Điện ảnh

Hậu trường phim hiếm hoi về bóng đá 11 niềm hy vọng

08/05/2018, 10:35

Phim lấy cảm hứng từ bóng đá không quá mới mẻ, nhưng điện ảnh Việt lại khá hiếm những bộ phim...

24

Poster phim “11 niềm hy vọng”

Phim lấy cảm hứng từ bóng đá không quá mới mẻ, nhưng điện ảnh Việt lại khá hiếm những bộ phim về đề tài này. Thực tế, để làm được những bộ phim đề tài bóng đá là cả hành trình gian nan với các nhà làm phim và chính diễn viên.

Người diễn tốt không biết đá bóng, người biết đá diễn sượng

Sau khi U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018, người hâm mộ bóng đá Việt như được tiếp thêm niềm tin và tình yêu với bóng đá Việt Nam. Nhân lúc tình yêu ấy vẫn còn mạnh mẽ, bộ phim 11 niềm hy vọng cũng rục rịch ra mắt. Thực tế, phim được lấy cảm hứng không chỉ từ bóng đá mà còn từ ý chí vươn lên của những cầu thủ để chạm tay tới vinh quang. Đạo diễn Robie Trường tâm sự, anh vừa muốn tiếp thêm tình yêu và niềm tin cho khán giả về bóng đá Việt Nam, đồng thời còn muốn cho thấy để có được vinh quang, các cầu thủ đã phải vượt qua những khó khăn, vấp ngã như thế nào.

"Người Việt đam mê bóng đá, thích bóng đá đẹp, cầu thủ thi đấu hết mình và không dính dáng đến tiêu cực. Tôi nghĩ, một bộ phim lấy cảm hứng về bóng đá thì nên truyền tải được những điều ấy, nên đánh sâu vào tâm lý người Việt về niềm tin cho bóng đá”.

Cựu cầu thủ
Phan Văn Tài Em

“Dù chua chát nhưng sự thực đề tài về bóng đá rất khó ăn khách. Người Việt luôn nghĩ phim là giả, là giải trí chứ không phải thật. Hơn nữa, bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, tạo cho khán giả những cảm xúc mạnh mẽ, vừa khóc vừa cười. Mang những điều đó để làm một bộ phim khiến khán giả thấy không đúng, không thật. Khán giả không quan tâm cầu thủ phải sống như thế nào. Họ chỉ muốn xem cầu thủ thể hiện như thế nào trên sân mà thôi”.

Diễn viên Hà Hiền

Để làm được điều ấy, đoàn phim đã phải mất nhiều thời gian thuyết phục các danh thủ của Việt Nam như: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Phan Văn Tài Em tham gia dự án dù chỉ là vai khách mời. Đạo diễn cũng lắng nghe họ để có thêm những câu chuyện chân thật, bổ sung vào kịch bản. Được biết, không chỉ có các danh thủ, nhiều cựu huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam cũng được mời làm cố vấn để phim đạt được tính thực tế cao nhất.

“Tôi lên ý tưởng từ 10 năm trước, mất 5 năm để chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp với bóng đá Việt Nam, 3 năm để sản xuất. Trước khi phim bấm máy, tôi cũng dành 2 năm đi làm tiền kỳ để tìm hiểu về kỹ xảo. Quay phim xong, tôi dành 6 tháng làm hậu kỳ, hòa âm sao cho phim có chất hào hùng, tự hào dân tộc, gần 1 năm làm kỹ xảo không khí của một trận đấu. Tới giờ, kinh phí ước tính cũng lên tới 26 tỷ đồng”, đạo diễn Robie Trường chia sẻ. Ngoài ra, ê-kíp cũng phải lặn lội tới nhiều trận đấu ghi lại hình ảnh, không khí của cổ động viên về làm hậu kỳ sao cho chân thật nhất.

Diễn viên Hà Hiền kể lại, sau khi đóng phim Sút (2016), anh đã bị viêm xoang vì thể lực không thể đáp ứng được sự vất vả. Diễn viên phải đá liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt mưa nắng để lấy được những pha bóng đẹp nhất. Vừa phải tập trung diễn xuất, vừa phải đá sao cho có những pha bóng đẹp, lại vừa phải kết hợp với máy quay trong những cú sút khiến diễn viên căng thẳng. Thậm chí, Hà Hiền đã ngất ngay khi vừa quay xong một cảnh đá bóng. Anh nhìn nhận, làm phim về bóng đá không đơn giản. Không chỉ đòi hỏi thể lực của diễn viên mà cả cách chọn diễn viên. “Người diễn tốt thì không biết đá bóng, người biết đá thì diễn sượng. Mời cầu thủ lại có chuyên môn tốt nhưng không có kinh nghiệm diễn xuất”, anh cười.

Được biết, để có được không khí sôi nổi của sân bóng, đoàn phim Sút đã phải thuê hơn 500 diễn viên quần chúng làm cổ động viên nên hao tổn khá nhiều kinh phí. Dù vậy, ê-kíp vẫn phải làm kỹ xảo cho cảnh cuối cùng.

Cần truyền tình yêu và niềm tin cho khán giả

Đạo diễn Robie Trường thừa nhận, người hâm mộ không cần biết cầu thủ phải vượt qua những gì, họ chỉ muốn thấy cầu thủ thể hiện thế nào trên sân. Do đó, diễn viên phải được huấn luyện như những cầu thủ quốc gia, phải hòa mình vào bóng đá như một cầu thủ ngoài đời nhưng vẫn phải đảm bảo tính điện ảnh. Ngoài ra, đề tài bóng đá rất khó tạo được niềm tin cho khán giả bởi những mặt trái của bóng đá nước nhà khiến khán giả đã quá ngán ngẩm. “Tôi muốn cho mọi người thấy, không chỉ cá nhân mà cả tập thể, muốn đạt được vinh quang đều phải nỗ lực hết mình và cần thời gian. Việc mời các danh thủ tham gia là một trong những cách truyền cảm hứng sống động, chân thật nhất cho mọi người”, đạo diễn Robie Trường nói.

Thủ vai một huấn luyện viên trong 11 niềm hy vọng, cựu cầu thủ Phan Văn Tài Em bộc bạch, anh không hiểu gì về điện ảnh, nhưng thấy đề tài đúng sở trường và đam mê của mình nên đã nhận lời. Tham gia bộ phim, anh cùng Hồng Sơn hay Huỳnh Đức phải hướng dẫn và chỉ bảo khá nhiều về chuyên môn cho các diễn viên. Tài Em tiết lộ, chỉ có vài cảnh quay nhưng anh phải quay lại rất nhiều lần vì… không biết diễn. Còn với danh thủ Huỳnh Đức, ban đầu, anh rất bận nên không nhận lời đóng phim. Nhưng khi đọc kịch bản, anh lại quyết định tham gia vì như được sống lại những năm tháng tuổi trẻ với trái bóng tròn. Đồng thời, anh cũng muốn cho khán giả được biết đến những câu chuyện phía sau bóng đá. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.