Tài chính

Hậu trường mùa đại hội cổ đông: Những ông chủ “đi làm không vì lương”

03/04/2021, 07:29

Bước vào mùa đại hội cổ đông năm 2021, nhiều kế hoạch chia thưởng, chuyện hậu trường quản trị, thù lao cho các ông chủ doanh nghiệp được hé lộ…

img

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tổ chức sáng 29/3 tại Hà Nội

Lương chủ tịch HĐQT 290 triệu/năm quá thấp

Trong cuộc họp đại hội cổ đông Công ty CP Hóa chất Đức Giang cuối tháng 3 vừa qua, một cổ đông đã đưa ra vấn đề lương trả cho chủ tịch HĐQT quá thấp, không phù hợp với thực tế khi chỉ có 290 triệu đồng/năm, tương đương hơn 24 triệu đồng mỗi tháng.

Chủ tịch HĐQT cũng không có cổ phiếu thưởng. Chế độ đãi ngộ với lãnh đạo cấp cao này bị đánh giá là quá “bèo” bởi dù chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này năm 2020 lại tăng 23% lên 6.236 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cả năm tăng 66% lên gần 948 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch được giao.

Trả lời vấn đề này ngay tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không có quá nhiều nhu cầu khi nhận lương thưởng của Hóa chất Đức Giang, do nhận cổ tức là đủ”.

Được biết, theo cơ cấu tỷ lệ sở hữu của cổ đông công ty, đến ngày 23/2/2021, cá nhân ông Huyền sở hữu hơn 27,5 triệu cổ phiếu (chiếm 18,51%). Ngoài ra, người thân trong gia đình ông cũng sở hữu hơn 30 triệu cổ phiếu của công ty này. Hóa chất Đức Giang dự kiến chia cổ tức năm 2020 là 30%, trong đó cổ tức bằng tiền 15% (đã được tạm ứng cuối 2020) và cổ tức bằng cổ phiếu 15% (tương đương với phát hành 22,3 triệu cổ phiếu). Với tỷ lệ này, giá trị cổ tức (quy tiền) mà ông Huyền và gia đình nhận được tương đương khoảng 170 tỷ đồng.

Một trường hợp ông chủ khác “đi làm không vì lương” là tại Tập đoàn Hòa Phát. Theo báo cáo kiểm toán, tổng thù lao của thành viên HĐQT năm 2020 là 25,24 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019.

Lương thưởng của Ban giám đốc là 2,32 tỷ đồng, cũng giảm 220 triệu đồng so với năm 2019. HĐQT của Hòa Phát có 9 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch Trần Đình Long. Như vậy mức thù lao trung bình của các thành viên HĐQT Hòa Phát năm 2020 là 2,8 tỷ đồng/người/năm (chưa được 260 triệu đồng/người/tháng), của Ban Tổng giám đốc là 773 triệu đồng/người/năm (tương đương 64,4 triệu đồng/tháng).

Mức lương này được nhìn nhận là quá thấp, chỉ tương đương 1/4 so với vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác và thấp so với một Tập đoàn tầm vóc như Hòa Phát và một người được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD như ông Long.

Tuy nhiên, tổng số cổ phiếu HPG của gia đình ông Long tại thời điểm cuối năm 2020 là 1,155 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị tính theo thị giá khoảng 53.132 tỷ đồng. Mỗi năm Hòa Phát trả cổ tức 30%, giá trị cổ tức mà ông Long và gia đình nhận được, tương tự như trường hợp ông Huyền của Hóa chất Đức Giang, là rất lớn.

Một trường hợp trả thù lao kỳ lạ nữa là tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện khi HĐQT công ty đã thông qua báo cáo về thu lao và thưởng HĐQT và ban kiểm soát năm 2020 với chỉ 1% lợi nhuận sau thuế, tương ứng 2,5 tỷ đồng. Còn tổng chi phí đã chi trả cho vị trí Phó chủ tịch HĐQT chuyên trách là gần 2,67 tỷ đồng. Tiền lương, thưởng đã chi cho Trưởng ban kiểm soát chuyên trách gần 1,34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bản đề xuất mức thù lao, lương, thưởng và chi phí cho HĐQT, Ban kiểm soát năm 2021 có nêu các chi phí cho Phó chủ tịch HĐQT chuyên trách sẽ được công ty thanh toán qua chi phí thuê nhà, tiền học phí cho con và các khoản chi phí hoạt động khác theo quy định của Tổng công ty nhưng không trả lương, thưởng cho Phó chủ tịch HĐQT chuyên trách.

Trong khi đó, năm 2020, lợi nhuận trước thuế công ty này đạt gần 305 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 250 tỷ đồng, gần gấp đôi so với chỉ tiêu lợi nhuận 128,7 tỷ đồng và tăng 110% so với năm 2019.

Lãnh đạo “đấu đá”, kinh doanh bết bát

Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VCC - mã chứng khoán CCV) vừa công bố Giấy đề nghị triệu tập đại hội cổ đông bất thường của cổ đông lớn là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC - mã chứng khoán VGV), đơn vị hiện sở hữu 51% vốn điều lệ của CCV.

Điều gây “sốc” nhất của đại hội bất thường này là thảo luận và quyết định bãi nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và bầu lại thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mới hoàn toàn.

Cổ đông VNCC đưa ra lý do HĐQT Công ty VCC hiện tại yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, không hoàn thành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông.

VCC là doanh nghiệp có lịch sử hơn 40 năm, tiền thân là Viện thiết kế công nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Kết quả kinh doanh, năm 2020 VCC đạt 159,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm 7,6% xuống còn hơn 12,1 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giảm sút được cho là xuất phát từ tình trạng mâu thuẫn trầm trọng giữa các thành viên HĐQT trong thời gian dài làm cho hoạt động của HĐQT bị vô hiệu hóa, HĐQT không được tổ chức họp định kỳ hàng tháng theo quy định, nhiều cuộc họp được tổ chức nhưng không họp được.

Một thành viên HĐQT là ông Trần Huy Ánh do cổ đông VNCC cử ra hiện không còn là người đại diện quản lý vốn của VNCC nhưng vẫn có tên trong danh sách HĐQT VCC.

Để tình trạng mâu thuẫn kéo dài, Ban kiểm soát công ty cũng bị tố không hoàn thành nhiệm vụ, chưa thực hiện được chức năng giám sát, để xảy ra hàng loạt vi phạm của thành viên HĐQT và Tổng giám đốc, tình trạng khiếu nại nội bộ kéo dài.

Một trường hợp tương tự trước đó là Eximbank khi nội bộ “đấu đá”, mâu thuẫn kéo dài nhiều năm qua gây ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng này và quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Eximbank cũng là ngân hàng duy nhất chưa tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông sau 5 lần hoãn liên tục trong năm 2020.

“Cuộc chiến” tranh giành quyền kiểm soát tại Eximbank ngày càng rối ren khi các nhóm cổ đông tranh nhau ghế Chủ tịch ngân hàng. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, vị trí Chủ tịch Eximbank đã 5 lần đổi. Câu chuyện nhân sự cấp cao HĐQT Eximbank vẫn đang là tâm điểm khi một số cổ đông lớn tiếp tục gửi văn bản tới HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của Eximbank vì mâu thuẫn mà trở nên rất xấu khi nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết ngày 31/12/2020 đã tăng gần 31,1% lên khoảng 2.534 tỷ đồng. Trong cơ cấu tín dụng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng vọt gần 231%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) cũng tăng 132,8%.

Theo thông báo mới nhất của ngân hàng này, ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần 3 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4 tới, danh sách cổ đông chốt tại ngày 10/3/2020. Ngay sau đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 sẽ tổ chức vào ngày 27/4, danh sách cổ đông chốt tại ngày 22/3/2021.

Ngân hàng chia cổ tức cao

BIDV là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Trong đó, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng. Đối với cổ tức, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Trước đó, đầu năm 2021, BIDV đã chi hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%.

Trong phương án tăng vốn của VIB năm 2021, ngân hàng này cũng dự kiến gồm cả hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.

Năm 2021, OCB dự kiến chia cổ tức ở mức khoảng 25%. SHB cũng là ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức cao cho cổ đông với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu trong năm 2021, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. MSB cũng có phương án chia cổ tức tối thiểu 15%.

Một số ngân hàng khác có phương án chia cổ tức cao như ACB chia cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu; VietinBank tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng qua phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ gần 28,8%...

Nhiều doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến

Bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay có khoảng 10 doanh nghiệp lên phương án tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến. Đại diện Sở cho biết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các công ty và đại hội cổ đông chỉ cần sửa đổi điều lệ để tổ chức. Năm ngoái, nhiều công ty cũng đã tổ chức trực tuyến thành công.

Về công nghệ, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các Sở giao dịch triển khai hệ thống e-voting. Nếu chi phí sử dụng công nghệ thấp hơn tổ chức đại hội cổ đông trực tiếp thì tương lai tổ chức theo hình thức trực tuyến sẽ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Vấn đề chỉ là kiểm soát được thời gian, câu hỏi phản hồi, làm sao thời gian ngắn nhưng hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.