Thế giới

Hé lộ ẩn số vụ cảnh báo sai tên lửa bắn vào Hawaii

01/02/2018, 10:45

Truyền thông Mỹ cho hay, theo cuộc điều tra của liên bang, nhân viên của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii...

13

Người dân Hawaii chui xuống hố cá nhân để trú ẩn ngày 13/1/2018

Truyền thông Mỹ hôm 31/1 cho hay, theo cuộc điều tra của liên bang, nhân viên của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii (người đã gửi cảnh báo báo động sai về vụ tấn công tên lửa vào đầu tháng 1) cho biết, ông ta nghe nhầm tin nhắn về một cuộc diễn tập và tin rằng một tên lửa đạn đạo đang hướng tới bang này.

Mâu thuẫn trong cách giải thích

Thông tin trên mâu thuẫn hoàn toàn với lời giải thích trước đây của Thống đốc bang Hawaii David Ige khi cho rằng, “cảnh báo ngày 13/1 đã được gửi đi vì nhân viên phụ trách đã nhấn nhầm nút gửi”.

Quan chức Hawaii giải thích rằng sự cố xảy ra trong một phiên đổi ca trực và thực hành thao tác kỹ thuật, dẫn tới việc “bấm nhầm nút”. Sai sót này đã kích hoạt hệ thống điện thoại tự động trên hòn đảo đi kèm với cảnh báo hối thúc người dân nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn. Sự việc đã gây ra một cơn hoảng loạn khắp bang Hawaii.

Khi cảnh báo được gửi tới điện thoại di động khắp tiểu bang Hawaii trên Thái Bình Dương, mọi người bắt đầu điên cuồng cố gắng xác định xem họ có thể giữ an toàn trong bao lâu. Một số tìm nơi trú ẩn trong nhà, trong khi một số khác lại cố chạy ra đường.

Ông Ige cũng giải thích việc chậm trễ đính chính báo động sai là do ông không thể đăng nhập ngay lập tức vào tài khoản Twitter cá nhân và phải mất thời gian gọi điện thông báo cho Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp của bang.

Cơ quan này phải mất 15 phút sau mới xác nhận thông tin và đăng thông điệp cải chính lên Twitter. Còn tin nhắn thông báo báo động nhầm chỉ được gửi đến điện thoại của người dân sau 38 phút.

Sự cố xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang, khiến dấy lên nỗi lo sợ về các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ. Trong khi, Hawaii với vị trí ở Thái Bình Dương, sẽ là mục tiêu tiềm năng của cuộc tấn công này.

Cũng vì lo ngại các cuộc tấn công tiềm ẩn, tháng 11/2017, Hawaii sử dụng lại hệ thống còi báo động từ thời Chiến tranh Lạnh để đề phòng tên lửa Triều Tiên. Bang này cũng tăng cường nỗ lực tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho 1,4 triệu cư dân cũng như du khách về cách thức ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân, thông qua các cuộc tiếp xúc cộng đồng và hệ thống phát thanh truyền hình.

Nhiều vấn đề cần khắc phục

Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), cảnh báo khẩn cấp qua hệ thống vô tuyến điện/radio là tín hiệu đặc biệt do chính quyền bang và địa phương trực tiếp điều hành thông qua kết nối giữa FCC, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang và hệ thống vô tuyến điện.

Báo cáo của FCC ngày 31/1 chỉ ra rằng, vụ việc xảy ra khi một giám sát viên ca đêm đã quyết định thử nhân viên ca ngày bằng một cuộc diễn tập cảnh báo khẩn cấp. Người giám sát các nhân viên làm việc vào ca ngày dường như nhận thức được các bài kiểm tra sắp tới nhưng họ tin rằng nó nhằm vào các nhân viên ca đêm vừa hết ca. Kết quả là, người quản lý ca ngày đã không chuẩn bị để giám sát buổi thử nghiệm buổi sáng.

Theo các bước tiêu chuẩn, giám sát ca đêm sẽ làm ra vẻ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã phát một thông điệp được ghi lại cho các nhân viên khẩn cấp cảnh báo họ về mối đe dọa giả định. Thông điệp này bao gồm cụm từ “Diễn tập, diễn tập, diễn tập”, nhưng nó cũng truyền đi: “Đây không phải là một cuộc tập trận”, ngôn ngữ được sử dụng cho các cảnh báo tên lửa thật.

Nhân viên gửi cảnh báo khẩn cấp cho biết, họ không nghe thấy phần “Diễn tập” của thông điệp. Nhân viên này hiện chưa được công khai danh tính và đã từ chối phỏng vấn. Tuy nhiên, ông ta đã đưa ra một lời khai bằng văn bản. Theo FCC, nhân viên gửi cảnh báo khẩn cấp là người duy nhất dường như không hiểu đó là một cuộc tập trận.

Sau quá trình điều tra, FCC cho rằng, việc báo động sai là do một loạt lỗi, gồm sự nhầm lẫn của thông điệp ban đầu mà nhân viên trực nhận được, sự thiếu liên lạc và giám sát của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii. Để giải quyết những gì đã xảy ra, cán bộ quản lý khẩn cấp của Hawaii sẽ yêu cầu phê duyệt bổ sung trước khi cảnh báo được truyền đi.

Thêm vào đó, FCC cũng chỉ ra cảnh báo sai vào ngày 13/1 đã không thể kiểm tra bởi hệ thống máy tính của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii vì có rất ít sự khác biệt trong việc gửi các cảnh báo diễn tập và một cảnh báo thực sự. Điều này đặt ra một vấn đề nữa cần giải quyết là phải xây dựng một hệ thống giao diện khác nhau dành cho diễn tập cho tình huống thực. Giả dụ, trong một tình huống thực mà người dân và cả chính quyền đều hiểu nhầm là một tình huống diễn tập thì đó mới thực sự là tai họa khủng khiếp.

Trong khi đó, có người còn tin rằng đây có thể là một sự “nhầm lẫn chủ ý” để thử phản ứng của người dân tiểu bang Hawaii trong bối cảnh có nhiều lo ngại gia tăng về khả năng đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai không xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.