Điện ảnh

Hé lộ Bầu trời đỏ-bộ phim tình cảm Pháp quay ở Việt Nam

03/07/2017, 07:55

Bầu trời đỏ (Ciel rouge) đánh dấu sự trở lại Việt Nam của các nhà làm phim người Pháp.

23

Một cảnh trong phim “Bầu trời đỏ”

Nhiều cảnh nóng bị cắt

Bầu trời đỏ - bộ phim kể về chuyện tình của một sĩ quan Pháp và một cô gái Việt minh trong những năm 1946, 1947. Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giữa một anh lính Pháp tên là Philippe (Cyril Descours đóng) và một cô gái Việt minh tên Thy (Audrey Giacomini đóng). Thy tham gia kháng chiến bị chính Philippe bắt làm tù binh. Bị sốc khi hiểu mình buộc phải tra tấn cô gái trẻ, anh đã quyết định bỏ trốn cùng cô trong một hành trình vô định giữa rừng núi hoang vu. Họ đã băng rừng và ẩn trú giữa thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp, bên hồ Ba Bể, tách biệt khỏi thế giới, khỏi cuộc chiến tranh. Họ đã tự vấn và đối chất, khám phá chính bản thân mình. Một tình yêu được đơm hoa kết trái giữa bom đạn, giữa hai chiến tuyến.

Bầu trời đỏ - một bộ phim thuộc dòng nghệ thuật, tuy nhiên, nội dung phim không hề khó hiểu. Đối thoại trong phim sinh động và gợi mở nhiều khoảng trống, nơi người xem có thể vừa cười thấm thía vừa khóc đắng cay, tiếc nuối và buồn nhớ cho những câu chuyện không trọn vẹn của chính mình. Đặc biệt, dưới góc nhìn người Việt, đây là phim Pháp đầu tiên mà người hùng - nhân vật nữ chính thuộc phe Việt minh.

Bộ phim Bầu trời đỏ được quay tại Việt Nam vào năm 2015, dài 91 phút. Bộ phim sẽ được công chiếu tại các rạp của Pháp từ ngày 19/7 và tại Việt Nam vào tháng 10/2017. Bộ phim do Olivier Lorelle, một nhà biên kịch Pháp nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh đạo diễn.

Vai nữ chính của Bầu trời đỏ được giao cho Audrey Giacomini, diễn viên nổi tiếng người Pháp gốc Việt từng góp mặt trong Mr Nobody (2009), Polaroid song (2012) hay Mantra (2015).

Theo NSƯT Chiều Xuân, người đã vinh dự góp mặt trong dự án phim với vai trò Giám đốc sản xuất phía Việt Nam, khi trong cuộc sống người ta càng khao khát một tình yêu đích thực thì người ta mới càng thấy cái đẹp, cái an bình của tình yêu đích thực trong phim Bầu trời đỏ là như thế nào. Khi người ta sống trong một thế giới ngày càng có nguy cơ bởi lòng hận thù, chiến tranh, người ta mới thấy giá trị lòng nhân văn, lòng khao khát hoà bình được đề cao trong phim thế nào.

Cyril Décours trong phim là một anh lính dằn vặt, đau khổ vì cuộc chiến tranh, khao khát hoà bình và tình yêu. Audrey Giacomini là cô du kích Việt Nam khao khát tự do, khao khát độc lập và khát khao tình yêu. Họ đã gặp nhau và yêu nhau, hai kẻ trên hai chiến tuyến, như xung quanh họ không hề có bom rơi đạn nổ, như chưa hề có nỗi dằn vặt giằng xé của hai kẻ từng đứng 2 đầu của cuộc chiến tranh.

“Không hoành tráng, hoài niệm như Điện Biên Phủ, Người tình, Đông Dương nhưng Bầu trời đỏ chọn một góc nhìn lãng mạn siêu thực bằng ngôn ngữ hiện thực”, NSƯT Chiều Xuân nhấn mạnh.

Theo đạo diễn Olivier Lorelle, hiện nay, trong quá trình làm phim người ta luôn phải có sự hỗ trợ của hiệu ứng, kỹ thuật. “Chúng tôi làm phim này với một tâm thế khác, làm thế nào đi ngược lại xu thế hiện nay của thời đại trong việc sản xuất phim. Chú ý đến cảnh quay nhiều hơn, góc độ suy ngẫm, chúng ta có thể nhìn ngắm cảnh đẹp, phát huy yếu tố nhìn về cảnh, xem xong với cảm giác lắng đọng, có những suy nghĩ về nhân sinh, cuộc sống”, Olivier Lorelle nói.

Đạo diễn cũng tiết lộ, trong phim đã có rất nhiều cảnh “nóng” mang tính nghệ thuật giữa hai nhân vật chính. Tuy nhiên, một số cảnh nóng sau đó đã bị cắt và làm ngắn lại.

Suýt quay tại Campuchia

Để tổ chức huy động tài trợ cho bộ phim Bầu trời đỏ, đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn. “Nhiều nhà đầu tư nói, đề tài chiến tranh thật sự cũ và khán giả cũng không quan tâm. Ngay cả phim thương mại nhà đầu tư cũng không yên tâm, trong khi đó phim về đề tài chiến tranh Đông Dương đã rất xa. Khi chúng tôi xin tài trợ của 1 đài truyền hình đã bị từ chối. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, sau đó chúng tôi cũng đã huy động được tài trợ”, đạo diễn Olivier Lorelle cho biết.

Cũng theo đạo diễn người Pháp, ban đầu, đoàn làm phim định chọn Campuchia để quay vì ở Việt Nam việc xin giấy phép làm phim chiến tranh tương đối khó. Tuy nhiên, sau đó Phó giám đốc sản xuất phim là Mathieu Ripka đã khuyên ông tốt nhất quay ở Việt Nam, bởi không đâu làm phim tốt nhất về Việt Nam bằng chính ở Việt Nam.

“Tôi thấy có lý và quyết định quay toàn bộ phim tại Việt Nam. Ban đầu tôi nghĩ đến vịnh Hạ Long, tuy nhiên nó xuất hiện nhiều trong Đông Dương rồi. Cuối cùng chúng tôi chọn những điểm ít khách du lịch lui tới hơn như hồ Ba Bể, Đồng Văn và Mèo Vạc của Hà Giang để cảnh quay chân thực và hoang sơ hơn.

Khi được tiếp xúc và làm việc cùng, Olivier Lorelle thấy êkíp Việt Nam rất chuyên nghiệp và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. “Tôi thực sự ấn tượng các cảnh quay trong phim và thấy sự lựa chọn này của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý”, ông nói.

Trong quá trình làm phim ở Việt Nam, đạo diễn Olivier Lorelle tiết lộ, ekip gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không có khó khăn nào mà ekip không thể vượt qua. “Có thể nói, chị Chiều Xuân là người đỡ đầu, hanh thông cho dự án của chúng tôi trở thành hiện thực. Khi làm việc cảm thấy nhẹ nhàng, đơn giản, khi chọn cảnh quay mới chúng tôi vô cùng yên tâm, mỗi cảnh quay đều trọn vẹn”, Olivier Lorelle nói.

Thiên nhiên Việt Nam, nhân vật thứ 3

Đạo diễn Olivier Lorelle cho biết, ngoài hai diễn viên chính, thiên nhiên Việt Nam chính là nhân vật thứ ba quan trọng trong phim. Cảnh hồ Ba Bể, những cánh rừng, cảnh đẹp Đồng Văn, Mèo Vạc xuất hiện hùng vĩ trên màn ảnh.

Trong bộ phim này, vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam được đặt lên hàng đầu, đầy chất thơ, chiến tranh chỉ là bức phông nền để tôn lên câu chuyện tình yêu của 2 nhân vật chính. Olivier Lorelle mong muốn khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, để có thể suy ngẫm một điều gì đó về sức mạnh của tình yêu.

“Kinh phí làm phim này không cao như Đông Dương khi có nhiều cảnh quay ở vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, các địa điểm du lịch mới mẻ trong phim hứa hẹn tạo nên sức hấp dẫn”, đạo diễn Olivier Lorelle nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.