Tài chính

Hé lộ loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục, cao nhất cả tỷ đô

09/01/2020, 09:24

Các ngân hàng đã hé lộ lợi nhuận cả năm 2019, trong đó nhiều đơn vị thiết lập mức lãi kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay.

img
Các ngân hàng đã hé lộ lợi nhuận cả năm 2019, trong đó nhiều đơn vị thiết lập mức lãi kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay. Ảnh minh họa

Ngày 8/1/2020, SeABank công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.390,69 tỷ đồng, tăng tới 768,26 tỷ đồng (tương đương 123,4% so với năm 2018). Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

Ngoài chỉ tiêu lợi nhuận tăng vượt bậc, tổng tài sản của SeABank cũng tăng tăng 12,04% lên đạt 157.398 tỷ đồng; Tổng dư nợ thị trường 1 tăng 17,46% lên 98.613 tỷ đồng; Tổng huy động thị trường 1 tăng 13,5% lên 95.727 tỷ đồng…

Ngoài SeABank, đã có một số ngân hàng công bố lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Đơn cử như TPBank cũng đạt lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

Năm 2019 OCB cũng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018. Đây cũng là mức tăng kỷ lục của ngân hàng này kể từ khi thành lập.

Hay tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng cũng đạt khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch.

Còn tại các ngân hàng lớn, đáng chú ý là BIDV, năm 2019 BIDV cũng báo lãi kỷ lục khi lợi nhuận đạt gần 10.800 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng thương mại đạt 10.414 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2018; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%... Đây các mức lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên BIDV đạt lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các chỉ số khác của ngân hàng cũng hết sức tích cực: Tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2018; Vốn điều lệ hơn 40.000 tỷ đồng. Hiện BIDV là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về vốn và tài sản. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 của BIDV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng năm qua, riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ...

Tại Vietcombank kết quả lợi nhuận vượt xa kế hoạch và dự kiến vượt con số 20.000 tỷ đồng, tương ứng cả tỷ đô la.

Chất lượng hoạt động trong năm 2019 của các ngân hàng đã nâng lên đáng kể. Đại diện SeABank cho biết trong năm 2019 đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC và trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, chất lượng tín dụng được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31%.

SeABank cũng trở thành 1 trong 18 ngân hàng đến nay được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đạt chuẩn mực quốc tế Basel II trước thời hạn. Ngoài ra, trong năm 2019, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỷ đồng, và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam nâng cấp thành công phần mềm quản trị lõi ngân hàng T24 Temenos lên phiên bản R18 (phiên bản hiện đại nhất thế giới hiện nay).

Hay như BIDV, hiệu quả hoạt động của ngân hàng được nâng lên rõ rệt, thu dịch vụ ròng của BIDV (không gồm phí bảo lãnh) đạt 4.121 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ các dòng dịch vụ bán lẻ, ngân hàng hiện đại như thu dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng điện tử...

Trên cơ sở đó, năm 2020, Vietinbank đã mạnh đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng khoảng 6-8%; Tín dụng tăng 8-10%; Nguồn vốn huy động tăng theo nhu cầu của tăng trưởng tín dụng và sử dụng vốn, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; Nợ xấu dưới 2%; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10% trở lên so với 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.