Showbiz

Hậu trường mời “sao ngoại” đến Việt Nam và những yêu sách chục trang giấy

29/04/2019, 08:42

Làm chương trình âm nhạc Việt Nam đã nan giải, “cuộc chơi” quốc tế còn lắm áp lực hơn bởi sao ngoại có nhiều yêu sách.

img
Ông Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch IB Group Việt Nam đi đón vợ chồng bà Liz Mitchell (Boney M) đến biểu diễn tại Việt Nam dịp 8/3 vừa qua

Di chuyển trên siêu xe như dòng Mercedes S-Class từ S500 trở lên hoặc Audi A8, BMW Series 7, ở khách sạn 5 sao, đi đứng có vệ sĩ bảo vệ, ăn uống phải chỉ định các món… là danh sách dài cả chục trang giấy mà nhà sản xuất (NSX) các chương trình âm nhạc phải đáp ứng nếu muốn mời được ngôi sao thế giới biểu diễn tại Việt Nam.

Chờ hàng năm mới được cái gật đầu

Đầu tháng 3 vừa qua, nhóm nhạc Đức nổi tiếng Boney M đã khiến hàng nghìn khán giả tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam nhún nhảy cùng âm nhạc trong đêm nhạc “Boney M & Joy - Concert in Vietnam 2019” nằm trong chuỗi chương trình âm nhạc huyền thoại Legend Concert. Đây là lần thứ ba Boney M tới Việt Nam và là lần đầu tiên ban nhạc nổi tiếng của Áo Joy tới mảnh đất hình chữ S.

Ông Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch IB Group Việt Nam, đơn vị sản xuất chuỗi Legend Concert với sự tham gia của những ngôi sao hàng đầu như Kenny G, Boney M, Chris Norman (Smokie), Modern Talking… cho biết, để mời được những huyền thoại âm nhạc một thời tới Việt Nam là kết quả của nhiều năm cố gắng. Sau khi tổ chức nhiều chương trình âm nhạc lớn nhỏ trong nước và có một “hồ sơ đẹp”, ông gửi cho các đại lý châu Á chuyên sản xuất tour diễn cho các ngôi sao quốc tế, và mất khoảng 3 năm để nhận được phản hồi từ phía họ.

Qua vòng hồ sơ sẽ là vòng phỏng vấn với những câu hỏi về khán giả Việt Nam, khả năng chi trả của khán giả ra sao, độ yêu thích nghệ sĩ như thế nào, NSX có thể đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, cát-sê cho nghệ sĩ hay không… “Tôi phải chứng minh cho họ thấy khán giả Việt Nam quen thuộc với âm nhạc của họ như thế nào. Tôi đã sưu tầm, xin lại những đoạn video từ các đám cưới, sự kiện và hình ảnh ngày xưa để làm tư liệu chứng minh”, ông Dương chia sẻ và khẳng định, đó là quy chuẩn của một chương trình đẳng cấp quốc tế chứ không phải họ làm khó mình.

Đặc biệt, NSX sẽ phải trả 100% cát-sê cho các ngôi sao này để có chắc một tấm vé họ tới Việt Nam. Không tiết lộ kinh phí để mời được các ngôi sao tới Việt Nam nhưng ông Dương cho hay, mỗi nghệ sĩ tới Việt Nam sẽ có ê-kíp vài chục người đi cùng và bay hạng thương gia. Do đó, riêng tiền vé máy bay cũng tốn của NSX vài tỷ đồng, chưa kể các chi phí về khách sạn, xe cộ đi lại, sân khấu…

Trong khi đó, theo nhạc sĩ Quốc Trung, NSX phải mời các nghệ sĩ quốc tế trước khoảng 1-2 năm để được xếp lịch, thậm chí chờ 3 năm mới có thể mời được ban nhạc Scorpions tới Monsoon Music Festival 2016. Trong quá trình ấy, anh phải đưa ra được chi tiết về dự án, thời gian diễn ra và phải chắc chắn về kế hoạch.

Bản “yêu sách” dài chục trang giấy

img
Nghệ sỹ kèn saxophone Kenny G biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội tháng 10/2015. Ảnh: BTC

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, lần mời Scorpions về Việt Nam, anh phải qua Malaysia thuê thiết bị kỹ thuật vì ở Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn và riêng dàn dựng sân khấu của nhóm cũng khoảng 2,2 tỷ đồng. Việc lắp ráp kỹ thuật cũng được căn rất kỹ lưỡng và thường là người của ê-kíp nghệ sĩ thực hiện. “Họ có châm chước cho những khó khăn ở Việt Nam nhưng không có sự thỏa hiệp nào mà phải cực kỳ chính xác, không có chuyện không có cái này thì dùng cái khác. Những việc họ yêu cầu không có bất cứ thứ gì là phát sinh mà đã có trước hàng năm để mình chuẩn bị”, nhạc sĩ Quốc Trung kể.

Chuyện ăn ở, an ninh cũng lắm công phu với các thông tin chi tiết được đính kèm trong hợp đồng dài hàng chục trang giấy. Khi nghệ sĩ saxophone Kenny G về Việt Nam, ngoài đón nam nghệ sĩ, ban tổ chức cũng phải tiếp đón những cộng sự thân thiết của ông. Thực đơn cho từng bữa ăn phải được quản lý tour thông qua trước một tuần, đồ ăn phải do những nhà hàng có tên tuổi chuẩn bị và thương hiệu phải được kiểm chứng. Khách sạn Kenny G ở cũng phải 5 sao và phải được duyệt trước 1 tháng. Xe hơi phục vụ việc di chuyển của ông tại Việt Nam phải thuộc dòng xe cao cấp, đời mới…

Hay ban nhạc rock huyền thoại Scorpions khi sang Việt Nam cũng đòi hỏi rất khắt khe. Một đại diện của ê-kíp Monsoon Music Festival - người trực tiếp thương lượng hợp đồng với phía Scorpions tiết lộ, nhóm nhạc yêu cầu được di chuyển trên siêu xe như dòng Mercedes S-Class từ S500 trở lên hoặc Audi A8, BMW Series 7.Trong khi đó, nữ ca sĩ đương đại người Anh Joss Stone khi tham gia Monsoon Music Festival 2015 cũng yêu cầu kỹ lưỡng như không chấp nhận đồ ăn chế biến sẵn, dụng cụ ăn uống không sử dụng đồ dùng một lần. Luôn có đủ nước uống đóng chai, đá sạch, khăn giấy, cốc uống nước lạnh… Ngoài ra, ban tổ chức cũng phải trải loại thảm chất lượng tốt trên sân khấu khi cô diễn.

Áp lực và tinh thần sẵn sàng… hủy show

img
Ban nhạc Scorpions tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2016

Làm chương trình âm nhạc Việt Nam đã nan giải, “cuộc chơi” quốc tế còn lắm áp lực hơn bởi chỉ cần 1 sai sót hoặc sự cố, show diễn có thể bị hủy và mọi chi phí, kế hoạch đổ bể tan tành. Năm 2017, show diễn của Ariana Grande đã bị tuyên bố hủy trước giờ diễn 5 tiếng đồng hồ khiến dư luận xôn xao. Khi đó, Ariana cho biết hủy show vì lý do sức khỏe và BTC cũng đã xác nhận điều này, nhưng nhiều đồn đoán cho rằng, chương trình có thể đã không đáp ứng được số lượng khán giả theo yêu cầu.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, NSX luôn phải chuẩn bị phương án xấu nhất là bị hủy show. Thậm chí trong trường hợp không đáp ứng được tiêu chí khán giả thì dù đã trả hết tiền cát-sê, chi phí thì nghệ sĩ cũng sẽ không lên sân khấu và nhà sản xuất chịu thiệt. Nhạc sĩ thừa nhận, anh từng làm việc với rất nhiều nghệ sĩ quốc tế nhưng vẫn luôn bị áp lực. Trong đó, làm việc với ban nhạc Scorpions là áp lực khủng khiếp nhất.

Theo anh, không phải ban nhạc là người gây áp lực mà từ người quản lý tour. Họ làm việc chính xác tới từng giây, từng cái ổ điện, phích cắm. “Nhờ ê-kíp Việt đi mua cà phê, họ đã có luôn thông tin về địa chỉ mua, loại cà phê nào. Ô tô đến đón mà chậm 1 phút, họ đã hỏi lý do. Ban nhạc đến giờ diễn là đi từ khách sạn ra và lên sân khấu luôn, diễn xong đi về ngay lập tức, không tiếp xúc với bất cứ ai nên tôi còn không biết họ như thế nào. Nếu BTC không có tác phong chuyên nghiệp thì rất khủng khiếp”, nam nhạc sĩ thổ lộ.

Chủ tịch IB Group Việt Nam cũng từng có trải nghiệm nhớ đời khi làm việc với Boney M và ban nhạc Smokie vào năm 2016. Ông Dương nhớ lại, vì 2 nghệ sĩ thuộc hai dòng nhạc khác nhau nên BTC phải dùng 2 hệ thống âm thanh khác nhau. Tuy nhiên, đúng lúc chuẩn bị mở màn đêm diễn thì thiết bị đàn mà Smokie mang sang bị lỗi, không thể tìm được đàn khác để thay thế ở Việt Nam.

Chương trình trễ 30 phút mà đàn vẫn chưa sửa được nên ông Dương đề nghị ban nhạc chơi aucoustic và mượn đường dây dẫn âm thanh của Boney M để dùng nhưng không được phía Smokie đồng ý. NSX đưa ra phương án khác là để nhóm Boney M lên diễn trước, nhưng phải thuyết phục mãi mới được Boney M đồng ý. Sau đó, phía Smokie lại chấp nhận hát aucoustic nên ông Dương phải quay lại đàm phán với Boney M và thuyết phục nhóm cho mượn 2 đường dây dẫn âm thanh.

“Tôi nói với họ nếu không vì tôi thì hãy vì hàng nghìn khán giả đang chờ đợi dưới kia. Lúc ấy, từng phút chờ đợi họ nhận lời như dài hàng thế kỷ. Khi họ lên sân khấu, tôi như người từ vực thẳm được kéo lên. Đó là kỷ niệm cân não nhất mà tôi từng gặp. Nếu không thỏa thuận được với 2 nhóm thì phải hủy show. Tôi luôn phải xác định là có thể hủy show vào phút chót”, Chủ tịch IB Group Việt Nam tâm sự. Thế mới thấy, làm việc với các ban nhạc quốc tế, không phải nhà sản xuất nào cũng đủ tầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.