Thế giới giao thông

Hậu trường phóng viên tháp tùng Tổng thống Mỹ

21/06/2015, 07:28

Đằng sau vẻ hào nhoáng trong những chuyến công du của Tổng thống Obama là hàng loạt những vấn đề đau đầu...

 

anh3
Không phải phóng viên nào cũng được lên chuyên cơ Air Force One, hầu hết phải bỏ tiền
cho một chỗ ngồi trên một máy bay thuê riêng dành cho báo chí.

Mỗi chuyến công du, Tổng thống Obama sẽ được đưa đón bằng chuyên cơ Air Force One với đầy đủ trang thiết bị tối tân. Theo quy định, chi phí khổng lồ cho việc này được trả như sau: Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) sẽ trả một phần tương đương tiền vé máy bay thương mại; còn lại là ngân sách nhà nước. Thế nhưng, cánh báo chí tháp tùng lại phải “tự móc hầu bao” mà tiền phí ngày càng leo thang.

70.000 USD/phóng viên tháp tùng

Điển hình nhất, suốt hành trình Tổng thống Obama dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Á diễn ra tại Trung Quốc - Myanmar và dừng chân tại Australia năm 2014, các phóng viên phải chi 60 nghìn USD riêng tiền vé máy bay. Con số này chưa bao gồm tiền khách sạn, tiền ăn uống và các chi phí khác như tiền thuê phòng khách sạn làm Trung tâm báo chí để đưa tin trực tiếp từ nơi diễn ra sự kiện. Tổng cộng, mức chi phí lên tới 70 nghìn USD/người cho 9 ngày công tác.

Đó là mức chi phí cao nhất từ trước tới nay. Các hãng truyền thông, báo chí đã bất ngờ và tức giận phản ứng khi nhận được thông báo này. Bà Christi Parsons, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Nhà Trắng (WHCA), nơi nhận đăng ký và tổ chức các chuyến đi đưa tin theo Tổng thống, thừa nhận chi phí này khiến nhiều người “choáng” và “không phóng viên nào hài lòng trước mức phí tổn cao ngất ngưởng như thế”.

Chúng tôi vẫn phải đưa tin về Tổng thống một cách đều đặn và trách nhiệm như trước nay vẫn làm. Nhưng chúng tôi cần tìm ra phương án tốt nhất để cân đối cả mặt hậu cần và tài chính”. Một số phương án các tờ báo “ít tiền” hiện nay đang áp dụng: Mua vé máy bay thương mại và hồi hộp “lạy trời” cho máy bay đến đúng giờ với chuyên cơ Tổng thống; cách khác là cử phóng viên thường trú đi thay”.

Giám đốc điều hành văn phòng Washington của NBC News, Mark Whitaker

Chi phí cho cánh báo chí được tính trên các yếu tố như gói đấu thầu cạnh tranh giữa các hãng hàng không và số người đăng ký chuyến đi. Tổng chi phí cho toàn bộ chuyến đi sẽ được chia theo đầu người. Do đó, chi phí sẽ giảm, nếu số người đăng ký đi tăng. Và ngược lại, càng ít người đăng ký thì chi phí sẽ càng cao.

Trong chuyến đi nói trên, chỉ có hai hãng hàng không đấu thầu và số người đăng ký cũng tương đối thấp. Chỉ 51 phóng viên đăng ký, bằng một nửa so với thông thường. Ngoài ra, các hãng thông tấn lại cử ít người đi hơn so với mọi khi: New York Times, Washington Post, AP, Bloomberg News, Reuters, AFP, Wall Street Journal, Tribune Newspapers đều chỉ cử một phóng viên.

Để tiết giảm chi phí mà vẫn kịp thời đưa tin những phiên làm việc của Tổng thống trong chuyến công du châu Á nói trên, phóng viên Anita Kumar được báo McClatchy đặt vé trên các chuyến bay thương mại. Thế nhưng, Steve Thomma, cựu Giám đốc WHCA, đang là phóng viên chính cho McClatchy cảnh báo trước và thực tế diễn ra đúng như thế: Nếu phóng viên di chuyển bằng máy bay thương mại, sẽ gần như không thể bắt kịp Tổng thống trong toàn bộ chuyến công du. Máy bay thương mại có giờ, có lịch trình; còn đoàn của Tổng thống đến và đi vào những giờ “oái ăm”, thường là ngay sau mỗi sự kiện, đó là chưa kể đến chênh lệch múi giờ.

Phóng viên không thích ngồi Air Force One

Mỗi chuyến đi của Tổng thống thường có thêm một máy bay thuê chở riêng các nhà báo, chỉ một số ít có thể ở trong một khoang trên Air Force One. Trên chuyên cơ, họ bị hạn chế đi lại; chỉ được phép ra ngoài đưa tin hoặc nếu đi đâu sẽ có đặc vụ kè kè bên cạnh. Trong khi, ở máy bay thuê, cánh báo chí được tự do, có thể ăn uống thoải mái, làm việc lúc nào muốn. Xong việc, không phải lo đến Tổng thống hoặc quan chức cấp cao đang ở trong cabin, yêu cầu cập nhật thêm.

Nhà văn Ken Walsh, cựu Chủ tịch WHCA, từng di chuyển cùng nhiều đời Tổng thống trên Air Force One (khoảng 300 lần), đã viết một cuốn sách về chuyên cơ Tổng thống, chia sẻ: Nhìn chung, cánh nhà báo thường không thích đi Air Force One, bởi họ bị hạn chế đủ đường. Nhưng, một số ít nhà báo lại thích đi cùng chuyên cơ Tổng thống để có thể tiếp cận nhanh và gần hơn với bất cứ câu chuyện nào nảy sinh trong hành trình.

Tuy nhiên, chuyện đi máy bay nào không do phóng viên thích hay không mà nó phụ thuộc vào mức phí cơ quan báo chí chi trả. Trước kia, tháp tùng Tổng thống được coi là một trong những công việc “cao quý” nhất, thì nay nó bị xem là gánh nặng. Bởi, công tác phí cứ “phi mã” trong khi tình hình kinh tế eo hẹp. Ở thời điểm năm 2010, một chỗ trên máy bay thuê dành cho phóng viên có giá trung bình 2 nghìn USD (nội địa) và hàng chục nghìn USD (nước ngoài).

Ông Christopher Isham, Giám đốc điều hành tại Washington của CBS NEWs cho biết: “Suốt ngày, tôi phải nghĩ cách cắt giảm, co kéo chi phí thế nào cho phù hợp”. Gần đây, càng ít xuất hiện máy bay thuê riêng cho phóng viên tháp tùng Tổng thống. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, nhiều người e ngại, sẽ chẳng còn phóng viên nào tháp tùng đưa tin về Tổng thống nữa”.

Không gì “đau” hơn với những tờ báo “nghèo”, nếu Tổng thống bất ngờ hủy bỏ chuyến đi. Chẳng hạn, trong lần Tổng thống Obama hủy chuyến bay tới Indonesia và Australia vì  tranh cãi chưa xong về chính sách chăm sóc sức khỏe, một số tờ báo thiệt hại lên tới 7.500 USD/ghế.

Bà Christi Parsons từng thừa nhận trong email gửi các phóng viên rằng: Mức phí cho các phóng viên tháp tùng quá cao. Trong tương lai, WHCA sẽ phối hợp các hãng thông tấn báo chí tìm cách tiết giảm khoản chi phí này”.

Sắp có Air Force One mới

Đến năm 2017, chuyên cơ Air Force One sẽ làm việc tổng cộng 30 năm và là chiếc Boeing dòng 747-200 duy nhất tại Mỹ còn hoạt động. Chi phí vận hành, sửa chữa, nâng cấp còn đắt hơn cả chi phí mua mới. Thêm vào đó, lý do cần mua chuyên cơ mới không dừng ở chuyện tiền nong.

Nhà lịch sử học tại Viện Bảo tàng Quốc gia của Lực lượng Không quân Mỹ Jeff Underwood nhận định: Tính độc đáo, chuyên dụng của chuyên cơ Air Force One góp phần đưa nước Mỹ lên một tầm cao mới. Nó không đơn thuần là chuyên cơ Tổng thống mà còn là máy bay của người dân Mỹ, biểu tượng của nước Mỹ. Ông Ken Walsh cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Air Force One đã trở thành biểu tượng của công nghệ và kỹ thuật hiện đại tối tân Mỹ”. Ông Ken từng thăm dò ý kiến năm Tổng thống về cảm nhận của họ với Air Force One và “điều mà bốn trong năm vị Tổng thống nhớ nhất khi hết nhiệm kỳ, rời khỏi Nhà Trắng không gì khác ngoài Air Force One”. Theo họ, chính phủ không nên tiếc tiền để bảo vệ biểu tượng của đất nước Mỹ.

Vì vậy, Không quân Mỹ quyết định thay chuyên cơ Tổng thống. Tổng chi phí cho dự án mua mới mà Bộ Quốc phòng trình lên Quốc hội xuất phát điểm từ 102 triệu USD, sẽ tăng dần lên hơn 3 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Đó là chưa kể chi phí cho ba năm cuối của dự án.

Bộ Quốc phòng sẽ mua ba máy bay Boeing 747-8 để “độ” thành chuyên cơ. Dự kiến, họ sẽ ký hợp đồng mua máy bay đầu tiên với Boeing vào cuối năm nay. Chiếc Boeing 747-8 rộng gần 450 m2, có giá khởi điểm là 367 triệu USD, sau đó sẽ được “tùy chỉnh” cho phù hợp với “đẳng cấp Tổng thống”.Và các nhà báo cũng đang rất háo hức được bay trên biểu tượng mới của nước Mỹ này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.