Thị trường

Hậu trường những con số xếp hạng cạnh tranh 63 tỉnh, thành

27/04/2019, 07:00

Dù năm 2019, Hà Nội lần đầu lọt top 10 trong bảng xếp hạng PCI nhưng vẫn đứng sau 8 địa phương khác, trong đó có một số tỉnh khá “sâu” và “xa".

img
Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Dù có bộ tiêu chí riêng, nhưng kết quả xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) đều cho kết quả: Hai đầu tàu kinh tế, xã hội là Hà Nội và TP HCM ì ạch về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ì ạch” hai đầu tàu

Mặc dù năm 2019, Hà Nội lần đầu lọt top 10 trong bảng xếp hạng PCI nhưng vẫn đứng sau 8 địa phương khác, trong đó có một số tỉnh khá “sâu” và “xa” như: Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Nam, Vĩnh Long. Tương tự, TP HCM, một đô thị sôi động, quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng vẫn đứng sau Hà Nội về chỉ số PCI.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, có được kết quả này là nhờ TP đã cải thiện nhiều thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp như: Dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ đăng ký qua mạng, kê khai thuế qua mạng, thời gian giải quyết đăng ký kinh doanh và đầu tư… Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy môi trường kinh doanh tại Hà Nội trước đó còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Mặt khác, chỉ vài ngày sau khi chỉ số PCI được công bố, ở một góc nhìn khác - từ phía người dân - thể hiện qua hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của cả hai đầu tàu này đều nằm trong nhóm chót bảng: TPHCM đứng thứ 5 từ dưới lên, Hà Nội thứ 7 từ dưới lên. Kết quả này một lần nữa đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ lãnh đạo các cấp của TP trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong khi một số tỉnh được ghi nhận về mức độ cải thiện như: Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An hay Thái Bình, đạt điểm cao ở chỉ số chung cũng như chỉ số nội dung thì Hà Nội, TP HCM lại nằm trong nhóm hơn 10 địa phương chỉ đạt mức trung bình thấp và thấp nhất ở hầu hết các nội dung mà PAPI khảo sát. Như chỉ số “Công khai minh bạch”, Hà Nội chỉ đạt 5,09 điểm và TPHCM đạt 5,23 điểm (trên thang điểm 10).

TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Giám đốc dự án PAPI lấy ví dụ vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) là một điển hình cho xung đột giữa người dân và chính quyền trong câu chuyện đất đai xuất phát từ vấn đề không minh bạch thông tin đất đai. “Khi thông tin không minh bạch là tạo môi trường cho tham nhũng hoặc là nhóm lợi ích”, TS. Đặng Hoàng Giang nói.

Hay với chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, trong khi các tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình được đánh giá rất cao, cả Hà Nội và TP HCM đều rơi xuống nhóm thấp nhất. Một lĩnh vực khác rất được quan tâm là “Kiểm soát tham nhũng” ghi nhận điểm cao ở Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh, còn Hà Nội và TP HCM tiếp tục rơi xuống nhóm điểm thấp nhất. TP HCM thậm chí chỉ xếp trên địa phương thấp nhất là Hải Phòng, Hà Nội xếp thứ 6 từ dưới lên.

Chỉ số “Chất lượng bệnh viện tuyến huyện”, Hà Nội và TP HCM cũng bị đánh giá thấp (nhóm 8 địa phương xếp cuối bảng). Thậm chí, “Quản trị môi trường” Hà Nội chỉ đạt 3,58 điểm, TP HCM đạt 3,67 điểm trên thang điểm 10...

Hà Nội và TP HCM chỉ được đánh giá cao hơn (trung bình cao) ở chỉ số “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị điện tử” và đây cũng là những lĩnh vực được các doanh nghiệp ghi nhận.

Do vậy, xét mối tương quan giữa PCI và PAPI năm nay, Hà Nội và TP HCM đều ở nhóm thấp nhất. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Tại sao hai đầu cầu đất nước khả năng cải thiện lại kém như vậy?”, ông Giang lý giải: “Có thể hiểu đơn giản là anh giàu có hơn không có nghĩa là anh tham nhũng ít hơn, đưa thông tin tới tay người dân nhiều hơn”.

Nhóm đầu tích cực, nhóm bét bảng thờ ơ

TOP 10 TỈNH, THÀNH PHỐ TOP ĐẦU VÀ TOP CUỐI PCI:

1. Quảng Ninh; 2. Đồng Tháp;
3. Long An; 4. Bến Tre; 5. Đà Nẵng;
6. Bình Dương; 7. Quảng Nam;
8. Vĩnh Long; 9. Hà Nội;
10. TP Hồ Chí Minh.
54. Quảng Bình; 55. Hải Dương;
56. Sơn La; 57. Cao Bằng;
58. Hưng Yên; 59. Kon Tum;
60. Bắc Kạn; 61. Bình Phước;
62. Lai Châu; 63. Đắk Nông.


PAPI năm nay không xếp hạng Đồng Tháp bởi có sai số về dữ liệu. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn được đánh giá có nhiều tiến triển trong chỉ số PCI. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương trong suốt buổi công bố báo cáo PCI 2019 đã ngồi rà từng chỉ số thành phần để tìm ra nguyên nhân vì sao Đồng Tháp lại kém Quảng Ninh vỏn vẹn 0,17 điểm và chịu xếp vị trí thứ 2. Cuối buổi, ông Dương cho biết: Đồng Tháp chỉ kém ở hai chỉ số gia nhập thị trường và đào tạo; còn chi phí thời gian, chi phí không chính thức... đều cao hơn tỉnh đứng đầu và cam kết sẽ rà soát lại đào tạo năng lực để tăng điểm trong năm sau.

Ông Dương là một trong số ít lãnh đạo tỉnh đã công bố số điện thoại, email cá nhân để doanh nghiệp và người dân trực tiếp phản ánh. Ông còn công khai số điện thoại và email của thư ký để phòng trường hợp ông đi công tác người dân vẫn có nơi phản ánh khúc mắc.

Một điểm đáng lưu ý, cách đây mấy năm ông Dương là tác giả của mô hình Café doanh nhân. Trước 8h sáng, ông ngồi café với các doanh nhân trong tỉnh để nghe vướng mắc, đề đạt và thậm chí còn cầu tiến học hỏi cách quản trị của doanh nghiệp. Mô hình này sau đó đã được các tỉnh như: Yên Bái, Quảng Ninh, Đắk Nông… và thậm chí cả Hà Nội và TP HCM học tập.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, người đứng đầu phải quyết tâm và hành động thì địa phương mới có chuyển biến. Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cũng chung quan điểm khi nói về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh: Các Bộ trưởng là tư lệnh ngành nhưng thực hiện được mới là điều quan trọng. Và mấu chốt ở khâu thực hiện chính là bí thư, chủ tịch các tỉnh.

Ngay sau lễ công bố PCI, PV Báo Giao thông đã liên hệ với lãnh đạo ba tỉnh chót bảng xếp hạng PCI (Đắk Nông đứng cuối với 58,16 điểm, Lai Châu đứng thứ 62 với 58,33 điểm và Bình Phước đứng thứ 61 với 60,02 điểm) để tìm hiểu khó khăn của các địa phương và định hướng cải thiện chỉ số PCI năm tới tuy nhiên đều không nhận được phản hồi hoặc thẳng thừng né tránh. Khi PV Báo Giao thông liên lạc qua điện thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn thì được hướng dẫn trao đổi trực tiếp với Sở KH&ĐT. PV liên hệ với Giám đốc Sở KH&ĐT Lưu Văn Trung thì ông này cho biết, chưa nắm được báo cáo và chỉ biết thông tin qua báo chí rồi... cúp máy.

Chăm lo tốt cho doanh nghiệp, đừng bỏ quên người dân

Có một điểm đáng chú ý là điểm PCI trung vị của các tỉnh, thành đã tăng lên mức khá cao. Tỉnh đầu danh sách PCI năm nay là Quảng Ninh đã đạt 70,36 điểm/100 điểm. Trong khi đó, tỉnh dẫn đầu PAPI mới chỉ đạt 47,05 điểm/80 điểm. Mỗi khía cạnh đều có cách đánh giá khác nhau nhưng cần nhìn nhận vấn đề cải cách hỗ trợ doanh nghiệp rồi các tỉnh cũng phải quan tâm tương xứng tới lợi ích người dân. Hà Nội, TP HCM PCI xếp ở top đầu nhưng PAPI lại đội sổ. Đồng Tháp PCI xếp thứ 2 sau hàng loạt cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chỉ số “Chất lượng nguồn nước” cho người dân chỉ đạt 1,38 điểm.

Không có tỉnh/thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Do đó, chính quyền địa phương cần xem xét phản ánh của người dân qua từng chỉ tiêu cụ thể khi tìm giải pháp cải thiện để người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.