Hạ tầng

Hé lộ nguyên nhân sự cố sụt lún nghiêm trọng trên tuyến đê biển Tây

19/02/2020, 19:04
image

Nguyên nhân ban đầu của sự cố sụp lún trên đê biển Tây tỉnh Cà Mau được ngành chức năng nhận định có thể do túi bùn.

img
Lực lượng chức năng đã tiến hành rào chắn cảnh báo, không cho các phương tiện lưu thông qua lại đoạn bị sụt lún trên đê biển Tây.

Liên quan đến sự cố sụt lún tuyến đường phòng hộ đê biển Tây (Cà Mau) mà Báo Giao thông đã phản ánh, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo nhanh xung quanh sự cố này.

Theo đó, vào rạng sáng 18/2, tại tuyến đê từ kênh Đá Bạc về Kênh Mới xảy ra sự cố sụp lún mặt đường dài khoảng 100m (từ Km 58+135 đến Km 58+235). Lún sâu vào đất trước và sau chênh lệch lún từ 1,8 - 2m. Vị trí hai đầu đoạn bị sụp lún có nguy cơ sụp lún tiếp.

Sụp lún làm thiệt hại một phần bê tông mặt đường bị hư hỏng; toàn bộ phần móng cấp phối đá dăm loại 1 dày 15cm và móng cát đen của 100m đê bị lún sâu vào đất từ 1,8 - 2m.

Nguyên nhân ban đầu của sự cố sụt lún nói trên được ngành chức năng nhận định có thể do túi bùn. Vì vậy, trước mắt, ngành chức năng cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm và lập hàng rào ngăn cách, không cho phương tiện qua lại.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đoạn bị sụt lún nếu trên thuộc Gói thầu xây lắp 89 (đê từ Kênh Mới đến Đá Bạc, thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam làm đơn vị thiết kế xây dựng công trình, đơn vị thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và PTNT Hải Dương - Công ty Cổ phần Yên Cường Thịnh - Công ty Cổ phần XD Đại An, đơn vị giám sát là Tổ giám sát - Ban Quản lý dự án công trình NN&PTNT.

img
Vị trí sụt lún sâu nhất hơn 1m.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đang diễn biến phức tạp. Mực nước trên hệ thống kênh, mương khô cạn rất nhanh, kênh trục và kênh cấp 1 chỉ còn khoảng 0,5 - 1m, kênh cấp 2, 3 đã khô cạn.

Tính đến thời điểm này, Cà Mau đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, gần 43.000ha rừng (có diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ) đang trong tình trạng báo động cháy (trong đó, cấp 4 là hơn 11.000ha, cấp 5 hơn 12.000ha).

Ngoài ra, một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy; đã có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài gần 22km (trong đó, có tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây).

Những thiệt hại nói trên chủ yếu do vùng ngọt hóa bị thiếu nước phục vụ sản xuất, sông rạch khô cạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt hóa quá lớn. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.