Hồ sơ tài liệu

Hậu trường vụ đưa “Hồ sơ Uber” lên mặt báo

31/07/2022, 08:32

Vụ rò rỉ số tài liệu khổng lồ đã tiết lộ cách thức các chính khách hàng đầu bí mật giúp hãng xe taxi công nghệ Uber.

Để đưa thông tin lên mặt báo, cả người cung cấp và tờ báo The Guardian - tờ báo đầu tiên tiếp nhận thông tin đều phải đưa ra những quyết định chưa từng có.

Quyết định chưa từng có của Guardian

Paul Lewis, phóng viên điều tra hàng đầu của Guardian đã được một người trung gian kết nối với người tung tin là Mark MacGann từ tháng 3 năm nay.

Nắm trong tay “bom tấn” tin tức, Lewis hoàn toàn có thể giữ riêng để âm thầm điều tra và tạo tiếng vang, bản sắc riêng cho The Guardian giữa cả “rừng” báo điện tử hiện nay.

Nhưng họ đã đưa ra quyết định chia sẻ cho 180 nhà báo đang làm việc với 42 tổ chức truyền thông ở 29 quốc gia thông qua Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

img

Người tung thông tin về Uber là Mark MacGann cựu Giám đốc vận động hành lang của Uber tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Đồ họa: Guardian

Thừa nhận đây là động thái chưa từng có từ Guardian, nhưng Lewis vẫn quyết định thực hiện vì muốn đảm bảo cuộc điều tra có tác động lan tỏa toàn cầu. Lewis đã đến gặp người tố giác Uber là Mark MacGann lần đầu tiên tại Geneva vào tháng 3.

“Chúng tôi đã làm việc với Mark trong nhiều ngày, tìm hiểu rõ câu chuyện và lý do tại sao họ hành động như vậy, cũng như nắm bắt thông tin cốt lõi”, Lewis kể.

Nhưng với lượng thông tin lớn đến 124.000 tập tin và cần phải xử lý nhanh để sớm lan tỏa thông tin đến độc giả, nếu chỉ có nhóm điều tra của Guardian thôi là chưa đủ. Do đó, nhóm đã tìm cách để mở rộng phạm vi tiếp cận.

“Rõ ràng đây là một vụ rò rỉ dữ liệu có thể tác động trên toàn thế giới. Và sẽ rất hữu ích nếu huy động được thêm các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, ICIJ là giải pháp tốt nhất vì tổ chức này có mạng lưới 280 nhà báo điều tra tại 100 quốc gia”, Lewis cho biết.

Với sự hợp lực của các nhà báo chuyên nghiệp, rất nhanh, khối lượng thông tin khổng lồ đã được xử lý, thể hiện bằng loạt bài lớn trên các hãng truyền thông toàn cầu từ ngày 10/7, có tốc độ lan tỏa rộng và tạo ra làn sóng phản ứng rộng khắp các nước.

3 năm cho 1 quyết định

img

Uber bị cho là đã cố tình kích động lái xe Uber biểu tình để gây áp lực lên chính phủ

Với Mark MacGann, quá trình từ một cựu Giám đốc vận động hành lang của Uber tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, từng là thành viên chủ chốt tham gia chỉ đạo, thực hiện vận động quan chức, lãnh đạo chính phủ cho Uber, đến lúc trở thành người cung cấp “bom tấn” thông tin, dài khoảng 3 năm.

Khi được hỏi lý do quyết định hành động, MacGann nhấn mạnh 3 từ “vì hối hận”. Người đàn ông 52 tuổi chia sẻ: “Chính tôi là người trực tiếp trao đổi với giới chức các nước. Chính tôi đã thúc đẩy hợp tác với truyền thông và cũng chính tôi là người kêu gọi cần phải thay đổi quy định có lợi cho Uber với lý do tài xế hợp tác cùng Uber sẽ được hưởng lợi”.

“Khoảnh khắc nhận thấy hóa ra mọi việc không phải như vậy, chúng tôi thực chất đã bán những lời nói dối. Làm sao tôi có thể giữ lương tâm trong sáng nếu không đứng lên, chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm?”, MacGann nói.

Tuy nhiên, MacGann thừa nhận bản thân anh có rất nhiều bất đồng với công ty, đã có lần kiện công ty ra tòa, chỉ trích Uber vì không được đối xử xứng đáng khi anh chấp nhận từ bỏ công việc lương cao ở các tập đoàn khác để về làm ở Uber.

Anh chấp nhận lương giảm từ 750.000 USD/năm còn 160.000 USD vì tin vào lời hứa sẽ được quyền chọn mua cổ phiếu Uber đầy tiềm năng, có thể trị giá hàng triệu USD nếu Uber thực hiện được tham vọng toàn cầu.

Hiện, chưa rõ đằng sau việc tung thông tin có những mâu thuẫn gì khác hay không nhưng MacGann khẳng định, chỉ công bố thông tin khi anh đã hòa giải với công ty bên ngoài tòa án, nhận khoản bồi thường khoảng 550.000 euro.

Hối hận vì theo đuổi “giấc mơ”

img

Xe của Mark MacGann bị dán hình ảnh đe dọa tấn công anh và các CEO của Uber

Theo MacGann, dưới thời CEO Travis Kalanick, Uber đã dùng “miếng mồi quyền chọn cổ phiếu” cùng lý tưởng xây dựng một “kỳ lân khởi nghiệp” phá vỡ sự độc quyền, làm thay đổi bức tranh thị trường taxi hiện nay, để thu hút nhân tài. “Tôi tin vào giấc mơ đó và tôi đã quá nhiệt tình”, MacGann kể.

Từng phải làm việc 20 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục ở trên máy bay, họp hành, hội nghị trực tuyến liên miên, nhiệm vụ của MacGann là tiếp cận tới các cấp cao nhất của chính quyền các thành phố/quốc gia mà Uber hoạt động.

Bản thân anh đã xuất hiện tại nhiều cuộc họp với các thủ tướng, tổng thống, bộ trưởng giao thông và kinh tế, ủy viên EU, thị trưởng và các cơ quan quản lý thành phố…

MacGann nhận định, với sự vận động của Uber, hầu hết các chính trị gia cấp cao đều ủng hộ Uber theo bản năng vì cho rằng công ty công nghệ này cung cấp một nền tảng mới sáng tạo, có thể góp phần tạo động lực cho các nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo lời MacGann, đã có nhiều lần anh phản đối cách làm việc của Uber nhưng không thành.

Trong thời gian làm việc tại Uber, là người trực tiếp thực hiện các hoạt động vận động hành lang nên MacGann liên tục bị các tài xế taxi truyền thống uy hiếp, đe dọa, theo dõi, đến mức phải thuê một đội vệ sĩ để theo sát.

Trước quá nhiều áp lực, MacGann nghỉ việc tại Uber từ năm 2016, tiếp tục làm cố vấn thêm 1 năm nữa, chính thức dừng công việc liên quan tới công ty Mỹ từ năm 2017. Dù đã nghỉ việc nhưng anh vẫn bị các lái xe truyền thống căm hận và đeo bám, đe dọa.

Những áp lực đó cộng với sự ra đi của một người bạn thân, năm 2019, MacGann đã được chẩn đoán bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn, phải điều trị suốt cả năm. Chính trong thời gian ấy, MacGann buộc phải nhìn lại mình, từ đó đánh giá lại thời gian làm việc ở Uber.

Không còn sống trong nhịp hối hả của một giám đốc, MacGann đã có thời gian để lắng nghe kỹ hơn câu chuyện của các tài xế Uber. Tất cả đã thay đổi cách hiểu của anh về thứ mà công ty từng gọi là “động lực kinh tế” và thôi thúc anh tìm cách công bố những thông tin trên.

Hồ sơ rò rỉ bao gồm 124.000 tài liệu từ thư điện tử, các cuộc trò chuyện qua tin nhắn điện thoại và WhatsApp giữa các giám đốc điều hành hàng đầu của Uber, các quan chức, lãnh đạo thế giới ở gần 30 quốc gia trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2017 - giai đoạn Uber mở rộng mạnh mẽ nhất.

“Quả bom tấn” thông tin về Uber đã tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ, kéo theo cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố ở nhiều quốc gia như Ý, Pháp và Anh, kêu gọi điều tra các quan chức từng có quan hệ với Uber được nêu trong hồ sơ, yêu cầu cải cách quy định vận động hành lang tại nhiều quốc gia.

Thậm chí, tại Pháp, Liên đoàn Taxi quốc gia đã tuyên bố sẽ có hành động pháp lý đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Một số đảng đối lập đã gây áp lực, kêu gọi tổ chức điều trần tại quốc hội về quan hệ giữa ông Macron với Uber, bỏ phiếu tín nhiệm về ông Macron. Về phần mình, đương kim Tổng thống Pháp khẳng định không làm sai và tự hào vì nỗ lực thu hút các doanh nghiệp tới Pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.