Chuyện dọc đường

Hãy khắt khe hơn với chính bản thân mình

17/08/2020, 06:38

Nhiều người còn chủ quan, lơ là. Họ có thể khắt khe với bệnh nhân Covid-19, nhưng lại không biết khắt khe với chính bản thân mình...

img
Người nhà bệnh nhân 431 quỳ gối tiễn biệt người thân bên đường

Tôi đã không khỏi suy nghĩ khi đặt 2 bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội, một bức là cảnh người thân quỳ gối dưới đường, cách xa quan tài đặt thi hài bệnh nhân Covid-19 trước giờ hỏa táng và cảnh người dân Đà Nẵng đang chen chúc như đi chợ để xét nghiệm Covid-19.

Với bức ảnh đầu tiên, có thể thấy những người thân của bệnh nhân Covid-19 tử vong đứng cách rất xa xe chở quan tài, mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, bởi không thể tổ chức tang lễ theo nghi thức thông thường để phòng chống dịch. Hình ảnh tiễn biệt người thân có một không hai này khiến nhiều người xúc động.

Nhưng không hiểu sao trên mạng lại xuất hiện thông tin suy diễn cho rằng, lực lượng y tế dừng xe cứu thương chở thi hài bệnh nhân Covid-19 giữa đường cho người thân vái lạy như vậy là vi phạm quy định phòng chống dịch. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế sau đó cũng đã bác bỏ các thông tin này.

Sự lo sợ lây nhiễm chéo có phần cực đoan, suy cho cùng cũng là tâm lý khá phổ biến: Chỉ sợ khi biết! Còn lại, dù cho mầm bệnh, mối họa lây lan Covid-19 vẫn đang thường trực ngoài cộng đồng nhưng “vô hình” trước mắt mọi người, nên chưa được thiết lập phòng ngừa ở mức chủ động, tự giác cao nhất.

Điển hình, bức ảnh chụp buổi xét nghiệm tập trung tại phường Hòa An (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), với dòng người đứng xếp hàng chen chúc khiến không ít người giật mình.

Đây là địa bàn vừa ghi nhận một Phó chủ tịch UBND phường dương tính Covid-19. Cán bộ, người dân trên địa bàn thuộc diện F1, F2… phải cách ly và được xét nghiệm tập trung.

Dù đang ở trong nhóm “nguy cơ”, nhưng người dân không tuân thủ quy định giãn cách, đứng chen chúc để được xét nghiệm nhanh nhất.

img
Cảnh người dân tập trung đông, không đảm bảo giãn cách trên 2m khi đi xét nghiệm Covid-19 tại phường Hòa An (Cẩm Lệ). Ảnh: FB

Người viết bài này mới đây đã trực tiếp đi xét nghiệm tập trung tại phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) - một “điểm nóng” nguy cơ lây lan dịch và ghi nhận cảnh tượng tương tự.

Đại đa số người dân chỉ đeo mỗi khẩu trang, tụm năm tụm bẩy chuyện trò. Tôi phải cố gắng để chủ động lách ra khỏi đám người như va vào mình…

Dịp thường, trên cây cầu Thuận Phước chỉ lác đác vài người đạp xe, tập thể dục, nhưng thời đại dịch, người người lại “tranh thủ” đạp xe, đi bộ, dừng lại vãn cảnh gây tình trạng đông đúc. Ở một số nơi, nhiều thanh niên còn tụ tập đánh bài ăn tiền, tổ chức ăn nhậu, hát karaoke…

Thực tế cho thấy, nhiều người lo việc bái lạy thi hài bệnh nhân Covid-19 có thể gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhưng lại tự chủ quan, lơ là ngay cả khi đi xét nghiệm Covid-19. Họ có thể khắt khe với bệnh nhân Covid-19, nhưng lại không biết khắt khe với chính bản thân mình.

Anh Sơn, Đội trưởng Đội xe Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, người vừa chở thi hài bệnh nhân Covid-19 lên khu hỏa táng hôm vừa rồi chia sẻ: “Trước đại dịch, phận người thêm mong manh. Đừng chỉ nhìn vào những cái “hữu hình” với những ca dương tính, hãy khắt khe với chính mình, bởi nguồn lây dịch bệnh “vô hình” trước mắt chúng ta”.

Và không phải ngẫu nhiên, một nhà báo ở Đà Nẵng từng viết status trên facebook của mình với đại ý, đừng gọi các ca bệnh Covid-19, F1 là “đối tượng”, đừng khắt khe và kỳ thị họ. Nhưng hãy chung sức, đồng lòng từ chính ý thức của mỗi người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.