Điện ảnh

Hậu trường đua xe nghẹt thở phim bom tấn “Fast & Furious 9”

08/05/2021, 06:38

Sau 3 lần dời lịch vì Covid-19, Việt Nam sẽ được thưởng thức “Fast & Furious 9: Huyền thoại tốc độ” sớm khi phim công chiếu vào ngày 28/5.

img

Bữa tiệc hành động lớn sắp trở lại trong “Fast & Furious 9”

Phim tiếp tục được đạo diễn bởi Justin Lin - người đã đem lại thành công vang dội cho 4 phần trước đó, cùng sự góp mặt của dàn diễn viên quen thuộc: Vin Diesel, Charlize Theron, Michelle Rodriguez, Jordana Brewster, Tyrese Gibson, Ludacris, Helen Mirren, Sung Kang và gương mặt “nặng ký” mới - John Cena.

Lận đận đường ra rạp

Ra đời từ năm 2001, với 8 phần chính và 1 ngoại truyện, thương hiệu “Fast & Furious” được ví như con gà đẻ trứng vàng khi mang về cho nhà sản xuất 5,8 tỉ USD, đưa loạt tên tuổi như Paul Walker hay Vin Diesel… lên tầm siêu sao.

Loạt phim cũng trở thành loạt bom tấn hái ra tiền nhất Hollywood hiện nay mà không dựa trên truyện tranh sẵn có. Tuy nhiên, phần phim thứ 9 gặp nhiều lận đận trên hành trình ra rạp khi được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 5/2020 nhưng vì dịch bệnh Covid-19 đã phải hoãn chiếu cả năm trời.

Tại Mỹ, phim dự kiến ra rạp cuối tháng 5 nhưng bị dời ngày phát hành tới 25/6. Trước đó, phim từng được lên lịch phát hành tháng 4/2019 nhưng phải đổi lịch vì các rạp Mỹ đóng cửa.

Tờ Variety nhận định, đây là quyết định bất ngờ của Universal, khi chính quyền Mỹ thông báo sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân trong tương lai gần.

Hệ thống rạp tại các thị trường lớn như New York, California cũng đang dần mở cửa trở lại nhưng điều này cũng khó giúp bộ phim kiếm lời. Chưa kể, nhà sản xuất là Universal Studio đã thực hiện quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông cho “Fast and Furious 9”.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng giới chuyên gia nhận định, phần phim thứ 9 đã bị đội kinh phí nhiều hơn 200 triệu USD. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bộc bạch với Entertainment Weekly, đạo diễn Justin Lin vẫn cho biết: “Bộ phim phải mất hai năm chờ đợi mới đến được với khán giả. Tôi cảm thấy mãn nguyện. Những người hâm mộ là lý do khiến tôi tiếp tục làm “Fast & Furious” phần tiếp theo”.

Thực tế, hiện chỉ có khoảng 58% rạp phim ở Mỹ và Canada đã mở cửa trở lại nhưng đều bị hạn chế ở mức 50% số lượng vé bán ra hoặc ít hơn do khán giả không được ngồi cạnh nhau. Vì vậy, nhà sản xuất đặt cược “Fast & Furious 9” ở thị trường Trung Quốc vào ngày 21/5 sắp tới.

Theo Global Times, hashtag “Fast and Furious 9 đã có ngày phát hành” đã thu được 110 triệu lượt xem trên Sina Weibo. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự kỳ vọng cao đối với bộ phim. Các nhà phê bình phim Trung Quốc nhận định bom tấn sắp tới chắc chắn sẽ thành công tại phòng vé đại lục.

“Sự trở lại của đạo diễn Justin Lin với những cảnh đua xe không gian ly kỳ, cộng với thành tích tốt của loạt phim là điểm nổi bật của “Fast & Furious 9”. Bộ phim chắc chắn sẽ mang về doanh thu khủng ở Trung Quốc vì sẽ ra mắt sau ngày Quốc tế Lao động, không có nhiều cạnh tranh”, nhà phê bình phim Shi Wenxue nói với Global Times.

Đổ tiền tỉ để… phá xe

img

Poster phim “Fast & Furious 9”

Variety cho hay, loạt phim “Fast and Furious” không chỉ thu về doanh thu cao ngất ngưởng mà còn gây choáng với chi phí làm phim lên tới hàng trăm triệu USD cho từng phần.

Trong đó, phần phim thứ 9 có kinh phí hơn 200 triệu USD, gấp hơn 5 lần so với phần 1 (“The Fast and The Furious”, 38 triệu USD). Thực tế, bên cạnh cát-xê cho các ngôi sao lớn, nhà sản xuất cũng không ngại chi hầu bao để… phá những chiếc “quái xế” đắt đỏ.

Hãng bảo hiểm Insure The Gap (Anh) tiết lộ, qua 8 phần phim “Fast & Furious”, 1.800 xe đã trở thành đống phế thải, tiêu tốn khoảng 514 triệu USD sau khi nhà sản xuất thực hiện các phân cảnh va chạm.

Trong đó, chiếc xe đắt nhất từng bị vùi dập là W Motors Lykan Hypersport, có trị giá khoảng 3,5 triệu USD. Chiếc xe này xuất hiện trong phần 7 của loạt phim, bị phá nát sau phân cảnh tại tòa cao ốc ở Abu Dhabi. Sau khi phần 9 kết thúc, nhiều người dự đoán số xe bị phá hủy sẽ vượt qua 2.000 chiếc.

Trên Uproxx, nam diễn viên kiêm nhà sản xuất Vin Diesel tiết lộ thêm, không phải cứ chi tiền sẽ có được chiếc xe ưng ý. Bản thân những quái xế này cũng phải được… casting như diễn viên.

Bởi, hình ảnh mỗi chiếc xe chính là biểu trưng cho tính cách nhân vật điều khiển. Đây cũng là những yếu tố quan trọng tạo ra màn đua xe tốc độ cao và những pha nguy hiểm điên rồ - “đặc sản” của loạt phim ăn khách này.

“Fast & Furious 9: Huyền thoại tốc độ” tiếp tục thách thức người xem trước các màn tàn phá xe cộ. Đó là cảnh chiếc xe tải nhiều toa bị bốn chiếc xe con kìm chặt, dựng đứng rồi bị lật ngửa.

Hay như màn đu xe bằng dây cáp gây thót tim của vợ chồng nhà Dom khi bên dưới là đại dương mênh mông. Và lần đầu tiên trong lịch sử, khán giả sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của những chiếc xe nam châm hạng nặng trong đường đua.

Đạo diễn Justin Lin cho biết, nhà sản xuất đã không ngần ngại chi một số tiền lớn để thực hiện các cảnh va chạm xe khốc liệt. Trong đó, phải kể đến phân cảnh dài 4 giây khi chiếc ôtô lật ngang, lao xuyên qua một cửa hàng trước khi đâm vào xe tải tốn tới 8 tháng để chuẩn bị, 4 ngày quay và 3 chiếc xe thể thao Toyota 86 cũng đã phải “hy sinh vì nghệ thuật”. Theo Justin Lin, đây là thành quả của ê-kíp hơn 100 con người cần mẫn và tài năng.

Qua 8 tập phim, “Fast & Furious” từ một hiện tượng của phim hè 2001 đã trở thành một trong những thương hiệu phim bom tấn hành động được ưa thích nhất trên thế giới. Theo Box Office Mojo, doanh thu các phần phim đều tăng trưởng tích cực.

Trong đó, doanh thu của: “Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw” (2019) hơn 759 triệu USD, “The Fate of the Furious” (2017) đạt 1,239 tỉ USD, “Furious” 7 (2015) là 1,512 tỉ USD, “Fast & Furious” 6 (2013) với 788,7 triệu USD, “Fast Five” (2011) đạt 625 triệu USD, “Fast & Furious” (2009) là 363 triệu USD, “The Fast and the Furious: Tokyo Drift” (2006) là 158 triệu USD, “2 Fast 2 Furious” (2003) là 158 triệu USD, “The Fast & The Furious” (2001) là 207,3 triệu USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.