Showbiz

Hậu trường khốc liệt ở các kinh đô thời trang thế giới

06/10/2020, 05:59

Người mẫu Chà Mi đã thể hiện bức xúc khi nói về trải nghiệm sau 2 năm làm việc với tư cách người mẫu chuyên nghiệp tại châu Âu.

img
Chà Mi là mẫu Việt hiếm hoi làm việc dài hạn ở quốc tế

Tại những kinh đô thời trang lộng lẫy bậc nhất thế giới, mọi người vẫn nghĩ các người mẫu khi được khoác lên bộ đồ xa xỉ của Chanel, Gucci, Louis Vuitton… đều có cuộc sống đáng mơ ước. Song sự thật có phải như vậy?

Bị bòn rút cùng kiệt

Mới đây, trong một nhóm có tên “The dark side of modeling” (tạm dịch: Phía tối của nghề người mẫu), người mẫu Chà Mi đã thể hiện bức xúc khi nói về trải nghiệm sau 2 năm làm việc với tư cách người mẫu chuyên nghiệp tại châu Âu.

Tất cả các thỏa thuận hợp tác, quản lý, làm việc tại nước ngoài đều ràng buộc bởi hợp đồng rõ ràng và thường thông qua luật sư. Các hợp đồng rõ ràng và chuyên nghiệp sẽ luôn bảo vệ quyền lợi của người mẫu, cũng như đối tác. Đối với ngành công nghiệp thời trang quốc tế nói chung và người mẫu nói riêng, việc tìm công ty quản lý và đối tác sẽ không khó nếu bạn có tố chất, ngoại hình và khả năng mà họ đang tìm kiếm.

Siêu mẫu Jessica Minh Anh


Cô cho biết đã quá mệt mỏi và chính nơi đây đã làm xói mòn tình yêu của mình dành cho nghề mẫu. “Hai năm làm việc ở Anh, Đức, Ý, Ba Lan, Trung Quốc mình có quá nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Có những lúc mình muốn phát điên vì bị chèn ép, bị ăn chặn rồi bị gây áp lực khi đòi tiền…”, chân dài sinh năm 1994 viết.

Thực tế, không riêng Chà Mi, rất nhiều người mẫu nhập cư đến các kinh đô thời trang đều phải chịu chung hoàn cảnh. Tình trạng này thậm chí còn kéo dài trong rất nhiều năm qua.

Theo CNNMoney, rất nhiều người mẫu trẻ ôm giấc mộng đến với “thánh địa” thời trang như New York, Miami. Để có cơ hội việc làm, những người mẫu vẫn còn đang ở tuổi teen sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện “trên trời” của công ty quản lý. Song, những lúc họ mong chờ sự hỗ trợ thì những người đại diện không thèm đoái hoài. Đó còn chưa kể, mức thu nhập ít ỏi còn bị công ty quản lý “xà xẻo” không thương tiếc.

Ngược lại, khi người mẫu nhận lương, đó chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền khách hàng đã thanh toán. Bởi, ngoài việc trích phần trăm cho công ty quản lý, người mẫu còn phải chi trả cho các hóa đơn từ chi phí sinh hoạt đến lớp đào tạo, khám sức khoẻ và tiền thuê phòng trọ đắt đỏ.

Người mẫu Marcelle Almonte tiết lộ, cách đây gần 2 thập kỷ, công ty quản lý đã bắt cô thuê căn hộ hai giường ngủ với giá 1.850 USD/tháng. Người mẫu phải sống chung với 8 cô gái khác, ai cũng trả một khoản như nhau và ngủ giường tầng. Trong khi, với một căn hộ cùng tòa nhà, giá thuê khởi điểm chỉ từ 2.900 USD. Nói cách khác, công ty quản lý đã “bỏ túi” thêm 13.750 USD/tháng.

Lựa chọn phát triển sự nghiệp người mẫu ở London, Anh, người mẫu Chà Mi thừa nhận, việc ràng buộc giữa người mẫu và công ty quản lý chủ yếu là tỉ lệ ăn chia. Mỗi công ty sẽ có tỷ lệ khác nhau nhưng sẽ có tỷ lệ chung tương đối đối với từng quốc gia.

Ngoài ra, người mẫu luôn phải tuân theo những quy định của công ty quản lý như: Công ty có thể gọi đi casting hoặc đi làm bất cứ lúc nào, nên dù là giờ nghỉ cũng không được đi xa khỏi thành phố. Nếu muốn đi nghỉ dưỡng, phải báo trước ít nhất nửa tháng. Nếu không đi casting hay đến muộn sẽ bị phạt tiền.

“Tôi là một trong số ít người mẫu được làm việc cùng lúc với hai công ty quản lý ở London. Đương nhiên, số lượng công việc nhiều hơn. Với công ty mẹ, mỗi lần nhận việc, tôi sẽ bị trừ 40% cát-xê. Nếu show của tôi đến từ công ty quản lý thứ hai, tôi sẽ bị trừ 70% cát-xê (công ty mẹ lấy 20%). Và họ luôn trả tiền chậm, ngay cả khi khách hàng đã thanh toán sớm. Ngoài ra, họ thường vẽ ra các chi phí vô lý để trừ tiền của người mẫu”, Chà Mi kể.

Con đường danh vọng lắm chông gai

img
Mâu Thuỷ trong show diễn của nhà thiết kế Alvertis Alexander tại New York Fashion Week 2015

Trên thị trường quốc tế, trừ các siêu mẫu, các người mẫu bình thường phụ thuộc rất lớn vào công ty quản lý bởi chỉ họ mới đủ mạng lưới và mối quan hệ đảm bảo công việc.

Tuy nhiên, với những người mẫu nhập cư, khó khăn đầu tiên đối với người mẫu Việt là vấn đề visa cùng các thủ tục xuất ngoại như vé máy bay và chi phí khác để có thể làm việc ở nước ngoài. Điều này tốn kém một khoản tiền không nhỏ.

Người mẫu Chà Mi nói rằng, cô đã phải mất rất nhiều thời gian (khoảng 4 tháng) để tìm cho mình một công ty quản lý phù hợp và thỏa thuận hợp tác thành công, vì người mẫu phải chuẩn bị những hình ảnh họ yêu cầu cũng như giấy tờ làm visa. Song, để có được các cơ hội đó, bản thân người mẫu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần từ khi ở quê nhà.

Mâu Thuỷ từng là người mẫu độc quyền của Công ty quản lý người mẫu Wilhelmina Models (New York, Mỹ) cho hay, để có thể trụ vững ở một trong 4 kinh đô thời trang lớn nhất thế giới, cô phải đối mặt với vô vàn thử thách. Trước khi sang Mỹ vào năm 2015, cô đã phải “rải” hồ sơ đến rất nhiều công ty nước ngoài để tìm cơ hội. Khi sang New York cũng chưa có việc ngay mà phải tham gia vào cuộc đua casting vô cùng khắc nghiệt.

“Ở Việt Nam, độ nửa tháng, 1 tháng mới có 1 buổi casting. Còn ở nước ngoài thì ngày nào cũng có. Nếu may mắn, casting 20 - 30 nơi thì được nhận 1 show, kém may mắn hơn, có thể casting từ sáng đến tối, không nhận được show nào. Những lần như vậy, tôi gần như không có thời gian nghỉ, cũng không thể về nhà vì quãng đường khá xa. Tôi chỉ có thể lang thang ngoài đường hay vào các cửa hàng tiện ích để ăn uống và ngồi nghỉ ở đó, chuẩn bị cho buổi casting tiếp theo. Mỗi lần tham gia casting, tôi phải đứng ít nhất vài giờ đồng hồ để chờ tới lượt, rồi “chiến đấu” với hàng trăm người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới”, Mâu Thủy chia sẻ.

Chân dài sinh năm 1992 cho biết thêm, nếu may mắn được lựa chọn, một ngày cô chỉ cần diễn một show, tiền cát-xê đó có thể nuôi cô 1 - 2 tuần. Đều đặn 1 tháng có khoảng 5 - 6 show là có thể đủ sống.

img
Để trụ vững ở làng thời trang quốc tế, siêu mẫu Jessica Minh Anh khẳng định người mẫu cần sự chuyên nghiệp và khả năng thích nghi cao

Từng có nhiều năm gắn bó, hợp tác với nhiều hãng thời trang hàng đầu thế giới, siêu mẫu Jessica Minh Anh khẳng định, không có ngày nào giống ngày nào trong ngành công nghiệp thời trang lẫn tổ chức sự kiện.

“Một ngày của tôi bắt đầu từ khoảng 6h sáng, tập gym đến 8h, sau đó đến công ty tham gia các cuộc họp, chụp hình, phỏng vấn liên tục trong ngày từ sáng đến khoảng 8h tối. Tùy vào từng ngày, vì có những hôm lịch chụp kéo dài suốt 22 tiếng (từ 2h sáng đến 12h đêm)”, nữ siêu mẫu bộc bạch.

Để chạm vào giấc mơ “siêu mẫu quốc tế”, các người mẫu nhập cư luôn phải nỗ lực hết mình không ngừng nghỉ. Hơn hết, họ phải chịu đựng được những áp lực đào thải, ganh đua khốc liệt. Nếu không, việc phải bỏ cuộc trở về quê nhà là điều một sớm một chiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.