Điện ảnh

Hậu trường đưa “Thần đồng đất Việt” lên màn ảnh rộng

08/12/2020, 06:13

“Trạng Tí” là bộ phim điện ảnh được đầu tư với kinh phí triệu đô có làm nên chuyện ở phòng vé?

img

Phim "Trạg Tí" lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”

“Trạng Tí” là bộ phim điện ảnh chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” của tác giả Lê Linh và Công ty Phan Thị, được đầu tư với kinh phí triệu đô. Với dàn diễn viên nhí nổi tiếng như: Hữu Khang, Mona Bảo Tiên, Vương Hoàng Long, Đức Anh... cùng đạo diễn danh tiếng Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, liệu “Trạng Tí” có làm nên chuyện ở phòng vé?

Đầu tư kinh phí “khủng”

“Thần đồng đất Việt” được coi là bộ truyện tranh thiếu nhi thuần Việt thành công nhất đến thời điểm này.

Hơn 15 năm qua, tác phẩm đã xuất bản hơn 200 tập. Với nét vẽ hóm hỉnh, sinh động, mẫu đối đáp hài hước, các nhân vật nhỏ tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo của làng Phan Thị thời Hậu Lê hiện ra đầy đáng yêu, cuốn hút.

Là cậu bé nhà nghèo nhưng tài trí hơn người, Tí thi đỗ và trở thành Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất của nước Đại Việt, ra làm quan phò vua giúp nước, chống lại âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang. Nội dung mỗi tập trưng trổ trí thông minh, sự ham học, lém lỉnh của Trạng Tí.

Lên màn ảnh, “Thần đồng đất Việt” được lấy tên là “Trạng Tí”. Tác phẩm do “phù thuỷ” chuyển thể, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cầm trịch và Ngô Thanh Vân sản xuất.

Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, hầu hết câu chuyện của Trạng Tí đều lấy cảm hứng từ những giai thoại, sự kiện có thật về các danh sĩ, trạng nguyên nước ta như: Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh... Vì vậy, phim được kỳ vọng không chỉ thu hút độc giả nhỏ tuổi mà còn chinh phục cả người trưởng thành.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tiết lộ, “Trạng Tí” được đầu tư với kinh phí khoảng 1 triệu USD và là tác phẩm được đầu tư lớn nhất của cô cùng đối tác. Con số này còn chưa tính việc bị “đội” lên do phải dời lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ban đầu, phim dự kiến khởi chiếu vào ngày 30/4, sau đó được chuyển sang ngày 12/2/2021 (Mùng 1 Tết Tân Sửu 2021). “Đả nữ màn ảnh” thừa nhận, chặng đường đưa tác phẩm gốc lên màn ảnh rộng chưa bao giờ là điều dễ dàng khi cô và ê-kíp phải mất 4 năm mới đi được đến thoả thuận cuối cùng, nhận được cái gật đầu đưa “Trạng Tí” của “Thần đồng đất Việt” lên màn ảnh rộng.

Từng thành công với các tác phẩm chuyển thể “oanh tạc” phòng vé như: “Em là bà nội của anh” (năm 2016, hơn 102 tỷ đồng), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017, 70 tỷ đồng), song “Trạng Tí” cũng “ngốn” nhiều thời gian, tâm huyết của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Trực tiếp đảm nhiệm khâu kịch bản và cầm trịch bộ phim, anh cho biết, bắt đầu dự án từ đầu năm 2018, viết và hoàn thiện kịch bản cho đến tháng 7/2019 thì bấm máy.

“Vắt óc” đưa chất Việt lên phim

img

Các nhân vật chính trong phim "Trạng Tí"

Trong quá khứ, không nhiều đạo diễn Việt bày tỏ sự hứng thú tới các tác phẩm truyện tranh Việt, một phần bởi số lượng tác phẩm đạt chất lượng và đủ sức lên được màn ảnh vô cùng khiêm tốn.

Đó còn chưa kể, việc hiện thực hóa bối cảnh từ những hình vẽ, đồng thời giữ được tinh thần chính của tác phẩm nhưng vẫn phải đem đến cho khán giả cảm giác tươi mới bất ngờ là điều không dễ với ê-kíp. Đây cũng là một trong những yếu tố thử thách đối với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Trong suốt hơn một năm đó, chúng tôi tìm kiếm các diễn viên nhí, có những em đã được chọn, nhưng vì quá trình tiền kỳ kéo dài nên các em đã... lớn hẳn nên phải tìm lại diễn viên khác để thay thế; tìm kiếm bối cảnh phim dọc suốt chiều dài đất nước; thiết kế và may phục trang cũng như thiết kế và xây dựng bối cảnh. Phim quay suốt hơn ba tháng ở nhiều nơi trong cả nước, sau đó làm hậu kỳ từ tháng 11/2019 cho đến nay.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh


“Trạng Tí” được giới thiệu là một phim dân gian mang màu sắc thần thoại kỳ ảo. Do đó, câu chuyện Việt Nam, về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam luôn là yếu tố được đạo diễn và nhà sản xuất chú trọng, bao gồm từ bối cảnh, hình ảnh, tạo hình, âm nhạc…

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiết lộ, bối cảnh phim được quay trải dài từ Bắc vào Nam. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra được những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam như: Đầm Vân Long (Ninh Bình), Cây gạo thôn Đoài (Bắc Ninh), Chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)…

Đặc biệt, trong bối cảnh làng Phan Thị, ê-kíp đã xây dựng tỉ mỉ đến từng chi tiết cho từng mái nhà, lối đi và cảnh vật trong làng.

“Phim không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn phải thu hút khán giả mọi lứa tuổi. Chúng tôi phải dành hàng tháng trời để tìm kiếm những bối cảnh đẹp và phù hợp với câu chuyện; vẽ phác thảo và xây dựng các bối cảnh theo ý tưởng phim. Tất cả sao cho vừa đậm chất dân gian nhưng cũng bay bổng theo trí tưởng tượng, để thiên nhiên và kiến trúc hoà vào một khối tổng thể hài hoà”, nam đạo diễn nói.

So với các thể loại phim khác, phim cổ trang, dân gian khó thực hiện hơn vì nhiều yếu tố, từ kịch bản, cốt truyện, diễn xuất cho đến bối cảnh, trang phục và kỹ xảo hậu kỳ…

Bên cạnh bối cảnh, tạo hình và phục trang cho nhân vật luôn là yếu tố quan trọng trong các bộ phim lịch sử, dân gian. Với “Trạng Tí”, phim không xác định rõ thời gian nên ê-kíp có phần tự do trong tạo hình trang phục.

Theo đạo diễn phim, hai nền văn hoá chính mà ê-kíp dựa vào là nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Do đó, phục trang các nhân vật trong phim được lấy cảm hứng từ đây để thiết kế áo quần và hoa văn, đồng thời cũng biến thể để thêm phần bay bổng cần có cho một bộ phim kỳ ảo.

Là người trực tiếp đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc trong phim, nhạc sĩ Đức Trí cho biết đã khai thác mạnh mẽ chất liệu dân gian làm yếu tố chính để tạo nên nhạc phim.

Đặc biệt, những giai điệu đã ăn sâu vào tâm trí người Việt như lời ru, ca dao hay giai điệu phiêu lưu hào hùng… được lồng ghép với câu chuyện nhân vật để tái hiện lại bộ phim “thấm đẫm tâm hồn Việt” này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.