Hạ tầng

Hậu trường làm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

22/01/2022, 08:00

Con đường là gạch nối huyết mạch chở lúa gạo, cây trái từ Nam ra Bắc, đến cảng biển, cảng hàng không, sân ga toả đi muôn phương và ra thế giới…

Mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Thái ở xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) khi vãi thóc lúa cho gà ăn luôn thích thú nhìn con đường cao tốc dài thẳng tắp chạy ngang trước nhà.

Gia đình bà mấy đời ở đây giờ mới thấy có con đường nhựa rất to chạy qua trước mặt.

img

Tuyến cao tốc dài 51 km thông xe sáng 19/1 giúp giảm tải QL1, ôtô chạy từ TP.HCM tới Mỹ Thuận từ 3 giờ còn khoảng 1 giờ 45 phút

Đường mới đã mở

Đó là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, con đường được khởi công đến… 3 lần, từ năm 2009, cứ sau mỗi lần khởi công lại “đắp chiếu”. Suốt 10 năm đầu (2009-2019), dự án gần như… “chết lâm sàng” do liên danh chủ đầu tư tan nát, có chủ đầu tư vướng vào vụ án hình sự khác và không có ngân hàng tài trợ vốn. Phải nói đây là con đường rất truân chuyên trắc trở.

Đến ngày 19/1, con đường đã chính thức thông xe kỹ thuật. Gọi là “thông xe kỹ thuật” bởi sau khi thông xe, đường vẫn chưa được đưa vào vận hành chính thức, do còn chờ phương án thi công trạm thu phí, theo ông Nguyễn Tấn Đông, giám đốc doanh nghiệp dự án.

Từ điểm đầu tiên tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương), xe công vụ của chúng tôi bon bon một mạch đến điểm cuối ở xã An Thái Trung (tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2 đang xây dựng và một nhánh đi về Đồng Tháp).

Điểm giao này là đoạn kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tương lai, đoạn cuối cùng của cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Những ngày này, toàn bộ 34 cây cầu trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các biển báo đã hoàn chỉnh. Ở những km cuối cùng, công nhân còn đang hoàn thiện vài công đoạn như lắp hộ lan, dải phân cách, thi công đường thoát nước hai bên hành lang…

Đường mới tinh khôi, đẹp như một dải lụa mượt mà vắt ngang những ngôi làng bình yên, những vườn cây xanh mướt, trĩu quả. Nhưng đường hẹp, có 4 làn xe với mặt cắt ngang 17m. Mỗi bên 2 làn xe, không có làn cứu hộ khẩn cấp song song. Phải mỗi 8km mới có một đoạn làn cứu hộ ngắn.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, việc cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận không có làn cứu hộ song song liên tục là do liên quan đến phương án tài chính của dự án.

Mặt khác, đây cũng không phải là phương án kỹ thuật cá biệt bởi cả nước có nhiều đoạn cao tốc cũng có mặt cắt 17m tương tự. Khi có sự cố giao thông, xe cứu hộ sẽ kéo phương tiện về điểm xử lý.

Lần khởi công cuối cùng của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tháng 3/2019. 10 năm trước đó (2009-2019) dự án chỉ thi công được 10% khối lượng. Sau gần 3 năm, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng còn lại giữa muôn trùng khó khăn, đặc biệt là phải thi công trên nền đất yếu và suốt 2 năm bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì đó là một kỳ tích.

Bởi lẽ, đây là con đường phải nhiều lần khởi công. Mỗi lần khởi công xong thì lại… trùm mền vì thiếu vốn. Ban đầu liên danh dự án có 6 chủ đầu tư, đến khi hoàn thành chỉ còn 3, số còn lại bị loại khỏi “cuộc chơi”, đủ thấy độ phức tạp và khắc nghiệt.

Đây cũng là dự án thay đổi tổng vốn đầu tư liên tục. Tổng vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt là 14.678 tỷ đồng; sau đó xuống còn 9.668 tỷ đồng (giảm 5.000 tỷ đồng) và cuối cùng là 12.668 tỷ đồng. Các phương án kỹ thuật vì thế cũng phải thay đổi theo.

Khác với cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thi công bằng kỹ thuật cầu cạn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là đường vĩnh cửu, trực tiếp thi công trên nền đất yếu nên phải đối mặt với những vấn đề kỹ thuật phức tạp mới mẻ. Đó là một trong những lý do làm cho dự án kéo dài thêm.

Ngoài ra, trong đại dịch Covid-19 hồi tháng 6/2021, đây là dự án thi công hạ tầng giao thông đầu tiên có người nhiễm virus SARS-Cov-2, phải cách ly trên 2.000 người, gần như toàn bộ nhân công và cán bộ chủ chốt. Có lúc có nơi, công nhân phải thi công bên trong những vòng dây phong toả.

“Giải cứu” cao tốc đang “chết chìm”

img

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang

Ở thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Tấn Đông đang là giám đốc đương nhiệm của Doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ông Đông là nhân sự cấp cao của Tập đoàn Đèo Cả. Trước ông Đông, còn có các ông Đỗ Văn Nam, Mai Mạnh Hồng làm giám đốc, cũng đều là nhân sự cấp cao của Đèo Cả.

Không chỉ thế, hiện toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp đều là người của Đèo Cả, dù tập đoàn này không phải là chủ đầu tư.

Nguyên nhân là do trước đó, từ 2009, dự án này có 6 chủ đầu tư. Ì ạch đến 2019, toàn dự án chỉ thi công được 10% khối lượng và chôn chân tại chỗ.

Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư mời Tập đoàn Đèo Cả vào “giải cứu”, thuê Đèo Cả tổ chức toàn diện dự án, từ phương án kỹ thuật, tài chính, nhân sự điều hành…

Lý do là bởi Đèo Cả là đơn vị có thực lực thi công và cũng có kinh nghiệm “giải cứu” những ca “chết lâm sàng” tương tự, đơn cử là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trước đó.

Đây là dự án đầu tiên của Đèo Cả tổ chức ở phía Nam và cũng là lần đầu tiên đối mặt với những phức tạp về kỹ thuật làm đường cao tốc trên nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. “Đó thật sự là vấn đề với chúng tôi”, ông Mai Mạnh Hồng nhớ lại.

Nhưng những khó khăn về kỹ thuật thì luôn có giải pháp, không phải quá phức tạp. Khó khăn lớn nhất lúc này là khi được giao làm Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, giữa tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Đèo Cả “có những việc chưa hiểu nhau” (như lời ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả).

Do đó, những thương thảo về phương án tài chính, phương án kỹ thuật liên tục trắc trở và gay gắt.

Trước ngày ký kết Hợp đồng tín dụng cho cao tốc TLMT (16/12/2019), doanh nghiệp dự án và đại diện tỉnh Tiền Giang phải làm việc liên tục 3 ngày đêm ròng rã, 24/24h, ăn bánh mì, cơm hộp tại chỗ, hết tranh luận đến thảo luận.

“Chỉ khi qua được cửa ải ký kết hợp đồng tín dụng thì mọi khó khăn về thủ tục mới tạm ổn phần nào và sau đó dự án mới có phần suôn sẻ”, ông Hồng kể.

Thi công xuyên ngày đêm, xuyên lễ - Tết

img

Thảm bê tông nhựa tại các gói thầu XL27, XL28 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trong suốt 2 năm 2019-2020, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động gần như toàn lực cho dự án. Không lễ không Tết. Toàn bộ cán bộ chủ chốt và công nhân đều ăn Tết trên công trường.

Đích thân ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng đón Giao thừa và thăm hỏi công nhân, lì xì khích lệ, cho nấu bánh chưng, văn nghệ tại chỗ.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng là một trong số các dự án hạ tầng hiếm hoi được rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành nhiều lần tới kiểm tra, động viên.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là người đích thân đi hiện trường nhiều lần để đôn đốc, khích lệ và trực tiếp chỉ đạo. Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại: “Dự án này được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Có vướng mắc thì gỡ, phải vượt qua để hoàn thành”.

Ông cũng lưu ý doanh nghiệp dự án và đại diện tỉnh Tiền Giang “muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm” như câu khẩu hiệu treo khắp các gói thầu.

Sau gần 13 năm gian nan, cuối cùng con đường đã hoàn thành, sắp đưa vào sử dụng, thoả niềm mong ước của hơn 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Tới đây con đường sẽ là gạch nối huyết mạch chuyên chở lúa gạo, cây trái từ Nam ra Bắc, đến các cảng biển, cảng hàng không, sân ga toả đi muôn phương và ra thế giới…

Hơn cả niềm mong ước về sự đi lại của người dân, một cao tốc nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và cả nước còn là sự khởi đầu sung túc cho miền đất phương Nam hồn hậu, giàu tiềm năng đang chờ khai phóng.

TP.HCM về miền Tây chỉ còn 1 giờ 45 phút

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Đây là một đoạn của cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Dự án khởi công lần đầu tháng 11/2009, thông xe kỹ thuật vào ngày 19/1/2022. Tuyến đường rút ngắn thời gian từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây từ 3 tiếng còn khoảng 1 tiếng 45 phút. Tốc độ lưu thông cho phép 60 - 80km/h (tuỳ làn).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.