Thời sự

Hé lộ hậu trưởng "nghề" ...Tổng biên tập

21/06/2015, 13:32

Nhiều người, vẫn thường nghĩ làm Tổng biên tập là “ngồi mát ăn bát vàng”, bởi đứng đầu cơ quan “quyền lực thứ tư”...

101
Nhà báo Dương Xuân Nam

Nhân kỷ niệm 90 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các Tổng biên tập đương nhiệm và nguyên là Tổng biên tập các cơ quan báo chí đã chia sẻ với Báo Giao thông về những điều mà nhiều người vẫn “tưởng” như thế.

Trăm thứ phải lo

Nhà báo Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong) chia sẻ: “Làm báo là một nghề, làm Tổng biên tập cũng là một nghề. Nhưng đây là một nghề khó khăn, vất vả và nguy hiểm nữa. Tất nhiên, nếu anh làm Tổng biên tập một cơ quan báo chí, truyền thông được bao cấp, mặc dù cũng khổ nhưng không vất vả, khó khăn hơn với chuyện “cơm áo, gạo tiền” nuôi cán bộ, PV”.

Áp lực về chính trị

“Thời tôi làm Tổng biên tập Báo Tiền Phong, có nhiều kỷ niệm lắm, vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít. Một lần tờ báo bị khởi tố về tội làm lộ bí mật quốc gia. Chúng tôi phải tìm luật sư, tìm bằng chứng pháp lý để làm rõ. Tuy vất vả, căng thẳng và vô vàn khó khăn nhưng cuối cùng chúng tôi đã thắng, cơ quan chức năng phải rút quyết định khởi tố. Uy tín của Báo Tiền Phong sau những lần như vậy tăng cao, bạn đọc rất tin tưởng ở chúng tôi…”.

Nhà báo Dương Xuân Nam

Theo nhà báo Dương Xuân Nam, thực chất Tổng biên tập vừa là người làm chính trị, đứng đầu một cơ quan truyền thông chính trị xã hội lại vừa là một doanh nhân, như một tổng giám đốc hay chủ tịch một tập đoàn. Không những phải lo cho tờ báo đi đúng đường lối chính trị, mà còn phải lo phát triển tờ báo, lo hạch toán kinh doanh có lãi, vừa là “lãi” về mặt tác động xã hội vừa lãi về kinh tế.

“Thực tế, như Báo Tiền Phong là tờ báo hàng ngày, lại có báo tuần, báo tháng, có Công ty Cổ phần Tiền Phong, có nhiều hoạt động xã hội cấp quốc gia nên công việc của Tổng biên tập chẳng khác gì một ông chủ tập đoàn. Nhưng khó hơn do vừa làm chính trị vừa lo kinh tế, không chỉ làm kinh tế đơn thuần. Cái lãi lớn của tờ báo là chính trị xã hội, phải tạo được niềm tin cho độc giả, cho người dân. Tin vào tờ báo, mà báo chí ở ta là của Đảng, của Nhà nước tức là tạo niềm tin vào Đảng, Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Đó mới là cái lãi lớn nhất, quan trọng nhất”, nhà báo Dương Xuân Nam cho hay.

Do nhiều công việc nên Tổng biên tập thường không thể kiểm soát được toàn bộ những sai sót trong quy trình xuất bản như sai chính tả trên title, trang bìa, sai logic, nội dung… Với những lỗi nhẹ thì Tổng biên tập chỉ bị cơ quan quản lý chủ quản nhắc nhở, nhưng nặng hơn thì bị kỷ luật… “Chẳng có tờ báo nào mà không xảy ra sai sót cả. Vấn đề là sai sót lớn hay nhỏ, sai sót cái gì, lúc nào, ở đâu, vì mục đích gì... Như Báo Tiền Phong thời tôi làm Tổng biên tập, chúng tôi có quy định rõ ràng: Phóng viên chịu trách nghiệm đến đâu, trưởng phó ban, phó tổng biên tập chịu trách nghiệm gì… Phải quy định cụ thể, phổ biến công khai như vậy để tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm về công việc của mình trước tờ báo, trước cơ quan chủ quản và pháp luật. Tất nhiên xét đến cùng Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm toàn bộ, nhưng trách nhiệm chính của Tổng biên tập là định hướng chính trị và định hướng phát triển tờ báo.

102
Nhà báo Nguyễn Minh Quang

Vay hàng trăm triệu để thưởng Tết

Cùng chia sẻ suy nghĩ làm Tổng biên tập không hề sướng như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt là với những tờ báo không được bao cấp, hoàn toàn tự hạch toán, lo toan từng đồng chi lương, nhuận bút, phụ cấp trả cho hàng chục, thậm chí hàng trăm con người, nhà báo Nguyễn Minh Quang, Tổng biên tập Báo Khoa học & Đời sống chia sẻ: “Tôi nhận trọng trách làm Tổng biên tập Báo Khoa học & Đời sống từ cuối năm 2007, khi tờ báo cực kỳ khó khăn vì không tìm được hướng đi phù hợp, đội ngũ làm báo khi đó vừa thiếu vừa yếu, tài chính thiếu thốn, nợ nhà in cùng rất nhiều khoản nợ lớn khác. Trước vô vàn khó khăn ấy, là “sự lao tâm khổ tứ” của Tổng biên tập.

Nhà báo Nguyễn Minh Quang cho hay, nỗi lo về tài chính cho các cán bộ, công nhân viên trong tòa soạn luôn thường trực trong ông. “Nhiều lúc tôi rất khổ tâm và chạnh lòng, mình mang trọng trách của một Tổng biên tập nhưng đồng thời cũng đang là người ăn lương, nếu tờ báo khó khăn thì mình cũng sẽ không có lương như anh em, chứ có phải anh em không có mà mình vẫn có. Hồi tôi mới về nhậm chức, Tết thì đến rất gần mà tài vụ nói tình hình rất căng vì tiền không có. Tôi nghĩ nếu một cái Tết không có gì động viên cho anh chị em thì rất chạnh lòng, nên tôi đã lấy uy tín cá nhân “liều” vay hàng trăm triệu để trả lương, thưởng Tết cho anh em.

Về mặt chuyên môn, nhà báo Nguyễn Minh Quang cho rằng đối với nghề báo, không bao giờ tránh khỏi sai sót, nhưng chính những sai sót và đó là một trong những cái khó mà Tổng biên tập phải đối mặt. Nhớ lại “sự cố” lớn nhất trong sự nghiệp làm báo cũng như giữ cương vị Tổng biên tập của mình, nhà báo Nguyễn Minh Quang kể: “Cách đây không lâu, căn cứ trên bức ảnh rất tinh xảo mà độc giả gửi về, báo giấy Khoa học & Đời sống có đăng bài “Người ngoài hành tinh xuất hiện ở Hà Nội?”. Tít đặt dấu chấm hỏi, bên dưới là phân tích của các chuyên gia. Theo đó các chuyên gia tạm kết luận đây có thể là trò đùa nghịch ngợm của dân công nghệ. Chúng tôi đăng không phải với tính chất cổ súy mà đăng dưới góc nhìn khoa học là có hay không? Sau đó, báo Điện tử Kiến thức (phiên bản online của Báo Khoa học & Đời sống) đăng lại bài đó nhưng BTV lại bỏ dấu chấm hỏi trên tít, khiến người đọc hiểu lầm tờ báo khẳng định chuyện “nhảm nhí” này. Hàng nghìn comment của bạn đọc “ném đá” báo Điện tử Kiến thức tơi bời. Nhưng tai hại hơn là trên hệ thống truy cập của Google và Yahoo đã không nhận dạng báo Điện tử Kiến thức, không cho báo Điện tử Kiến thức xuất hiện trên Google và Yahoo trong ba tháng liền, khiến lượng truy cập giảm đáng kể, thiệt hại cho báo rất lớn”.

104
Nhà báo Tô Quang Phán

Đòi hỏi bản lĩnh và trách nhiệm

Cho rằng được giao trọng trách Tổng biên tập vừa là niềm vui song cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhà báo Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới tâm sự: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không hề đơn giản đối với các Tổng biên tập. Thứ nhất phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, trước cơ quan chủ quản hay nói rộng hơn là Đảng, Nhà nước. Với sự phát triển bùng nổ của Internet và mạng xã hội như hiện nay, thông tin thường rất nhiều chiều, đòi hỏi Tổng biên tập phải là người có bản lĩnh. Thứ hai, đại đa số các tờ báo hiện nay đều phải tự chủ về tài chính nên trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thu xếp ổn định tài chính, chăm lo cho đời sống vật chất cán bộ, phóng viên là rất nặng nề, nhất là nguồn thu từ quảng cáo đang ngày càng sụt giảm. Nhưng nếu không đảm bảo được đời sống cho anh em trong cơ quan thì làm sao họ có thể yên tâm làm việc?”.

Bên cạnh đó, theo nhà báo Tô Quang Phán, là người chịu trách nhiệm xuất bản đối với mỗi số báo, mỗi tin bài của Tổng biên tập là một áp lực rất lớn. Đôi khi xảy ra những sai sót ngoài mong muốn. “Đặc biệt là những bài báo có liên quan đến chính trị, lợi ích người dân, bài điều tra chống tiêu cực… thì Tổng biên tập phải là người duyệt cuối cùng. Từ ngày tôi về làm Tổng biên tập hơn 5 năm nay, chưa ngày nào tôi đi ngủ trước 12h đêm”, nhà báo Tô Quang Phán nói và cho rằng, trong trường hợp xảy ra sai sót, chưa cần biết là lỗi do ai, quy trình nào, Tổng biên tập luôn là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

103
Nhà báo Trần Duy Phương

Ở góc độ khác, nhà báo Trần Duy Phương, Tổng biên tập Báo Lao Động lại cho rằng, thực tế hiện nay, khi công nghệ đang phát triển từng ngày đòi hỏi mỗi người đều phải vận động để thay đổi chính bản thân, thì ngay cả các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cũng phải chịu nhiều áp lực chứ không riêng gì Tổng biên tập. Tuy nhiên, do là người đứng đầu cơ quan báo chí nên Tổng biên tập cũng không thể làm hết được mọi việc mà buộc phải ủy quyền cho cấp dưới. Nhưng nếu có sai sót gì, Tổng biên tập không thể đổ lỗi mà luôn phải đứng ra nhận trách nhiệm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.