Điện ảnh

Hậu trường làm phim “Những ngày không quên” giữa thời chống dịch

13/04/2020, 11:59

Ít người biết, ê-kíp làm phim đã phải chạy đua với thời gian, vượt qua rất nhiều khó khăn giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

img
Khán giả được dịp tái ngộ những nhân vật “gây bão” màn ảnh Việt trong thời gian qua

“Những ngày không quên” đang là bộ phim truyền hình gây chú ý nhất thời điểm hiện tại. Phim mang tới cái nhìn giản dị, chân thực và những giá trị nhân văn về câu chuyện phòng dịch. Ít người biết, ê-kíp làm phim đã phải chạy đua với thời gian, vượt qua rất nhiều khó khăn giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Làm phim tuyên truyền không dễ

NSƯT Trung Anh thừa nhận, dù có chút lo sợ bởi làm phim giữa thời đại dịch, nhưng tất cả nghệ sĩ đều mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa. “Trong công cuộc chống dịch Covid-19 này, nghệ sĩ chúng tôi chưa làm được gì cả.

Thậm chí, nếu muốn làm, chúng tôi cũng không biết làm bằng cách nào ngoài việc nhắn tin, đóng góp một số tiền ủng hộ. Đến khi nhận được chỉ thị làm bộ phim này, chúng tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để đóng góp một phần nhỏ bé của mình”, NSƯT Trung Anh bộc bạch.

Chính thức lên sóng từ ngày 6/4, bộ phim “Những ngày không quên” nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Trên fanpage VTV Giải trí, nhiều trích đoạn video được đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác.

Đặc biệt, có đoạn video tổng hợp những đoạn trích thú vị của phim lên tới 6,3 triệu lượt xem với hơn 240.000 lượt thích cùng hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Nhờ sự tò mò của khán giả, mỗi đoạn preview cũng có sức hút không kém cạnh với hàng triệu lượt xem. Đông đảo khán giả hào hứng theo dõi và dự đoán tình tiết của những tập tiếp theo.

Phim lấy ý tưởng từ câu chuyện của các nhân vật trong “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta” - hai bộ phim từng “gây bão” màn ảnh Việt trong thời gian qua. Nội dung phim “Những ngày không quên” xoay quanh gia đình ông Sơn (NSƯT Trung Anh thủ vai) với bối cảnh nhà ông Sơn trong phim “Về nhà đi con” được tái hiện tại thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Tình huống gia đình ông Sơn về làng Yên dự đám cưới cháu họ là cặp đôi Khoa (Đình Tú) - Uyên (Phương Oanh) trong “Cô gái nhà người ta” thì nhận thông tin mọi người hạn chế di chuyển. Một tác phẩm về câu chuyện phòng dịch, nhưng phim được cài cắm những câu chuyện muôn màu muôn vẻ về cuộc sống gia đình, tình làng nghĩa xóm với hai bối cảnh chính là thành thị và nông thôn.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, một trong những thách thức của ê-kíp đó là làm sao để phim vừa đáp ứng được yếu tố tuyên truyền nhưng vẫn làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. “Chúng tôi lựa chọn hình thức lồng ghép những thông điệp có tính giáo dục qua câu chuyện giải trí để từ đó khán giả vừa được thưởng thức nhưng đồng thời cũng tiếp nhận những thông điệp có giá trị. Đặc biệt, giá trị tổng thể mà bộ phim mang tới sẽ cùng góp phần làm chúng ta có thể hiểu hơn về những cách ứng phó với dịch bệnh thời điểm này”, anh cho biết.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà cho biết, tất cả các thông tin được đề cập đến đều cố gắng đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, thông tin được truyền tải theo một cách hoàn toàn khác với những thông số của một bản tin thời sự. “Chúng tôi cố gắng lồng ghép trong nội dung kịch bản những vấn đề nổi cộm trong bối cảnh xã hội hiện nay như tình trạng: Tích trữ lương thực, thông tin giả, trục lợi…

Tuy nhiên, nhiều hơn vẫn là những câu chuyện, những hình ảnh đẹp ấm áp tình người” biên kịch Khánh Hà nói và cho hay, bên cạnh những mẩu chuyện xinh xinh, hài hước, liên quan trực tiếp đến câu chuyện mùa dịch, phim vẫn sẽ có trục chính, một câu chuyện xuyên suốt với những biến cố của từng nhân vật, có bi kịch cao trào… đúng “chất” của một bộ phim truyền hình.

“Phim muốn định hướng người xem đến cái đúng, cái cần làm trong thời điểm này. Sự bình tĩnh, đồng lòng và niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Khi cả nước đang trong cuộc chiến chống dịch, mối quan hệ và ứng xử giữa mọi người rất khác những ngày bình thường, lúc này, tình người sẽ lên ngôi”, biên kịch Khánh Hà nói.

Đau đầu vì bối cảnh

img
Chuyện phòng dịch lồng ghép thú vị với các hoạt động thường nhật

Hiện tại, “Những ngày không quên” đã phát sóng tới tập 5, đội ngũ làm phim vẫn đang miệt mài thực hiện các cảnh quay cho những tập tiếp theo. Phim được làm hình thức cuốn chiếu, thời gian phát sóng chỉ 30 phút/tập khiến ê-kíp cũng chạy nước rút. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải thừa nhận, việc thực hiện bộ phim ở thời điểm “nhạy cảm” này quả là một thử khách không nhỏ với toàn ê-kíp khi vừa phải đảm bảo nội dung, vừa đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Tuy nhiên, đạo diễn Trịnh Lê Phong khẳng định, trong quá trình quay, đoàn phim luôn thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, không ngồi gần nhau nếu không cần thiết, xịt khử trùng toàn bộ thiết bị và xe cộ.

Có thể thấy, bối cảnh trong phim chủ yếu là nội cảnh quen thuộc như nhà ông Sơn - một ngôi nhà nằm ở quận Ba Đình (Hà Nội), trong phòng chung cư hay cảnh làng quê thưa vắng người qua lại… Ngoài ra, số lượng diễn viên xuất hiện trong một cảnh quay không quá 20 nhân vật xuất hiện. Điều này cho thấy, đội ngũ làm phim đã “liệu cơm gắp mắm”, vừa đáp ứng nội dung, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả ê-kíp.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà thừa nhận, chưa có kịch bản nào khiến chị áp lực về thời gian, tiến độ, chất lượng như “Những ngày không quên”. Bởi, từ khi lên kế hoạch đến khi phát sóng chỉ vỏn vẹn trong khoảng hơn 2 tuần. Bên cạnh việc cân bằng giữa yếu tố giải trí và tuyên truyền, còn yếu tố khó khăn nữa là tìm kiếm bối cảnh. “Nếu như trước đây chúng tôi có thể lựa chọn bất kỳ bối cảnh nào, thì với phim này có gì làm nấy”, biên kịch Khánh Hà cho hay.

Việc vừa viết kịch bản vừa quay, sẽ mất thời gian và công sức hơn khi có trọn bộ kịch bản. Bởi, nếu có kịch bản hoàn chỉnh, ê-kíp sản xuất có thể quay gom các phân cảnh cùng bối cảnh trong một thời gian, thay vì rải rác theo từng tập. Chính vì vậy, bản thân các cây bút biên kịch luôn phải túc trực 24/24h để hỗ trợ ê-kíp đoàn phim, chỉnh sửa kịch bản ngay khi cần, giúp tiến độ sản xuất kịp thời để phục vụ tuyên truyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.