Điện ảnh

Hậu trường phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam “Phượng khấu”

17/03/2020, 05:49

“Phượng khấu” là bộ phim đầu tiên khai thác về hậu cung triều Nguyễn, với kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng.

img
Vai diễn Nhân Tuyên Hoàng thái hậu do NSƯT Lê Thiện thủ vai

Quy tụ 4 thế hệ diễn viên vàng của Việt Nam cùng những nhà chuyên môn lịch sử, văn hóa, trang phục có uy tín, “Phượng khấu” là bộ phim đầu tiên khai thác về hậu cung triều Nguyễn, với kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Cuộc chơi của người yêu nghề

Phim cổ trang là một đề tài thách thức với người làm nghề. Điện ảnh Việt chứng kiến nhiều tác phẩm tiêu tốn tiền tỷ nhưng số phận hẩm hiu. Từ “Thiên mệnh anh hùng” (2012) kinh phí 25 tỷ đồng, doanh thu lỗ hơn 10 tỷ, đến “Khát vọng Thăng Long” (2012) đầu tư 25 tỷ đồng mà chỉ thu về khoảng 16,4 tỷ.

Mới đây, web-drama (phim chiếu mạng) cung đấu đầu tiên của Việt Nam có tên “Phượng khấu” lại được đi một nước cờ táo bạo, một cuộc chơi của những người yêu nghề. Họ sẵn lòng đầu tư kinh phí 19 tỷ đồng cho 11 tập, mỗi tập 45 phút. Nhà tài trợ không ai khác chính là các chuyên gia “tay chơi”, yêu điện ảnh cổ trang.

Lên sóng từ đầu tháng 3, bộ phim nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên các diễn đàn mạng xã hội. Trên fanpage có hơn 56.000 lượt thích, nhiều trích đoạn video được đăng tải thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Ngay khi tập 1 lên sóng, hệ thống phát hành POPS ghi nhận lượng người dùng đăng ký, truy cập tăng lên gấp 7 lần, dẫn đến lỗi nghẽn mạng.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ ê-kíp đầu tư kỹ lưỡng từ khâu tiền kỳ. Hình ảnh phim đều được chăm chút kỹ càng, chính xác với lịch sử nhất có thể. Thậm chí, một số hiện vật thật cũng được sử dụng trong các cảnh quay như hai tấm sắc phong có niên đại 180 năm và một tấm còn lại 100 năm (ở đoạn mở đầu), tráp đồi mồi chứa mực chiếu (ở tập 1), thanh kiếm cổ thời Nguyễn (ở tập 6).

Anh Tôn Thất Minh Khôi (đại diện nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi), thuộc biên kịch phim cho biết, nhóm tham khảo ba nguồn sử liệu chính: Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Thực lục kỷ Thiệu Trị, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ về điển chế - trang phục. Ngoài ra, đoàn phim đã đi thực địa đến các văn bia tại Huế và tham khảo tài liệu của người Pháp. Nội dung phim còn được cố vấn lịch sử bởi GS. sử học Lê Văn Lan và nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần.

Trong khi đó anh Nguyễn Đức Lộc (Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên), đơn vị tài trợ sản xuất trang phục trong phim tiết lộ, kinh phí cho khoảng hơn 200 bộ trang phục lên tới đến cả chục tỷ đồng. “Thực tế, mỗi bộ trang phục không phải được sản xuất theo dây chuyền mà là một sản phẩm riêng biệt. Mỗi nhân vật lại có bộ trang phục riêng như triều phục, thường phục, không bộ nào giống bộ nào. Trung bình, mỗi nhân vật chính khoảng 4-5 bộ. Ngoài ra còn sản xuất cho các nhân vật phụ như quan lại, binh lính, cung nữ, thái giám, chưa kể các phụ kiện như hia hài, áo, mũ...

Anh Đức Lộc cho biết thêm, hai bộ trang phục là Long bào Đại triều phục đi kèm mũ Cửu Long thông thiên và bộ Phượng bào đi kèm mũ Phượng quan là hai bộ trang phục tốn kém thời gian, công sức và kinh phí nhiều nhất. Dù nhận được sự cố vấn của nghệ nhân, nhà nghiên cứu mũ mão Vũ Kim Lộc, nhưng anh Đức Lộc thừa nhận ê-kíp của anh cũng đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Bởi, chỉ cần 1 chi tiết nhỏ như con rồng, phượng chưa đạt đúng tỷ lệ yêu cầu, ê-kíp lại phải huỷ đi và đặt thợ làm lại.

Khó nhất là bối cảnh

img
NSƯT Thành Lộc vào vai hoàng đế Thiệu Trị

Nội dung “Phượng khấu” xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, hay được gọi là Từ Dụ Thái hậu. Bối cảnh phim diễn ra khoảng năm 1840 - 1847, giai đoạn bà đang là phi tần của hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những âm mưu, hiểm nguy chốn hậu cung, bà đã thành công trong việc đưa con trai Hồng Nhậm lên kế vị (tức hoàng đế Tự Đức), còn bà được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu.

Đây là phim cung đấu thuần Việt được xây dựng dựa trên những giai thoại có thật trong triều đại nhà Nguyễn và sáng tạo thêm một số tuyến vai. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, kịch bản phim đúng sử 75% và 25% hư cấu. Phần hư cấu tập trung vào những tình tiết chính sử không ghi rõ hoặc ghi vắn tắt. Theo anh, kế hoạch cho “Phượng khấu” đã được anh và ê-kíp bàn bạc từ tháng 10/2018, đến tháng 12/2019 phim mới bắt đầu bấm máy. Cả đoàn đã mất một năm để lên kịch bản, chế tác trang phục, bối cảnh… Trong đó, việc lựa chọn bối cạnh là điều khiến ê-kíp đau đầu nhất.

“Ban đầu, chúng tôi dự định thực hiện tại Huế, đưa bối cảnh thực lên phim để tạo cảm giác chân thực. Nhưng sau nhiều lần khảo sát, chúng tôi quyết định ghi hình ở Làng cổ Phước Lộc Thọ (Long An) cách TP HCM chưa tới 30km. Tại đây, các không gian nội cảnh được thi công và dàn dựng bên trong các căn nhà giả cổ. Đội thiết kế của phim dựng vách, bình phong, may rèm, kê bàn ghế, giường, bài trí bình gốm... để tái hiện từng phòng, cung của vua Thiệu Trị cũng như các bà phi thời xưa.

“Đoàn đã phải mở xưởng mộc, xưởng may để bổ sung đạo cụ trực tiếp cho phim. Riêng khâu này tốn kém ngang ngửa kinh phí sản xuất trang phục cho các nhân vật”, đạo diễn nói.

Dàn diễn viên 4 thế hệ

Phim quy tụ dàn diễn viên 4 thế hệ, từ nghệ sĩ Lê Thiện, Hồng Vân, Thành Lộc, Hồng Đào, Minh Trang đến các gương mặt trẻ như: Hoa hậu Khánh Vân, Diễm Châu, ca sĩ Amy Lê Anh. Theo tiết lộ của đạo diễn, toàn bộ diễn viên trong phim phải tham gia lớp học về văn hóa triều Nguyễn, tập dáng đi, nghi lễ của phi tần, quan binh, người hầu...

Vào vai thứ phi Phương Nhậm - nhân vật phản diện với nhiều mưu mô, xảo trá, NSND Hồng Vân cho biết, cái khó của chị là nhân vật Phương Nhậm có rất ít tư liệu lịch sử, nên không thể tìm hiểu kỹ được. “Ban đầu, tôi rất hoang mang không biết sẽ vào vai Phương Nhậm như thế nào bởi tìm trên Google không hề có thông tin về nhân vật này. Sau cùng, tôi phải đi hỏi han, tìm tư liệu từ những người biết để có được những thông tin cơ bản nhất. Nhờ thế mà tôi có thể biến tấu, làm cho nhân vật này trở nên hấp dẫn trên màn ảnh. Đặc biệt, tôi rất mong muốn lý giải cho mọi người thấy nguyên nhân tại sao bà Phương Nhậm lại có một số phận như vậy”, nữ nghệ sĩ cho hay.

Riêng vai Chu Phúc Năng (một thái giám hầu cận dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức), ca sĩ Long Nhật cho rằng, gia đình anh từng có ba đời làm quan dưới triều Nguyễn. Trước ngày quay, anh đã về Huế, nhờ ba anh - nhà thơ, nhà thư pháp Nguyệt Đình chia sẻ nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử.

“Ba đã dạy tôi cách đi đứng, cúi chào sao cho đúng với nghi lễ trong cung. Khi nào thái giám được lui, lui ra phải lùi mấy bước, hay cách nói năng, nhấn nhả câu chữ cũng được ba tôi uốn nắn tỉ mỉ. Ngoài ra, tôi tích cực tham gia buổi tập thoại với các bạn diễn dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh để thực hiện vai diễn một cách tốt nhất”, Long Nhật cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.