Lãnh địa ma được tiết lộ có doanh thu khá khả quan, các rạp cũng tăng thêm suất chiếu nhờ hiệu ứng mà Golf Pichaya mang lại.

Ngoài ra, liên quan tới việc ít ngôi sao Hollywood tới Việt Nam quảng bá, anh Phúc chia sẻ, do công tác tổ chức ở Việt Nam hiện nay còn chưa thực sự chuyên nghiệp như nước ngoài. Hơn nữa, kinh phí để mời một ngôi sao hạng A đến Việt Nam rất ít nhà sản xuất phim ở Việt Nam đáp ứng được. Do đó, lựa chọn an toàn là mua phim về và cứ thế công chiếu.

Nhà sản xuất Hạnh Nhân vui mừng cho biết thành công lớn nhất của mình khi mời được Jo Han Sun và đạo diễn Park Hee Joon về Việt Nam lần này là tạo được mối quan hệ tốt. Chị đã đưa ê-kíp đi dạo, ăn uống và nhận thấy Jo Han Sun có ấn tượng khá tốt về đất nước, con người Việt Nam. Chị Hạnh Nhân muốn tạo quan hệ để tiếp tục hợp tác sau này, cũng như muốn điện ảnh Việt thêm phát triển, có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, hợp tác hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.