Hồ sơ tài liệu

Hé lộ lý do Mỹ yêu cầu Canada bắt lãnh đạo Huawei

07/12/2018, 13:52

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị bắt...

0712 Mạnh Vãn Châu

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu

Châm ngòi phản đối từ chính phủ Trung Quốc

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 6/12 dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Canada cho biết, Bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt tại Vancouver ngày 1/12 và có thể sẽ bị dẫn độ đến Mỹ để truy tố.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada Ian McLeod thông báo rằng, một phiên điều trần tại ngoại đối với bà Mạnh sẽ được diễn ra vào hôm nay (ngày 7/12). Cũng theo ông McLeod, vì bà Mạnh đã yêu cầu đề nghị công khai thông tin trước khi có những cáo buộc chính thức được chứng minh, nên cơ quan tư pháp Canada không thể cung cấp bất cứ chi tiết nào vào lúc này.

Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đã phản đối ngoại giao đối với động thái bắt giữ này và thúc giục chính quyền Canada “sửa chữa sai lầm” ngay lập tức bằng cách thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu.

“Theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ, Chính phủ Canada đã bắt giữ một công dân Trung Quốc dù người này không vi phạm bất kỳ luật nào của cả Canada hay Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối và chống lại các hành động làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền con người của bà Mạnh Vãn Châu”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, Canada tuyên bố ngày 5/12.

Cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Ottawa cũng lưu ý sẽ theo sát chặt chẽ các diễn tiến của sự việc và thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc.

Trong một tuyên bố liên quan đến vụ việc, Huawei cho biết, tập đoàn đã được cung cấp rất ít thông tin liên quan đến các cáo buộc từ phía Mỹ và không nhận thấy bất kỳ hành động sai trái nào của bà Mạnh.

“Gần đây, Giám đốc Tài chính của chúng tôi, bà Mạnh Vãn Châu đã bị chính quyền Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Hoa Kỳ khi đang có chuyến bay quá cảnh tại Canada. Bà Mạnh đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ bởi những cáo buộc chưa được xác định tại quận Đông của New York”, tuyên bố của Huawei cho biết.

Tập đoàn thiết bị viễn thông nổi tiếng Trung Quốc cũng tự tin khi cho rằng, cuối cùng rồi cơ quan pháp lý của Canada và Mỹ cũng sẽ đi đến một kết luận rằng, “Huawei luôn tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành tại các địa bàn kinh doanh, bao gồm các lệnh trừng phạt và quy định về kiểm soát xuất khẩu của Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU)”, Huawei cho biết.

Tại Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu, 41 tuổi, là một nhân vật có ảnh hưởng trong giới tài chính nước này và trong Tập đoàn Huawei. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc dự đoán bà Mạnh là ứng viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm cha mình, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, dù bà mang họ của mẹ mình.

Bà Mạnh gia nhập Tập đoàn Huawei năm 1993 và giữ nhiều vị trí khác nhau trong các phòng tài chính của công ty. Hiện, bà Mạnh cũng đồng thời giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu và đứng đầu thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông.

Đích ngắm thực sự của Mỹ

Thông tin về việc Huawei đang bị cơ quan công tố New York điều tra vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran được tờ Wall Street Journal đưa tin lần đầu vào tháng 4 vừa qua. Thông tin này rộ lên sau khi Mỹ kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc, Tập đoàn ZTE, về các cáo buộc liên quan đến việc bán thiết bị của họ ở Iran.

ZTE đã bị áp lệnh trừng phạt sau khi Chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng, tập đoàn này đã vi phạm các thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran và Triều Tiên vào năm ngoái và tiếp đó, công ty này không tuân theo các biện pháp khắc phục do Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt.

Các công ty Mỹ đã bị cấm bán vi mạch (microchip) và các linh kiện khác cho ZTE, làm tê liệt gần như toàn bộ hoạt động của tập đoàn Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt này hiện đã được dỡ bỏ theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông nhận được đề nghị liên lạc từ Chính phủ Trung Quốc.

Là một phần của thỏa thuận mới nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận, ZTE phải trả 1,4 tỷ USD tiền phạt, buộc phải cải cách bộ máy quản lý và đưa vào tập đoàn các viên chức do Hoa Kỳ chỉ định.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen cho biết, việc xem xét Huawei đang được tiến hành kỹ lưỡng. Ông là một trong những đại diện bảo trợ pháp lý để duy trì lệnh cấm vận tại chỗ nếu ZTE tiếp tục các vi phạm.

“Huawei và ZTE giống nhau và là hai đại diện lớn của các công ty viễn thông Trung Quốc, lực lượng mang lại những rủi ro cơ bản đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tập trung sự chú ý vào ZTE, thì vụ bắt giữ tại Canada cho thấy, Huawei cũng vi phạm luật pháp Hoa Kỳ”, ông Van Hollen nhận xét.

Chính quyền Mỹ đang muốn người Trung Quốc chịu trách nhiệm đối với các vi phạm luật pháp và các mối đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ. Và trên hết, Washington muốn giữ cả hai tập đoàn này (ZTE và Huawei) ở cùng một tiêu chuẩn, tức là phải có giám sát pháp lý bên trong công ty.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.