Kinh tế

Hé lộ lợi nhuận khủng của câu lạc bộ nghìn tỷ

23/10/2018, 07:08

Không trầy trật như thời còn vất vả xử lý nợ xấu, các ngân hàng giờ đây đã liên tiếp báo lãi khủng...

11

Điểm giao dịch của Ngân hàng VP Bank - Ảnh: Tạ Tôn

Trở lại thời hoàng kim nhờ lãi khủng

VPBank hiện dẫn đầu lợi nhuận 9 tháng trong nhóm các ngân hàng (chưa có sự góp mặt của các ông lớn Nhà nước), đã công bố thông tin tính đến thời điểm này. Hết quý III năm nay, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6.125 tỷ đồng, tăng gần 40% so với con số quý II. Trọng tâm mảng bán lẻ nhưng do yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nhất là trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán nên ngân hàng này đã tiết giảm đà tăng tín dụng. Dù vậy, dư nợ mới tại “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit vẫn tăng mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 4% so với kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng tính chung đã tăng 17%. Tuy nhiên, đóng góp cho lợi nhuận chung cũng phải kể tới nguồn thu phí dịch vụ khi khoản thu này đã tăng tới 38% so với quý II.

Bám sát ngay sau đó là MBBank với tổng lợi nhuận trước thuế tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 6.015 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất trong kết quả kinh doanh kỳ này của MBBank là lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng tới 70% (281 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động khác tăng 68% (hơn 1.079 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 63%...

Sau hai ngân hàng lãi khủng trên, top dưới có VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế 1.720 tỷ đồng (tăng 176% so với cùng kỳ). LienVietPostBank cũng thu được 1.014 tỷ đồng sau khi chuyển mạnh cơ cấu sang mảng bán lẻ. Dù đạt lợi nhuận nghìn tỷ sau 9 tháng nhưng con số này vẫn giảm so với cùng kỳ. Lý giải, lãnh đạo LienVietPostBank cho rằng điều này do chi phí hoạt động tăng lên do ngân hàng này mở rộng mạng lưới với 140 điểm giao dịch mới được thành lập chỉ trong 9 tháng qua. Có lợi nhuận thấp hơn các ngân hàng khác và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do tăng mạnh trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Sacombank cũng đạt 1.300 tỷ đồng...

12
Lợi nhuận nghìn tỷ đã không chỉ còn là “chiếu trên” của các ông lớn ngân hàng (Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng VP Bank) - Ảnh: Tạ Tôn

Nợ xấu leo thang

Lợi nhuận trước thuế của MBBank vượt 6.000 tỷ đồng sau khi tăng tới 50% so với cùng kỳ đã giúp ngân hàng này thực hiện được 88% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đáng lưu ý là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MBBank tăng mạnh 18% (hơn 2.290 tỷ đồng) dù trong quý III chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 5%. Chi phí dự phòng tăng mạnh do nợ xấu 9 tháng qua tăng mạnh 45% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 67%, nợ có khả năng mất vốn tăng 62%. Tính đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của MBBank đã tăng từ 1,2% đầu năm lên 1,57%.

Cũng tăng mạnh mảng bán lẻ, đến cuối quý III/2018, cho vay khách hàng của LienVietPosstBank tăng 14% so với đầu năm (hơn 115.000 tỷ đồng). Nhưng đáng chú ý là tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng tới 42% (1.524 tỷ đồng) do chủ yếu ở nợ nhóm 3 và nhóm 4. Điều đó đã kéo nợ xấu của ngân hàng này từ 1,07% hồi đầu năm lên 1,32% (vẫn nằm trong kế hoạch dưới 1,5%).

Nằm trong nhóm top dưới với lợi nhuận trước thuế hơn 122 tỷ đồng nhưng Saigonbank lại có nợ xấu tăng vọt lên 6,4%. Chính điều này đã khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh gấp hơn 2 lần cùng kỳ (hơn 158 tỷ đồng), làm bào mòn lợi nhuận sau thuế của Saigonbank chỉ còn 93,5 tỷ đồng, giảm mạnh 49% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng không đổi nhưng xét về cơ cấu nợ có sự dịch chuyển đáng kể khi nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 2,3 lần, nợ nghi ngờ tăng 3,6 lần đã khiến nợ xấu ngân hàng cao gấp hơn 2 lần so với chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra cho toàn hệ thống.

Nợ xấu tính đến cuối quý III của Kienlongbank vẫn ở mức thấp và trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu mạnh mẽ hơn so với nhiều ngân hàng. Đến 30/9, cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng 11% (đạt 27.405 tỷ đồng) và đạt 90% kế hoạch năm. Nhưng nợ xấu đã tăng 34% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh 75% và 97%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,02% từ mức 0,84% hồi đầu năm.

Ngoài các ngân hàng có lãi lớn nghìn tỷ, các ngân hàng top dưới có lãi khá như Kienlongbank lãi trước thuế 9 tháng gần 222,45 tỷ đồng, tăng 16% với sự đóng góp từ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gần 40 tỷ đồng (tăng 15%), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối hơn 12 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ), lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư gần 106 tỷ đồng (hơn 8,7 lần cùng kỳ)... ABBANK 9 tháng đầu năm đạt hơn 658 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với cùng kỳ... Hiện thị trường đang chờ báo cáo của các ngân hàng khác, nhất là 3 ông lớn Vietcombank, Vietinbank và BIDV bởi trong hai quý đầu năm, riêng Vietcombank đã đạt lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng... Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) nhận định, 2018 vẫn là năm tăng trưởng đặc biệt của ngành ngân hàng dù tín dụng bị thắt chặt. Theo HSC, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết được dự báo sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 30% trước đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.